Tranh khỏa thân khiến hàng loạt bảo tàng bị "cấm cửa" trên mạng xã hội

(Dân trí) - Hàng loạt các viện bảo tàng danh tiếng của phương Tây đã có một động thái gây sốc, sau khi các tác phẩm tranh ảnh khỏa thân nghệ thuật của họ bị cấm xuất hiện trên mạng xã hội.

Tranh khỏa thân khiến hàng loạt bảo tàng bị cấm cửa trên mạng xã hội - 1

Bức "Wasserschlangen II" do danh họa Gustav Klimt thực hiện từng đạt mức giá 183,8 triệu USD khi được bán ra hồi năm 2013, giúp tranh trở thành một trong những tác phẩm đắt nhất thế giới (Ảnh: Wikipedia).

Động thái mới nhất của nhiều viện bảo tàng phương Tây chính là gia nhập vào một nền tảng chuyên sản xuất nội dung phục vụ người trưởng thành, nền tảng này hiện có khoảng 130 triệu người sử dụng.

Động thái mới này của các viện bảo tàng được xem như một cách để phản đối lại việc các tác phẩm nghệ thuật khắc họa cơ thể khỏa thân luôn bị các nền tảng mạng xã hội cấm đăng tải.

Việc nghệ thuật đẳng cấp kết hợp với một nền tảng nội dung dành cho "người lớn" đã ngay lập tức gây xôn xao bình luận, đây cũng là điều mà các viện bảo tàng mong muốn: một cuộc đối thoại xung quanh các tác phẩm khỏa thân, rằng những tác phẩm ấy bị cấm khi đăng tải trên mạng xã hội là hợp lý hay không.

Tranh khỏa thân khiến hàng loạt bảo tàng bị cấm cửa trên mạng xã hội - 2

Facebook cũng từng cấm đăng bức ảnh chụp tượng thần Vệ nữ Willendorf - một bức tượng có niên đại 25.000 năm tuổi mà Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna đăng lên hồi năm 2018 (Ảnh: New York Post).

Hiện tại, nhiều viện bảo tàng nghệ thuật của thành phố Vienna, Áo, đã cùng hợp tác trong việc sản xuất nội dung trên nền tảng nội dung dành cho người trưởng thành. Họ đưa các tác phẩm khỏa thân nằm trong bộ sưu tập của mình lên nền tảng đó để giới thiệu.

Động thái này được thực hiện giữa bối cảnh các mạng xã hội liên tục chặn các hình ảnh "vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng" mà các viện bảo tàng đưa lên, đây thường là những tác phẩm tranh, ảnh khắc họa vẻ đẹp cơ thể người theo góc nhìn nghệ thuật. Nhiều viện bảo tàng thậm chí đã bị... khóa tài khoản vì những hình ảnh "bị cấm đăng tải" kiểu như vậy.

Viện bảo tàng Albertina nằm ở thành phố Vienna, Áo, đã bị khóa tài khoản TikTok sau khi đăng tải một tác phẩm ảnh của nhiếp ảnh gia người Nhật Araki Nobuyoshi. Mạng xã hội Instagram cũng từng coi những bức ảnh giới thiệu tác phẩm của họa sĩ Peter Paul Rubens mà bảo tàng Albertina đăng lên là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.

Facebook cũng từng cấm đăng bức ảnh chụp tượng thần Vệ nữ Willendorf - một bức tượng có niên đại 25.000 năm tuổi mà Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna đăng lên hồi năm 2018.

Bà Helena Hartlauer, người phụ trách quan hệ truyền thông tại Ủy ban Du lịch Vienna (Vienna Tourist Board) cảm thấy lo lắng trước việc các mạng xã hội cấm đăng các tranh ảnh nghệ thuật khắc họa cơ thể khỏa thân:

"Việc các mạng xã hội cấm tranh ảnh khỏa thân có thể khiến các họa sĩ cũng trở nên ngại ngần trước một số hình thái biểu đạt nghệ thuật, nghệ sĩ sẽ bắt đầu sáng tác khác đi, các nhà sưu tầm cũng sẽ mua tác phẩm theo hướng khác đi, bởi họ đều biết rằng một công cụ mạnh như mạng xã hội sẽ không cho phép họ quảng bá hoặc trưng trổ một hình thái nghệ thuật nào đó".

