Tranh cãi về "beat đã master": Dùng nhạc "chín" sẽ sinh "gà" công nghiệp?
(Dân trí) - Trước những ý kiến trái chiều về việc sử dụng "beat đã xử lý âm thanh", một số nhạc sĩ như Phạm Ngọc Khôi, Giáng Son, Trương Quý Hải… đã có quan điểm riêng xoay quanh vấn đề này.
Mới đây, mạng xã hội có nhiều ý kiến về khái niệm "beat đã master" - beat đã xử lý âm thanh. Thậm chí đã có vụ tranh cãi giữa 2 nữ nghệ sĩ là giảng viên trường nhạc về việc này. (Beat là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong nhạc lý với ý nghĩa là biểu thị nhịp và phách, là sợi dây liên kết các bộ phận trong bài hát lại với nhau - PV).
Vậy giới nhạc sĩ nói gì về khái niệm, cách sử dụng của thuật ngữ "beat đã master" khi đưa vào các trường đào tạo chuyên nghiệp?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam - cho biết, trong công nghệ ứng dụng, tùy từng trường đại học quy định sinh viên có quyền sử dụng phương pháp "beat đã master" hay không.
Để tránh những tranh cãi, việc dùng "beat đã master" phải được sự thống nhất và cho phép của Ban giám hiệu nhà trường, cũng như sự giám sát phòng Khảo thí của trường đó thì mới thành quy chuẩn giống nhau, nếu để tự phát thì sẽ có những tranh cãi.
"Nếu không có quy định chung sẽ có những lỗ hổng kiểu "mạnh ai nấy dùng", sẽ có những ý kiến trái chiều. Có sự tranh cãi vì người lãnh đạo không ra quy định chung dẫn đến ai cũng có ý kiến riêng của mình mà quan điểm của nghệ sĩ thường khác nhau. "Beat đã master" có thể hợp với người này nhưng không hợp với người kia", ông Khôi nói.
Ông Khôi cho biết thêm, ca sĩ tập bài không phải lúc nào cũng có người đánh đàn bên cạnh, nên dùng "beat đã master" là hình thức "chữa cháy" để tập hát ở bất cứ chỗ nào như ở nhà, đi tàu, đi xe… Nhưng khi thi, khi học phải dùng nhạc thật.
"Beat đã master" là một ứng dụng "công nghiệp", giải phóng con người, nhưng "lợi bất cập hại", sinh ra toàn "gà công nghiệp" khuôn mẫu, nó sẽ mất đi sáng tạo riêng. Nghệ thuật đỉnh cao không sử dụng ứng dụng này, phải dùng nhạc "sống", ông thẳng thắn nói.
Nói về những tranh cãi gần đây, nhạc sĩ Giáng Son cho hay, "beat đã master" bao giờ cũng hay hơn nếu ứng dụng có phần bè phối nhưng trong một lớp học có sinh viên dùng, sinh viên không thì không công bằng với các thành viên khác trong lớp.
Chị nói thêm, khi đi thi, từng cá nhân đều muốn thể hiện năng lực tốt nhất qua các bài hát, nhưng có người chuẩn bị sơ sài, có bạn gọi thêm đội múa, bè, nhóm nhảy hay "beat đã master", giáo viên hay giám khảo thấy được sự đầu tư công phu chỉn chu sẽ cho điểm cao hơn.
Vì thế, nhạc sĩ Giáng Son đồng ý quan điểm của NSND Phạm Ngọc Khôi là phải có sự thống nhất trong quy định ở các trường nhạc, nếu để xảy ra xô xát, chắc không có sự thống nhất trước.
Bản thân nhạc sĩ Giáng Son cũng đang tham gia giảng dạy âm nhạc ở trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cho các nhạc công.
"Khi tôi dạy, cũng có những bạn dùng "beat đã master", có người mời nhạc sĩ đánh đàn trực tiếp, nhưng chúng tôi thích có người đánh đàn trực tiếp hơn vì có sự cộng hưởng và hay hơn là sự đều đều của nhạc beat", Giáng Son thẳng thắn.
Nhà sản xuất âm nhạc Quang Minh thì cho rằng, giảng viên nên cập nhật những kiến thức cơ bản về âm nhạc để dạy sinh viên, mọi ứng xử cần tiết chế, kể cả quan điểm làm nghề.
"Có những tranh cãi về "beat đã master" vì mỗi người một suy nghĩ, không ai chịu ai. Ở các trường nhạc nên có quy chế giảng dạy như "luật bỏ túi" của trường đó, nếu có quy chế cụ thể, không ai dám cãi. Đừng kiểu "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay", anh Quang Minh đồng tình với ý kiến của NSND Phạm Ngọc Khôi và Giáng Son.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải thì nói, "beat đã master" là một ứng dụng mà nhiều sinh viên muốn dùng vì tiện lợi. Anh không đánh giá việc giảng viên không cho phép học sinh dùng beat đã hoàn chỉnh có khó tính hay không mà do quan điểm từng người.
"Giảng viên nên cập nhật xu thế mới, nghệ sĩ Việt Nam mong muốn hội nhập thế giới mạnh mẽ hơn thì cần theo "dòng chảy" của thời đại. Không nên quá khắt khe nhìn bên này đánh giá bên kia, mọi thứ nên được nhìn nhận một cách hài hòa hơn", anh bộc bạch.
Khi phóng viên hỏi: "Theo ông, trên thế giới, các trường dạy nhạc có dùng ứng dụng "beat đã master" cho sinh viên không?".
NSND Phạm Ngọc Khôi cho biết: "Ở các nước khác, không có khái niệm "beat đã master", họ không có "cái trò" này. "Beat đã master" là nhạc "chết", nhạc "chín", còn thầy dạy sinh viên phải dùng piano "sống", không dùng beat mua ở trên mạng. Ứng dụng kia chỉ dành cho sinh viên học cơ bản chứ ca sĩ chuyên nghiệp ít dùng"...