Triết lý nhân sinh trong các món ăn đồng bào Thái Nghệ An

(Dân trí) - Nói đến miền Tây xứ Nghệ (Nghệ An) là phải nói tới huyền thoại hoa ban, những điệu phỏn (múa) nồng say, những điệu xuối, điệu lăm, điệu khắp trữ tình và thiên truyện thơ: “Tiễn dặn người yêu” nổi tiếng.

Mâm cỗ của người Thái trong các ngày lễ cúng, mừng năm mới (Ảnh: Nguyễn Duy)
Mâm cỗ của người Thái trong các ngày lễ cúng, mừng năm mới (Ảnh: Nguyễn Duy)

Song không chỉ có thế, người Thái ở miền Tây xứ Nghệ còn có một phong tục tập quán độc đáo, mà ngay trong văn hóa ẩm thực đã có một phong cách rất tinh tế giầu tính nhân văn.

Các món ăn của người Thái ở miền Tây Nghệ An vừa giản dị, dân dã, vừa chứa đựng bao điều sâu xa: Đất - Trời, Lửa - Nước, Âm dương - Ngũ hành và triết lý nhân sinh sâu sắc.

Người Thái định cư ở miền Tây Nghệ An từ lâu đời (khoảng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII), có tiếng nói, chữ viết từ rất sớm, điều đó ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển xã hội, văn học nghệ thuật, phong tục tập quán…

Là cư dân sống ở vùng miền núi, suốt đời gắn bó với rừng, sống bằng cái ruộng, cái nương, người Thái rất coi trọng lúa, gạo, gà, cá… các loại rau rừng và do trồng trọt. Người Thái dạy con cháu:

“Lăm hờ hảy đí, na quàng

Lăm hờ phi lục hủng bàn, hủng mương…"

Những hạt gạo thơm ngon nổi tiếng trong cả nước có được nhờ bàn tay lao động của các mẹ các chị trên nương, trên rãy ở các bản, các mường hóa thân thành những món ăn thơm ngon, độc đáo.

Đó là “Xôi nếp ngũ sắc”. Để có món xôi tuyệt vời này phải dùng gạo nếp ngon ngâm với các loại lá, hoa, củ truyền thống để có các mầu: Đỏ, đen, xanh, vàng và mầu trắng nguyên thủy của gạo.

Bà con người Thái có thể xôi riêng từng chõ, hoặc dùng lá dong, lá chuối ngăn không cho lẫn mầu, rồi ghép xôi năm mầu trên một đĩa. Đĩa xôi như đất trời miền Tây thu nhỏ, ngào ngạt hương hoa, như bông hoa ban huyền thoại.

Các lễ hội của đồng bào dân tộc Thái đều tổ chức thi các món ăn (Ảnh: Nguyễn Duy)
Các lễ hội của đồng bào dân tộc Thái đều tổ chức thi các món ăn (Ảnh: Nguyễn Duy)

Các màu nóng lạnh tương trưng cho Âm - Dương. Mỗi màu lại có tiếng nói riêng: Màu đen của đất đai trù phú; màu vàng của ước mong no ấm, phồn thịnh; màu đỏ tượng trưng cho ước mơ khát vọng; màu xanh tượng trưng cho bầu trời lồng lộng và sức sống diệu kỳ và màu trắng của tình yêu trắng trong chung thủy. Một đĩa xôi nhỏ bé mà chứa đựng cả đất trời và tình người sâu nặng.

Ngày Tết đồng bào Thái gói bánh “Khẩu tồm” và “Khẩu hấu bè”. Đây là kiểu bánh chưng bằng gạo nếp ngon, nhân thịt lợn, đỗ nho nhe và gia vị. “Khẩu tồm” gói dài na ná bánh tày rồi buộc thành cặp từng đôi một, khi luộc chín mỗi nửa có hình bán nguyệt.

Còn “khẩu hấu bè” có hình giống sừng dê, bà con con dùng lá dong soắn lại hình cái phiễu rồi cho nếp, hành, đỗ, thịt và gia vị gói lại, rồi buộc với nhau từng chùm như những cái sừng dê.