Tranh khỏa thân khiến hàng loạt bảo tàng bị cấm cửa trên mạng xã hội - 3

Bức "Khỏa thân màu đỏ" do họa sĩ Amedeo Modigliani thực hiện từng được bán ra với giá 170,4 triệu USD hồi năm 2015, đây là một trong những tác phẩm hội họa đắt nhất thế giới (Ảnh: Wikipedia).

Bà Helena Hartlauer khẳng định rằng mạng xã hội là công cụ cần thiết để quảng bá nghệ thuật và du lịch, việc cấm đoán đăng tải hình ảnh tác phẩm nghệ thuật khỏa thân là một thách thức đối với các viện bảo tàng đang nỗ lực hấp dẫn du khách.

Bà Helena Hartlauer hy vọng rằng việc nhiều bảo tàng nghệ thuật ở Vienna, Áo, đồng loạt chuyển sang giới thiệu các tác phẩm của họ trên một dịch vụ cung cấp nội dung cho người trưởng thành sẽ làm dấy lên một cuộc đối thoại về những vấn đề đang còn tồn tại trên các mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay.

Đây không phải lần đầu nghệ thuật đỉnh cao và nội dung "người lớn" có sự... giao thoa. Hiện tại, một nền tảng nội dung dành cho "người lớn" đang phải đối diện với vụ kiện mà bên nguyên đơn là bảo tàng Louvre và một số bảo tàng khác.

Các đơn vị này cùng nhau đệ đơn kiện vì trang web "người lớn" đã để các người mẫu tái hiện những bức tranh khỏa thân nằm trong bộ sưu tập của phía các bảo tàng.

Giữa năm nay, một trang web "người lớn" này đã tung ra mảng nội dung có tên "Khỏa thân kinh điển" lấy cảm hứng từ các tác phẩm hội họa nổi tiếng đang được trưng bày tại các viện bảo tàng lớn trên thế giới. Trang web này để các diễn viên nhập vai các nhân vật trong tác phẩm kinh điển và tái hiện các tác phẩm hội họa này trong bối cảnh đời thực.

Tranh khỏa thân khiến hàng loạt bảo tàng bị cấm cửa trên mạng xã hội - 4

Bức "The Brunette Odalisque" (Người cung nữ tóc nâu) được họa sĩ người Pháp François Boucher thực hiện hồi năm 1745. Hiện tác phẩm đang trưng bày tại bảo tàng Louvre và đã bị trang web "người lớn" vi phạm bản quyền (Ảnh: Daily Mail).

Hiện các tác phẩm này đều đang được trưng bày tại các bảo tàng, triển lãm danh tiếng. Các tác phẩm được trang web lấy ra làm nguồn cảm hứng đến từ bộ sưu tập của bảo tàng Louvre và bảo tàng Musee d'Orsay ở Paris (Pháp), bảo tàng quốc gia The National Gallery ở London (Anh), bảo tàng The Uffizi ở Florence (Ý) và bảo tàng Prado ở Madrid (Tây Ban Nha).

Được biết, trang web "người lớn" dự định sẽ mở rộng mảng nội dung "Khỏa thân kinh điển" nếu thấy những ý tưởng ban đầu đưa lại kết quả khả thi. Chính điều này đã khiến bảo tàng Louvre cùng với bảo tàng The Uffizi quyết định sớm đưa sự việc ra tòa, vì trang web kia đang có dấu hiệu vi phạm bản quyền.

Phía các bảo tàng yêu cầu trang web phải gỡ bỏ những nội dung được thực hiện dựa trên các tác phẩm hội họa mà họ đang sở hữu và trưng bày.

Cả hai bảo tàng Louvre và The Uffizi hiện đều đã chia sẻ thông tin chính thức tới báo chí, phản đối trang web "người lớn" trục lợi từ các tuyệt tác hội họa mà họ đang sở hữu khi chưa nhận được sự cho phép nào.

Đại diện bảo tàng The Uffizi còn nhấn mạnh: "Theo luật di sản văn hóa tại Ý, để có thể sử dụng hình ảnh những tác phẩm đang thuộc quyền sở hữu của các bảo tàng, nhằm mục đích thương mại, các bên liên quan phải nhận được sự cho phép, điều này bao gồm cả sự thống nhất chi tiết về cách thức sử dụng và chi phí bản quyền".