Trâu ngáo ngơ, hổ "lai" heo quay: Vì sao năm nào cũng "cười ra nước mắt"?
(Dân trí) - Đây không phải là lần đầu tiên dư luận "dậy sóng" với những linh vật chào đón năm mới "dị dạng", "khó hiểu"; nhưng vì sao, chuyện "biết rồi, khổ lắm nói mãi" vẫn tái diễn hết năm này, qua năm khác?
"Không thể phân biệt được đâu là linh vật Trâu, đâu là linh vật Hổ"
Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, nhiều địa phương đã tiến hành trang trí hình tượng hổ ở các điểm công cộng. Tuy nhiên, thời gian qua liên tiếp xuất hiện những chú hổ với biểu cảm "dở khóc, dở cười" gây xôn xao dư luận.
Tại Phú Thọ, 5 bức tượng hổ trưng bày ở khu vực vườn hoa quảng trường thị xã gây tranh cãi lớn khi hổ có hình hài gầy nhom, tiều tụy "dị dạng". Thậm chí, nhiều người còn nhận xét hổ được tạo hình cẩu thả, giống với loài chó hơn và không có chút uy nghi nào của loài "chúa sơn lâm".
Mới đây nhất, tượng hổ với thân hình kỳ lạ ở Thanh Hóa cũng khiến dư luận "cười ra nước mắt". Được biết, tượng hổ này không phải do chính quyền xây dựng mà do Công ty TNHH SOTO thực hiện trang trí trên khuôn viên của dự án Đô thị - Công nghiệp - Du lịch sinh thái biển Tiên Trang.
Bình luận về hình dáng của tượng hổ này, bà Nguyễn Thị Liên - Chủ tịch UBND xã Tiên Trang cũng phải "thốt" lên: "Lưng thì con hổ, đầu thì không phải, còn cái mông thì như con lợn quay".
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên dư luận "dậy sóng" với những linh vật chào đón năm mới "dị dạng", "khó hiểu". Năm Tân Sửu 2021, hình ảnh đàn trâu vàng với biểu cảm "ngáo ngơ" ở Vĩnh Long cũng dấy lên những tranh cãi trái chiều. Chưa hết, trong năm 2020 tạo hình gia đình nhà chuột đi hội bài chòi dân gian tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP. Quy Nhơn, Bình Định) cũng được nhận xét là "nhìn giống lợn hơn là chuột".
Gây tiếng cười nhất phải kể đến tạo hình kỳ quặc của "chú rồng Pikachu" ở Hải Phòng vào dịp Tết 2017. Đến nỗi, sau khi gây "bão" trên mạng xã hội, các sản phẩm ăn theo như áo phông, cốc, ốp điện thoại, bánh kem in hình rồng pikachu... đã xuất hiện và tạo nên cơn sốt.
Nhiều độc giả bình luận họ không thể phân biệt được "đâu là linh vật Trâu", "đâu là linh vật Hổ" "đâu là linh vật Chuột" vì ngoại hình tạo tác đều na ná nhau.
"Sang năm các địa phương trưng bày linh vật nào thì nên đề biển tên của linh vật đó. Ví dụ: Đây là con Hổ; đây là con Trâu… để tránh hiểu lầm, suy diễn như năm nay", độc giả có tên Hải Hà hài hước nhận xét.
Bên cạnh đó, cũng không ít người cho rằng dư luận không nên khắt khe, chấp nhặt, cần phân biệt rạch ròi linh vật tạo tác đó do nghệ nhân hay công nhân thực hiện. Nếu đơn thuần linh vật do công nhân tạo tác, đặt trong một khu du lịch thì vẫn có thể chấp nhận được miễn là "họ vui, họ cảm thấy có không khí Xuân" là được.
Vậy đâu sẽ là thước đo cho những giá trị thẩm mỹ công cộng? Liệu có cần một quy chuẩn chung cho những tác phẩm nghệ thuật này hay không và bao giờ chúng ta mới có những tác phẩm linh vật đáng tự hào?
Đừng để năm nào cũng "cười ra nước mắt"!