Lá xanh bọc ngoài như núi rừng miền Tây hôi hổi một sức sống diệu kỳ. Gạo là ngọc quý của đất trời ban tặng. Thịt, đỗ, gia vị như muôn loài đang rạo rực sinh sôi.

Trong những ngày Tết truyền thống và khi đãi khách quý, trước đây người Thái miền Tây (Nghệ An) thường làm món “Cáy mọc”. Gà để làm món này phải là gà tơ đang nhảy ổ.

Món ăn trong ngày Tết của người Thái không thể thiếu cá sông, thịt bò gác bếp và hó mọc (Ảnh: Nguyễn Duy)
Món ăn trong ngày Tết của người Thái không thể thiếu cá sông, thịt bò gác bếp và hó mọc (Ảnh: Nguyễn Duy)

Gà làm sạch lông, chặt miếng, ướp gia vị để qua đêm, sau đó gói lá chuối hông chín, tránh không để dập vỡ trứng. Khi ăn, bao giờ chủ nhà cũng chia buồng trứng cho khách và mọi người để tỏ lòng kính trọng và cầu mong cho sự sinh sôi, phát triển, viên mãn.

Khi tiếp khách quý, ngày Tết và ngày cưới, cá, rêu đá, rau rừng là những món ăn truyền thống.

Rêu đá, tiếng Thái là “Cay”. Đây là loại rêu xanh mướt bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Rêu đá có thể xôi xào, nấu canh, gói lá dong hồng chín đều rất bùi, thơm, ngọt, mát, dư vị lưu luyến mãi không tan.

Khắp miền Tây Nghệ An các dòng suối đều mang trong mình giai thoại về tình yêu bất tử của những đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết, bị cường quyền và những hủ tục lạc hậu ngăn trở, không lấy được nhau, họ hóa thân thành dòng suối, làn rêu… Ngày xuân, ngày cưới mỗi người thưởng thức món rêu đá thấm đượm khát vọng được sống, được yêu mà cảm thông, ý thức hơn, trân trọng nâng niu và giữ gìn hạnh phúc.

Ngày Tết mâm cỗ của người Thái luôn đầy đủ cơm lam, cá sống, bánh ... (Ảnh: Nguyễn Duy)
Ngày Tết mâm cỗ của người Thái luôn đầy đủ cơm lam, cá sống, bánh ... (Ảnh: Nguyễn Duy)

Trước đây, khắp núi rừng miền Tây Nghệ An hoa ban nở trắng rừng. Với người Thái Nghệ An hay Tây Bắc ở đâu cũng vậy, hoa ban tượng trưng cho lòng hiếu thảo, cho tình yêu trắng trong chung thủy. Trải khắp vùng núi phía Tây, từ Tây Bắc đến Tây Nghệ An có bao nhiêu giai thoại về hoa ban.

Không biết có phải do sức sống diệu kỳ của loài cây huyền thoại này, hay ước mơ cháy bỏng về tình yêu của bao thế hệ chung đúc và nuôi dưỡng, mà cây hoa ban xanh tốt cả trên cả nơi đất cằn sỏi đá, mỗi độ xuân về hoa ban lại nở trắng đất trời miền Tây của Tổ quốc.

Hoa ban dù xôi, xào hay nấu canh vẫn còn nguyên sắc trắng và tỏa hương thơm dịu. Tận hưởng cả hồn vía của hoa mà lòng người cứ dưng dưng một nỗi niềm, để rồi biết quí trọng hơn những gì đã có mà phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Món ăn chế cùng hoa ban còn có măng đắng luộc chín trộn cùng hoa ban “Chúp đoọc bán”, gắn với câu chuyện tình của chàng “Khôm”. Tức đắng, nghèo khổ yêu nàng “Ban” xinh đẹp, bị ngăn trở, không lấy được nhau chàng hóa thân thành cây măng vầu. Lấy măng vầu đắng thái mỏng ngâm với nước hoa ban thì bớt đắng và trở nên thơm ngon lạ lùng.

Cái vị đăng đắng với dư vị ngọt ngào đọng mãi không tan khiến người ta cứ phải suy ngẫm mãi về cuộc đời, về tình yêu, về nhân tình thế thái. Có thành công nào, có hạnh phúc nào không đổi bằng bao nỗ lực vượt qua gian khó, có lúc cả những đắng cay đau khổ và cuộc sống của bao người.

