Trào lưu uống cà phê và … bàn về cái chết
(Dân trí) - Những người tham gia buổi cà phê này sẽ được giãi bày suy nghĩ về cái chết, giải tỏa gánh nặng tâm lý sau khi mất người thân, thậm chí là bàn bạc về những việc cần chuẩn bị trước khi "lìa xa cõi đời".
Năm 2019, khi Feng Qing (25 tuổi) đang du lịch nước ngoài thì bà ngoại qua đời. Cô luôn dằn vặt, hối hận vì đã đánh mất cơ hội được gặp mặt người phụ nữ đã nuôi mình khôn lớn lần cuối.
Khi bà mất, Feng cũng không có chỗ để giãi bày sự đau buồn. Giống như nhiều gia đình Trung Quốc khác, bố mẹ cô từ chối nhắc đến chuyện cũ. Họ coi cái chết là một chủ đề tối kỵ nên cấm các con nói những từ hay những câu như "mệt gần chết" hoặc "vui chết mất".
Vài tuần sau, Feng được một người bạn giới thiệu về sự kiện sắp diễn ra tại Thượng Hải. Khoảng 20 người sẽ tụ tập lại, cùng nhau ăn bánh, uống cafe và chia sẻ suy nghĩ, trải nghiệm về cái chết. Tìm được nơi có thể giãi bày tâm sự, Feng lập tức đồng ý tham gia.
Mặc dù là những người xa lạ, lần đầu gặp gỡ nhưng cả Feng và các vị khách khác đều như có chung sự đồng cảm với nhau. Họ thoải mái thổ lộ, bày tỏ cảm xúc trước mọi người, kể về những nỗi buồn mất người thân mà mình đã trải qua.
Feng còn được người chủ trì và các thành viên khác trong nhóm đưa ra những lời khuyên để giúp cô nguôi ngoai nỗi nhớ và không còn thấy dằn vặt về sự việc đã qua.
Những buổi gặp gỡ giống như Feng tham gia được gọi là "cà phê chết" (Death Cafe). Tới đây, mọi người có thể thoải mái bày tỏ suy nghĩ của mình về cái chết, giải tỏa gánh nặng tâm lý sau khi mất người thân hay thậm chí là đón nhận lời khuyên, tư vấn về những việc cần chuẩn bị nếu không may qua đời.
Quán "cà phê chết" đầu tiên do một người Anh tên là Jon Underwood khởi xướng từ năm 2011 và đã xuất hiện ở 76 quốc gia.
Ở Trung Quốc, mô hình này được biết đến rộng rãi nhờ Hand in Hand - tổ chức phi lợi nhuận trợ giúp bệnh nhân ung thư với sự kiện đầu tiên diễn ra tại Thượng Hải cách đây 7 năm.
Nhận thấy đây là cách thức giáo dục về cái chết hiệu quả mà ít tốn kém nên 2 năm sau, Hand in Hand bắt đầu mở các lớp đào tạo người chủ trì để đưa chuỗi sự kiện lan tỏa đến mọi tỉnh thành. Chỉ riêng tại Trung Quốc, hoạt động "cà phê chết" đã được tổ chức 500 lần ở 39 thành phố, thu hút khoảng 8.000 người tham dự.
Để có mặt trong những buổi "cà phê chết" này, người tham gia phải mua vé với giá khoảng 44 tệ (hơn 150.000 đồng). Con số 44 có phát âm gần giống câu "chết là chết" nên được lựa chọn như một cách phản ánh thẳng thắn nội dung buổi cà phê. Họ sẽ tới các địa điểm riêng tư, rộng rãi, phù hợp mục đích buổi họp để cùng nhau giãi bày, chia sẻ kiến thức.
Wu Jing - một tình nguyện viên của Hand in Hand ở Thượng Hải đã tổ chức hàng chục buổi "cà phê chết" từ năm ngoái đến nay. Dù thành phố này không bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng đại dịch vẫn đang hoành hành khắp nơi khiến không ít người Trung Quốc qua đời vì nhiễm virus corona.
Bên ngoài Trung Quốc, đại dịch Covid-19 cũng tác động mạnh mẽ đến các buổi "cà phê chết". Theo Kris D'Aout - giảng viên cao cấp tại Đại học Liverpool (Anh), tin tức về các ca tử vong xuất hiện trên báo mỗi ngày khiến mọi người dễ dàng nói về cái chết hơn. Đồng thời họ cũng có thêm thời gian suy ngẫm, nhìn nhận lại mọi thứ trong lúc thực hiện giãn cách xã hội.
Nữ giảng viên này cũng từng tổ chức các buổi "cà phê chết" ở quán bar nhưng giờ chuyển sang gặp gỡ online để đảm bảo an toàn mùa dịch. Mỗi người đến với buổi gặp gỡ này đều có những mục đích khác nhau. Họ có thể đã trải qua mất mát, làm việc trong lĩnh vực liên quan đến cái chết hoặc đang nuôi người thân mắc bệnh nan y.
"Nếu chúng ta coi cái chết là một chủ đề bình thường thì khi mất đi người thân, cảm giác đau thương sẽ nhẹ bớt đi. Thậm chí chúng tôi còn thảo luận về những việc nên làm trong đám tang người thân để có thể hoàn thành di nguyện của người đã khuất. Từ đó mọi người sẽ cảm thấy tinh thần nhẹ nhõm hơn vì đã chu toàn được nhiều thứ", D'Aout chia sẻ.