Triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”
(Dân trí) - Từ ngày 30/8 - 03/9 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam sẽ diễn ra triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là hoạt động văn hóa có ý nghĩa sâu sắc nhằm tiếp tục khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc thiêng liêng và tấm gương đạo đức của Người.
Bác Hồ bắt đầu viết bản Di chúc vào ngày 10/5/1965. Lần cuối cùng Bác viết và chỉnh sửa vào ngày 10/5/1969.
Với những ngôn từ bình dị mà súc tích Bác viết, chúng ta đều cảm nhận được tình cảm gần gũi, yêu thương của Người và thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn, quyết tâm hơn để thực hiện bản Di chúc thiêng liêng.
Kỷ niệm 50 năm Di chúc của Bác, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam sẽ tổ chức triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” từ ngày 30/8 - 03/9.
Sự kiện có sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác: Nghệ An, Cao Bằng, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương cùng các đơn vị Bảo tàng: Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, Bảo tàng Hậu Cần, Bảo tàng Hóa học và một số trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
Ở khu trưng bày chung của triển lãm sẽ trưng bày toàn văn 10 trang bản chụp từ Di chúc gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh quan trọng liên quan đến Di chúc của Bác. Qua đó cho thấy, Di chúc luôn là nguồn sáng dẫn đường cho dân tộc Việt Nam trong công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước. Tại khu vực trưng bày chung cũng giới thiệu những bức tranh cổ động tuyên truyền “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Bác Hồ phát biểu tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 1 ở Việt Bắc tháng 4 năm 1950. Ảnh: BTC.
Bên cạnh đó, ở khu trưng bày của các tỉnh, thành phố sẽ có phần trưng bày do Bảo tàng tỉnh Nghệ An thực hiện, khắc họa tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với quê hương Nghệ An và tình cảm kính yêu, niềm tin son sắt của Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đối với Người. Cùng với đó là những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Bác.
Bảo tàng Hồ Chí Minh ở TPHCM cũng trưng bày hơn 70 tư liệu, hình ảnh và hiện vật quý giá với nội dung “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1945)”. Qua đó thể hiện tình cảm sâu nặng của Bác dành cho đồng bào miền Nam và tấm lòng tôn kính, tình cảm thương yêu vô bờ bến, vừa thiêng liêng, vừa ruột thịt như những người con đối với Cha của đồng bào miền Nam dành cho Bác Hồ.
Cao Bằng, nơi dừng chân đầu tiên khi Bác trở về để lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc… cũng sẽ trưng bày và những hiện vật, tư liệu gắn với những tháng ngày Bác ở Cao Bằng cũng như thành tựu mà tỉnh đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Bác. Thái Nguyên, Hải Dương… cũng sẽ có những gian trưng bày gắn với hình ảnh của vị Cha già kính yêu.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lựa chọn tư liệu, hình ảnh và hiện vật với nội dung về tình cảm thương yêu của Bác dành cho phụ nữ Việt Nam và tấm lòng tôn kính của phụ nữ Việt Nam đối với Bác Hồ; những tấm gương tiêu biểu của của phụ nữ Việt Nam trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người.
Bến Nhà rồng nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: BTC.
Bảo tàng Hậu Cần, Bảo tàng Hóa học, các trường đại học cũng có không gian trưng bày riêng gắn với những kỷ niệm về Bác và những thành tựu của đơn vị và nhà trường đã đạt được trong những năm thực hiện Di chúc của Bác.
Điểm nhấn của sự kiện là chương trình giao lưu nghệ thuật và gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng với chủ đề “Nhớ ơn Hồ Chí Minh”. Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời: Anh hùng Lực lượng vũ trang Trương Thị Khuê, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, người vinh dự được gặp mặt Bác 3 lần và ăn cơm cùng Bác; Nhà văn Chu Lai - một nhà văn, người lính tiêu biểu và Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai.
Ngoài ra, đêm khai mạc và chương trình nghệ thuật “Sáng mãi niềm tin” với nhiều tiết mục ca ngợi quê hương đất nước, Đảng và Bác Hồ, được dàn dựng công phu cũng sẽ là hoạt động rất thú vị dành tặng khách đến thăm triển lãm.
Hà Tùng Long