Chia sẻ với PV Dân trí, họa sỹ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho biết, đã là những tác phẩm đặt ở nơi công cộng thì phải có sự quản lý chứ không thể để tình trạng "tự phát, mỗi nơi" một kiểu vì nó rất phản cảm.
Theo dõi các linh vật Hổ ở các địa phương được báo chí đăng tải trong thời gian qua, họa sỹ Lương Xuân Đoàn bình luận "ông không thể chấp nhận được" bởi "nó quá tùy tiện, lộn xộn về mặt mỹ cảm".
"Năm Tân Sửu nhiều địa phương đã phải chịu đựng những đàn trâu phản cảm về thẩm mỹ, tưởng năm nay sẽ rút kinh nghiệm nhưng câu chuyện tương tự vẫn tái diễn. Chúng ta sáng tạo nhưng phải có giới hạn. Trong văn hóa dân gian, hổ là một linh vật tượng trưng cho sức mạnh, oai vệ, uy quyền và có ý nghĩa về mặt tâm linh. Chúng ta không được phép biến tướng với những đàn hổ gầy nhom, ốm yếu, biểu cảm dị dạng.
Như vậy là xúc phạm và không hiểu gì về văn hóa dân gian. Nếu không sáng tạo được thì có thể tham khảo những khuôn mẫu Hổ như bộ Ngũ Hổ tranh Hàng Trống để tạo tác linh vật", ông Đoàn bình luận.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, cần quy trách nhiệm cụ thể cho các địa phương. Việc tạo tác các linh vật ở nơi công cộng cũng cần có một quy trình thống nhất từ duyệt bản vẽ đến giám sát việc thực hiện, trưng bày.
Đặc biệt các địa phương cũng nên cân nhắc việc tạo tác các linh vật theo ý tưởng của các công ty, doanh nghiệp. Dù họ là nhà tài trợ, bỏ chi phí vì nếu thiên về tính thương mại sẽ không có cá tính, nghệ thuật, thẩm mỹ của nghệ sĩ.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, ông ủng hộ mọi sự sáng tạo vì có sáng tạo mới giúp cho nghệ thuật phát triển. Tuy nhiên, sáng tạo cũng cần có nguyên tắc, đặc biệt là những sáng tạo ở nơi công cộng. Vì đây là không gian chung cho mọi người.
"Việc trưng bày công trình nghệ thuật ở nơi công cộng khác rất nhiều với việc trưng bày một tác phẩm nghệ thuật ở nơi riêng tư. Đây là lý do, chúng ta phải hết sức cân nhắc, chỉn chu. Những công trình này phải có sự thẩm định của các cơ quan chức năng, nghệ sỹ để có một tác phẩm phù hợp với thị hiếu chung", ông Sơn nhấn mạnh.
Bình luận về những linh vật chào đón năm mới gây tranh cãi trong thời gian vừa qua, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần phải chấm dứt tình trạng này vì nó rất phản cảm.
"Năm nào chúng ta cũng bàn về hình dáng các linh vật trong năm mới, năm nay phải dứt điểm. Các tác phẩm trưng bày ở các dịp lễ Tết, dịp trọng đại của đất nước không nên tùy tiện. Ngay cả các linh vật hay tác phẩm nghệ thuật đặt trong khu du lịch cũng tác động đến nhận thức của rất nhiều người, cần phải có sự cân nhắc và nhất thiết phải chỉn chu.
Nên nhớ, thị hiếu chung khác với thị hiếu của một cá nhân cụ thể và trưng bày ở không gian công cộng cũng không thể giống với trưng bày nghệ thuật ở không gian riêng tư", ông Sơn nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc trưng bày các linh vật, trang trí không gian công cộng chào đón năm mới, tạo điều kiện cho người dân vui Xuân, đón Tết là rất ý nghĩa. Thế nhưng, đã đến lúc những sáng tạo ở không gian công cộng không thể tùy tiện, dẫn đến câu chuyện "dư luận phát chán, ngao ngán hết năm nay qua năm khác".