Đà Nẵng:

Triển lãm hình tượng sư tử và nghê trong điêu khắc cổ

(Dân trí) - Ngày 12/12, tại Bảo tàng Đà Nẵng, Triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” chính thức khai mạc.


Video clip: Triển lãm hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam (Thực hiện:Khánh Hiền)

Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Nam Định và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức.

Đây là lần đầu tiên hình tượng nghê và sư tử gắn bó với lịch sử của nghệ thuật điêu khắc Việt ra mắt công chúng trong và ngoài nước tại Đà Nẵng.

Triển lãm hình tượng sư tử và nghê trong điêu khắc cổ
Lần đầu tiên hình tượng nghê và sư tử gắn bó với lịch sử của nghệ thuật điêu khắc Việt ra mắt công chúng tại Đà Nẵng

Tại Triển lãm, có khoảng 60 hiện vật từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn được tạo tác bằng các vật liệu đá, gỗ, sành, gốm… và một số tư liệu, tài liệu khoa học như các hình ảnh, bản vẽ đồ họa, tường giải trên cơ sở nghiên cứu hiện vật. Trong đó, đặc biệt có một số hiện vật lớn về hình tượng sư tử và nghê có giá trị thẩm mỹ cao về tạo hình, và sự phong phú, đa dạng trong cách thể hiện.

Sư tử đá tại chùa Thông (Thanh Hóa)
Sư tử đá tại chùa Thông (Thanh Hóa)

Sư tử chầu ngọc tại chùa Phật Tích  (Bắc Ninh)
Sư tử chầu ngọc tại chùa Phật Tích  (Bắc Ninh)

Nghê ở chùa Xối Thượng (Nam Định)
Nghê ở chùa Xối Thượng (Nam Định)

Nghê gỗ phổ biến ở thế kỷ XVII - XVIII
Nghê gỗ phổ biến ở thế kỷ XVII - XVIII

Nghê gỗ thế kỷ XVII
Nghê gỗ thế kỷ XVII

Đôi sư tử chầu ngọc trên bệ tượng chùa Phật Tích thời Lý
Đôi sư tử chầu ngọc trên bệ tượng chùa Phật Tích thời Lý

Bộ lư hương bằng gốm và nghê bằng gỗ thế kỷ XIX
Bộ lư hương bằng gốm và nghê bằng gỗ thế kỷ XIX

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự xuất hiện của những con sư tử Trung Hoa tại một số điểm, không gian văn hóa Việt đã trở thành vấn đề có nhiều tranh luận sôi nổi trên báo chí và dư luận xã hội.

Ở góc nhìn văn hóa truyền thống mang tính biểu tượng, không gian tín ngưỡng cổ truyền đã định hình qua nhiều thế kỷ đang bị lai tạp, biến dạng. Điều này có nguyên nhân từ khoảng trống trong giáo dục di sản nghệ thuật. Công chúng còn thiếu cơ hội để khám phá và tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của một số hình tượng linh vật trong nghệ thuật cổ Việt Nam.

Từ bối cảnh trên, triển lãm lần này được kỳ vọng góp phần quảng bá đến người xem cả trong và ngoài nước những giá trị độc đáo của kho tàng di sản nghệ thuật dân tộc.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 23/12

Khánh Hiền