Trào lưu giả gái trên truyền hình: Đừng biến nghệ sĩ thành trò mua vui
Hầu hết các gameshow hiện nay đều có những tiết mục giả gái với mục đích làm phong phú, hấp dẫn cho chương trình.
Hiểu theo nghĩa trần trụi thì đó chẳng khác gì trò mua vui trong phút chốc, làm lợi cho nhà sản xuất nhưng về sâu xa, với nghệ sĩ và khán giả thì đó là những hệ lụy khôn lường.
Thanh Duy bắt đầu bị nhiều lời chê vì quá lạm dụng các màn giả gái. Ảnh: TL
Thanh Duy bắt đầu bị nhiều lời chê vì quá lạm dụng các màn giả gái. Ảnh: TL
Phải giả gái mới vui?
Nếu như trước đây, việc giả gái với nghệ sĩ được coi là sự bản lĩnh vì dù để mang lại tiếng cười và sự ngưỡng mộ cho khán giả trên sân khấu thì đổi lại, ở ngoài đời, họ cũng phải đối mặt với vô số tin đồn về giới tính. Nhưng hiện nay, đó không còn là cản trở với nghệ sĩ nữa vì họ vốn dĩ đã quá quen với những đồn thổi. Việc nở rộ các gameshow truyền hình đã bổ sung một danh sách dài những nghệ sĩ “hi sinh vì nghệ thuật” để giả gái. Đẹp có, hài có và lố bịch, nhố nhăng cũng nhiều. Không cứ phải có ngoại hình na ná với nữ giới như Long Nhật, Hoài Linh, Chí Thiện, Thanh Duy... nhiều nghệ sĩ có vẻ ngoài phốp pháp cũng bất chấp để thử sức, như ca sĩ Minh Quân, diễn viên Khương Ngọc, Mai Quốc Huy, Ngô Kiến Huy... Diễn đạt cũng vui mà diễn hỏng lại... càng vui.
Chương trình đang có tốc độ giả gái nhiều nhất hiện nay là Gương mặt thân quen. Với format “bốc thăm”, chọn đúng nghệ sĩ nào thì nghệ sĩ đó thể hiện. Tuy nhiên, có những chương trình không hề liên quan cũng cố uốn cho nghệ sĩ thành “cong”. Bùi Anh Tuấn, Hà Duy, khi tham gia Cặp đôi hoàn hảo cũng bị cuốn theo trào lưu này. Là gameshow ca nhạc, nhưng sức hấp dẫn thực sự của Gương mặt thân quen dường như không phải ở các ca khúc mà nghệ sĩ thể hiện. Nó nằm ở yếu tố “nhìn” là chủ yếu. Cho dù không dành được 100 triệu đồng từ chương trình thì nghệ sĩ đó chắc chắn sẽ gây được hiệu ứng trên báo chí hay trên Facebook cá nhân. Chẳng hạn như Thanh Duy Idol, 3 lần giả gái nhưng chỉ 1 lần chiến thắng. Cái “lãi” nhất với anh sau đó là số lượng người theo dõi trên Facebook tăng chóng mặt. Sự nổi tiếng của Thanh Duy còn nhiều hơn cả khi anh dành được vai diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2014 (phim Đập cánh giữa không trung).
Trong khi đó, Mai Quốc Huy để rơi khá nhiều fan hâm mộ khi hóa thân thành Bảo Yến, Vân Khánh và gần đây nhất là giọng ca Trác Y Đình ở liveshow 10 diễn ra tối 20/6. Không còn định hình được phong cách là “phù thủy giả giọng”, Mai Quốc Huy đang biến mình thành trò mua vui do làm không tới, không hợp với nhân vật. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, nhưng sau cái cười đó là gì mới là đỉnh cao của sự giải trí. Dù khiến khán giả cười vỡ bụng nhưng Mai Quốc Việt không được đền đáp bằng giải thưởng 100 triệu đồng. Giám khảo Hoài Linh bình luận tiết mục giả Trác Y Đình là “thôn nữ đột biến gen” vì thiếu sự mềm mại của người nữ như Thanh Duy Idol từng thể hiện trước đó.
