TPHCM:

Trao bằng xếp hạng di tích cho 10 công trình kiến trúc nghệ thuật

(Dân trí) - Nhân kỷ niệm ngày Di sản Việt Nam (23/11), UBND TPHCM đã trao bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố cho 10 công trình kiến trúc nghệ thuật.

Ngày 19/11, UBND TPHCM và Sở Văn hóa - Thể thao TP đã tổ chức lễ trao quyết định, bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố và trao danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (xây dựng năm 1927) được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (xây dựng năm 1927) được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố

Theo đó, 10 công trình kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng gồm: trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trường THCS Hồng Bàng (quận 5), trường THPT Marie Curie (quận 3), đền thờ Hùng Vương (trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn), Viện Pasteur (quận 3), mộ ông Nghị viên địa hạt Đặng Tân Xuân (trong khuôn viên Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II, quận 9), Hội quán Tam Sơn (quận 5), chùa Giác Hải (quận 6), mộ cổ họ Lâm (trong công viên Tao Đàn, quận 1), cầu Mống (nối quận 1 với quận 4).

Hiện nay, TPHCM có 165 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích cấp quốc gia và thành phố, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Dinh Độc Lập).

Cũng trong dịp này, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cũng đã trao danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" cho 16 nghệ nhân có cống hiến xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của TPHCM. Trong đó, 12 nghệ nhân thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và 4 nghệ nhân thuộc loại hình tri thức dân gian.

16 nghệ nhân được vinh danh gồm: Lê Khắc Tùng, Phạm Thị Tuyết, Phạm Công Tỵ, Lưu Kiếm Xương, Nguyễn Thị Hồng Vanh, Trương Hán Minh, Trương Lộ, Lý Khắc Nhu, Nguyễn Thanh Vân và Nguyễn Thế Viên, Đức Dậu, Đoàn Văn Dũng, Đàng Quang Dũng, Lương Tấn Hằng, Nguyễn Tấn Nhì, Lê Hoàng Tấn.

Quốc Anh