Trình diễn thực hành nghi thức hầu đồng trong khai hội Đền Cô - Lào Cai
(Dân trí) - Ngày 4/3, tại Đền Cô Tân An, huyện Văn Bàn, Lào Cai, Sở VHTT&DL và UBND huyện Văn Bàn đã tổ chức trình diễn nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Tứ Phủ của Đạo Mẫu Việt Nam. Hàng ngàn người dân và du khách đã có cơ hội tìm hiểu về tín ngưỡng này.
Tưởng nhớ công lao của Công chúa Thượng Ngàn
Trước khi diễn ra buổi trình diễn, một nghi thức không thể thiếu được, đã trở thành nghi thức truyền thống bao đời nay để lại đó là nghi thức kiệu rước cô sang đón ông Hoàng Bảy (từ Đền Bảo Hà sang Đền Cô) và sau khi hành lễ xong nhân dân lại kiệu rước cô đưa ông trở về Đền Bảo Hà.
Theo các tài liệu, lễ hội Đền Cô Tân An đã có từ lâu đời, được nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ đến công lao của Công chúa Thượng Ngàn cùng các vị thánh, thần đã có công trong cuộc đấu tranh giữ nước, xây dựng quê hương. Lễ hội Đền Cô là lễ hội dân gian nhằm phụng thờ Công chúa Thượng Ngàn cùng các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ của Đạo Mẫu Việt Nam.
Đền Cô Tân An là nơi thờ Công chúa Thượng Ngàn – bà là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn cai quản 81 cửa rừng, hang động của miền núi rừng, đồng bằng.
Điều này đã được chứng minh trong bản Sắc phong của Vua Khải Định năm thứ 9 ban cho Trấn Bảo Hà. Bản sắc phong có ghi “Sắc ban cho Trấn Bảo Hà, phụng sự Thượng Ngàn Công chúa tôn thần, có công bảo hộ đất nước, che chở cho dân, khi cầu linh ứng, ngay thẳng. Nhân dịp Trẫm vào dịp Tứ tuần đại khánh, ban cho chiếu chỉ viết vào sổ vàng phong làm Trang Tri rực bảo Thượng đẳng Thần, chuẩn cho việc phụng thờ để bảo vệ cho dân ta”.
Ông Phan Trung Bá, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho hay, trải qua biết bao thế kỷ tồn tại với nhiều thăng trầm nhưng Đền Cô Tân An vẫn luôn là điểm tín ngưỡng mang đặc trưng của hệ thống các điểm tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Núi phía Bắc có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Sự xuất hiện của các di tích là các đền thờ Mẫu đã trở thành cột mốc văn hóa tâm linh điển hình, khẳng định chủ quyền của quốc gia.
Ngay sau phần diễn văn khai mạc, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Bàn Phạm Toàn Thắng đã lên đánh trống khai hội.
Trình diễn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Một điểm nhấn của lễ hội đền Cô năm nay là trình diễn nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ với các giá hầu được lựa chọn phù hợp với không gian linh thiêng của lễ hội, của các bản hội thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam.
Tại đây, người dân đã được xem và hiểu rõ về những trang phục, âm nhạc, ý nghĩa của từng giá hầu trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Lễ phục trong các buổi hầu đồng đóng vai trò quan trọng, là yếu tố không thể thiếu trong thực hành nghi lễ thờ Mẫu. Qua màu sắc của bộ trang phục, du khách có thể nhận ra những vị thánh nào nhập dồng, nhận diện được các phủ, các hàng như: Hàng Quan, Chầu Bà, ông Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu…
Âm nhạc và hát Chầu văn cũng là yếu tố không thể thiếu trong nghi lễ hầu đồng góp phần tạo nên trạng thái thăng hoa.
Chị Nguyễn Thị Hằng, du khách tới từ Hà Nội chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi tham dự lễ hội Đền Cô Tân An và cảm nhận thấy được rõ sự vui tươi của lễ hội. Với phần trình diễn thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, lần đầu tiên tôi đã hiểu sâu sắc hơn về tín ngưỡng này. Một cảm nhận rõ ràng là không hề có bóng dáng của những lễ hội mê tín dị đoan hay hầu đồng biến tướng mà đó là sự cảm nhận sâu sắc về bề dày lịch sử văn hóa Việt”.
Nhân dịp này, tại khu vực khuôn viên đền Cô, xã Tân An còn diễn ra hoạt động trưng bày tranh và trang phục thờ Mẫu do Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng thuộc Hội Văn nghệ dân gian tổ chức trưng bày…
Theo ông Phan Trung Bá, việc tổ chức Lễ hội đền Cô, xã Tân An, huyện Văn Bàn góp phần quảng bá du lịch tâm linh trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.
Hà Tùng Long
Ảnh: Nam Định