Tuy nhiên, ngay cả người giả gái thành công nhất hiện nay là Thanh Duy thì hiện cũng đang khiến khán giả ngán ngẩm khi anh quá lạm dụng nó trong các tiết mục. Chẳng hạn, khi bốc trúng màn hóa thân thành ca sĩ Long Nhật, thay vì chọn những ca khúc gắn với tên tuổi của ca sĩ này thì Thanh Duy lại chọn màn giả gái để thể hiện. Sự lạm dụng này đã khiến cho các phần hóa thân của anh không còn trở nên đặc biệt nữa. Sau những màn tung hô ở những tập đầu, trên trang fanpage của Thanh Duy còn có cả những comment gọi anh là “thằng pê-đê”, thậm chí còn xúc phạm hơn nữa khi nhận xét về tiết mục của anh.
Trào lưu “phi giới tính” trong giới trẻ
Nghệ sĩ Hoài Linh sau nhiều năm giả gái, dù rất thành công nhưng anh đã dừng lại đúng lúc. Bên cạnh việc không còn trẻ trung nữa, Hoài Linh tự nhận ra rằng, giả gái không còn “độc” và “lạ” nữa. Hay như nghệ sĩ Anh Vũ quan niệm rằng, nghệ sĩ giả gái phải đúng hoàn cảnh và tình huống, nếu không sẽ dễ gây phản cảm. Tôi không thấy tự tin nếu giả gái bởi cơ thể mình là nam, không có sự uyển chuyển, mềm mại để đóng vai phụ nữ. Tự mình còn thấy kỳ cục, khán giả làm sao chấp nhận nổi. Và trong sự nghiệp của mình, Anh Vũ chỉ duy nhất một lần làm “má mì” và chưa bao giờ giả gái, dù nhận được không ít lời đề nghị.
Đã từ lâu, việc các nghệ sĩ đua nhau giả gái trên truyền hình đã khiến khán giả không khỏi lo ngại về tác hại gây lệch lạc giới tính trong giới trẻ. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh hậu quả của nó, nhưng có một sự thật là ở Sài Gòn vài năm trở lại đây đang rộ lên trò chơi giả les trong giới nữ sinh. Họ vốn sinh ra bình thường, có bạn trai đàng hoàng nhưng vẫn có “bạn gái” để chứng tỏ khả năng “đa nhân cách”, “phi giới tính”. Trong khi những người giới tính thứ 3 thực sự luôn tìm cách để che giấu thân phận thì họ lại chủ động “phơi” nó ra trước thiên hạ. Nào là nắm tay nhau, thể hiện cử chỉ thân mật ở chốn đông người “mới đủ độ phê”. Họ còn chủ động đăng những status trên trang cá nhân rằng mình bị les. Mặc cho bạn bè dè bỉu, cha mẹ phiền não, họ vẫn hứng thú với trò chơi nguy hiểm này. Bởi đã có không ít trường hợp ban đầu chỉ thử cho vui để khỏi lạc hậu với thiên hạ, khiến bản năng không còn được kiểm soát. Họ cũng trở thành les từ lúc nào không hay.
Việc hạn chế các màn hóa thân từ “thẳng” thành “cong” trên truyền hình hiện nay là hoàn toàn có thể can thiệp được. Nếu muốn đó là chương trình giải trí nghiêm ngắn, lường trước được những tác hại vô hình của việc giả giới tính quá đà, họ có thể yêu cầu nghệ sĩ tiết chế hoặc không đưa ra những “đề bài” giả gái cho chương trình. Khán giả sẽ được “lọc” trước khi xem và nghệ sĩ thì không phải đối diện với lời đồn giới tính không cần thiết.
Theo Minh Nhật
Báo Gia đình & Xã hội