Các lễ hội đều phải dâng lên thần linh các mâm cơm ngon là những vật phẩm từ bàn tay con người tự làm nên (Ảnh: Nguyễn Duy)
Các lễ hội đều phải dâng lên thần linh các mâm cơm ngon là những vật phẩm từ bàn tay con người tự làm nên (Ảnh: Nguyễn Duy)

Trong đám cưới cổ của người Thái miền Tây Nghệ An bao giờ cũng phải có món “Cáy háp hó”, “Pa hó”, “Pa háp” và “Nhứa bẳng” trong đồ dẫn cưới của nhà trai.

“Cáy háp hó” gồm bốn con gà tơ chừng gần một cân được luộc chín, cứ một con trống được buộc úp bụng vào một con cái thành hai cặp rồi gói vào lá dong tươi. Nhà gái sau khi cúng chặt mời khách cúng hưởng phúc lành.

Với món “Pa hó” lại dùng cá nướng gói từng đôi bằng lạt nhuộm mầu hồng rồi gói trong lá dong tươi. Còn món “Pa háp”, dùng cá xấy khô buộc từng đôi bằng lạt hồng rồi cho vào những chiếc giỏ đan bằng nan tren nhuộm mầu xanh đỏ. Món “Xín bẩng” làm từ thịt trâu ướp thính đựng trong ống nứa đậy nắp bằng lá chuối.

Khi gánh đồ dẫn cưới đến nhà gái, các đồ lễ này cũng được chia đều cân đối ở hai bên gánh. Các đồ lễ này được bầy thắp hương ở bàn thờ tổ tiên để tỏ lòng biết ơn và báo hỷ với tiền nhân. Những đồ dẫn cưới vừa tỏ lòng kính trọng, hiếu thảo với bậc sinh thành, vừa chuyên chở những ước mơ thầm kín, cao đẹp về hạnh phúc lứa đôi, gia đình hạnh phúc.

Nhiều năm trôi đi, cùng với báo sự đổi thây của đất trời,sự giao thoa giữa các nền văn hóa, những phong tục tốt đẹp này đã dần mai một, đây quả thật là một điều rất đáng tiếc.

Một mâm cơm đầy đủ cá sông, gà luộc, hó mọc, cơm nếp, cơm lam, rượu cần... (Ảnh: Nguyễn Duy)
Một mâm cơm đầy đủ cá sông, gà luộc, hó mọc, cơm nếp, cơm lam, rượu cần... (Ảnh: Nguyễn Duy)

Nói đến nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Thái ở miền Tây Nghệ An không thể không nói đến phong cách uống rượu truyền thống. Trước đây (lâu lắm rồi), trong tiệc rượu tiếp khách, bao giờ chủ nhà cũng đặt ở đầu mâm hai chén nhỏ gọi là “Chén nóng”.

Khi chủ và khách nâng chén đầu, trước khi uống bao giờ cũng rót vào chén nóng và rót xuống khe sàn chút rượu từ chén của mình để cho những linh hồn những người quá cố của chủ nhà và những linh hồn đi theo khách cùng chung hưởng. Rồi chủ và khách “Xuối mơi lảu”, tức là hát mời rượu. Lời hát thường là hỏi thăm và chúc những điều tốt lành, chén rượu thành chén tình chén nghĩa.

Các món ăn của người Thái, dù là xôi nếp ngũ sắc, bánh tết, rêu đá, rau rừng, các đồ dẫn cưới, cho đến cách thức uống rượu… đều góp phần tạo nên một văn hóa, một phong cách đậm đà bản sắc dân tộc, gửi gắm vào đó bao điều.

Những quan niệm, những suy ngẫm, những ước mơ của bao thế hệ luôn phải đấu tranh chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, chống lại kẻ thù hai chân và bốn chân để có một cuộc sống Hòa bình - Ấm no - Hạnh phúc. Được bàn tay tài hoa khéo leó của các bà, các mẹ, các chị thổi hồn, những món ăn bình dị bỗng hóa tâm hồn, dâng đời hương sắc.

Vi Hợi