Triển khai giai đoạn 2 hồ sơ đề cử Yên Tử là Di sản Thế giới

(Dân trí) - Bộ VH,TT&DL vừa có băn bản gửi UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương về việc triển khai thực hiện Báo cáo của ICOMOS về Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.

Theo đó, Bộ VH,TT&DL nhận được báo cáo tư vấn của Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) về việc thực hiện giai đoạn I của quy trình tập trung đối với việc lập hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản Thế giới.

Để triển khai giai đoạn II của việc lập hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản Thế giới, Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND Bắc Giang và UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở VH,TT&DL và các cơ quan chức năng của 03 tỉnh rà soát các điểm di chỉ khảo cổ học đã khai quật những năm trước để khoanh vùng bảo vệ, không để hoang phế và để người đi lại phía trên các di chỉ khảo cổ học (di chỉ khảo cổ học ở đền Kiếp Bạc, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên...).

Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản Thế giới.
Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản Thế giới.

Bên cạnh đó, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích, di chỉ khảo cổ học cần đảm bảo thực hiện theo quy định của Luật di sản văn hóa và Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, nhằm giữ được tính xác thực của di sản (đặc biệt về hình thức kiến trúc và vật liệu truyền thống, việc đưa tượng phật mới vào thờ tự tại các chùa, tháp mộ).

Tính xác thực là một trong ba trụ cột quan trọng tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đề cử. Ngoài ra, chỉnh sửa Báo cáo tóm tắt Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử theo mẫu Phụ lục số 2B tại Hướng dẫn thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, trong đó, bổ sung Khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (tỉnh Hải Dương) để Bộ VH,TT&DL xin ý kiến Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO theo quy định tại Điều 31 Luật di sản văn hóa.

Báo cáo tóm tắt cần tiếp thu ý kiến của ICOMOS trong việc: Xem xét lại tiêu đề của di sản đề cử thay tên “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” bằng tên gọi phù hợp với nội dung hồ sơ đề cử; Loại bỏ những điểm di tích không phù hợp với nội dung hồ sơ đề cử đã được trình bày trong báo cáo tổng quan của Bảo tàng Lịch sử quốc gia về Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tại Hội thảo: “Nhận diện giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” ngày 18/8/2015; Lựa chọn các tiêu chí ii, iii, v và vi để xây dựng Báo cáo tóm tắt; Khi dịch Báo cáo tóm tắt sang tiếng Anh, cần sử dụng tên thuật ngữ của các điểm di tích và công trình kiến trúc (chùa, miếu, am, tháp, mộ...) rõ ràng, chính xác.

Tiếp tục hoàn thiện nội dung kết luận tại buổi họp triển khai xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản Thế giới (Thông báo số 2866/TB-BVHTTDL ngày 17/7/2015 của Bộ VH,TT&DL), trong đó, lưu ý việc cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch tổng thể lập hồ sơ đề cử Yên Tử là Di sản Thế giới trình Ủy ban nhân dân 03 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương xem xét, phê duyệt, báo cáo Bộ VH,TT&DL.

Trong quá trình triển khai giai đoạn II của việc lập hồ sơ đề cử Yên Tử là Di sản Thế giới, cần đặc biệt lưu ý xây dựng Kế hoạch quản lý di sản bám sát yêu cầu của ICOMOS về các nội dung quy định tại hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới về quản lý rủi ro, thiên tai, quản lý du lịch... như đã được nêu trong Báo cáo của ICOMOS.

Cuối cùng là cần phải giữ mối quan hệ với ICOMOS và GS.Hae Un-Rii - Chủ tịch ICOMOS Hàn Quốc để mời các chuyên gia ICOMOS tiếp tục tư vấn cho giai đoạn II của việc lập hồ sơ đề cử Yên Tử là Di sản Thế giới.

Hà Tùng Long