Lưu Thiên Hương và giới chuyên môn nói gì về khái niệm "beat đã master"?

Bích Phương

(Dân trí) - Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, Nguyễn Văn Chung, Only C... đưa ra quan điểm về khái niệm "beat đã xử lý âm thanh" sau vụ việc đang được dư luận quan tâm.

Lưu Thiên Hương: "Nên khuyến khích dùng beat đã qua chỉnh sửa"

Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước vụ việc nhạc sĩ Lưu Thiên Hương tố NSƯT M.H. - giảng viên Nhạc viện TPHCM - có hành động ném điện thoại vào người cô, vi phạm đạo đức nghề giáo.

Lưu Thiên Hương cho rằng, hành vi trong clip của giảng viên M.H. xuất phát từ mâu thuẫn về chuyên môn nghiệp vụ.

Theo đó, trong kỳ thi gần đây, giảng viên M.H. không cho học sinh sử dụng "beat đã master" - beat đã xử lý âm thanh và yêu cầu học sinh thi lại do beat học sinh này hay hơn beat học sinh khác.

(Beat là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong nhạc lý với ý nghĩa là biểu thị nhịp và phách, là sợi dây liên kết các bộ phận trong bài hát lại với nhau - PV).

Khi Lưu Thiên Hương lên tiếng giải thích, bảo vệ học sinh thì cô bị đồng nghiệp ném điện thoại vào người.

Vụ việc dấy lên nhiều bàn luận của khán giả, giới chuyên môn về khái niệm, cách thức ứng dụng của thuật ngữ "beat đã master". 

Lưu Thiên Hương và giới chuyên môn nói gì về khái niệm beat đã master? - 1

Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương đã có 5 năm giảng dạy tại Nhạc viện TPHCM (Ảnh: Facebook nhân vật).

Sáng 13/1, phóng viên Dân trí liên hệ nhạc sĩ, ca sĩ Lưu Thiên Hương để tìm hiểu chi tiết về yếu tố chuyên môn trong vụ việc tranh cãi. 

Lưu Thiên Hương giải thích: "Từ chính xác là "beat nhạc đã được mixing và mastering". Đây là bản nhạc đã xử lý, căn chỉnh các yếu tố âm thanh to nhỏ, giúp bản nhạc đồng đều, hay nhất. Còn "beat demo" là bản nhạc thử nghiệm, giống như một món ăn chưa thêm gia vị hoàn chỉnh".

Khi phóng viên Dân trí đặt câu hỏi về việc học sinh dùng beat đã qua chỉnh sửa có dễ bị hiểu là hát nhép hay không, Lưu Thiên Hương khẳng định chất lượng beat nhạc không liên quan đến giọng hát.

"Beat đã xử lý có thể chèn giọng hát hoặc không, nhưng nếu beat chưa xử lý thì âm thanh sẽ không đồng đều. Việc dùng bản beat hoàn chỉnh là điều cần thiết vì cho âm thanh tốt nhất, nên được khuyến khích sử dụng. 

Chất lượng beat không liên quan đến giọng hát hay hay dở. Với người làm nhạc chuyên nghiệp, không ai mang beat thử nghiệm ra sử dụng. Beat mixing và mastering là beat đã hoàn chỉnh, trau chuốt, nhưng không có nghĩa là chồng thêm giọng hay hát nhép được. Đây là điều rất cơ bản của một người làm nghề", nhạc sĩ cho hay.

Lưu Thiên Hương và giới chuyên môn nói gì về khái niệm beat đã master? - 2

Lưu Thiên Hương (trái) và NSƯT M.H. xảy ra mâu thuẫn về chuyên môn (Ảnh: Chụp màn hình).

Lưu Thiên Hương cho rằng những giáo viên giảng dạy trong môi trường chuyên nghiệp, đào tạo cho mầm non âm nhạc tương lai, không nên bảo thủ mà phải cập nhật về nhạc nhẹ, công nghệ mới.

Giới chuyên môn nói gì?

Để hiểu hơn về khái niệm "beat đã master" và những yếu tố liên quan, phóng viên Dân trí liên hệ thêm Dr.Glu - nhà sản xuất âm nhạc, kỹ sư trưởng bộ phận thu âm của MCMA (trung tâm đào tạo về lĩnh vực kỹ thuật âm nhạc ứng dụng công nghệ tại TPHCM).

Dr.Glu cho biết "beat được mixing và mastering" là phần cuối cùng khi xử lý một bản nhạc, giúp âm thanh nhạc cụ đầy đặn, "căng" nhất, sạch sẽ, hòa quyện tốt nhất.

"Vấn đề ở đây, có thể nhiều người sẽ thắc mắc là beat xử lý cuối cùng có phải là phần nhạc có thêm giọng hát bè hay không. Đúng là hiện nay tồn tại một loạt beat có chèn giọng hát bè, nhưng khâu xử lý âm thanh beat cho căng đầy, hoàn chỉnh nhất không liên quan đến việc có hay không có giọng hát bè trong đó. 

Tôi nghĩ có thể người không có chuyên môn sẽ hiểu lầm về khái niệm. Còn người có hiểu biết về âm nhạc, người làm phòng thu hay ca sĩ chuyên nghiệp thì họ sẽ không nhầm lẫn về việc beat được mix, master là beat có giọng hát bè", nhà sản xuất nói.

Theo nhà sản xuất Dr.Glu, anh không đánh giá trình độ chuyên môn, hiểu biết của cá nhân nào. Quy định của các trường dạy nhạc về việc học sinh sử dụng beat đã qua khâu xử lý cuối cùng cũng khác nhau. Tuy nhiên, "việc những người chuyên làm phần tiền kỳ nhầm lẫn khái niệm của khâu hậu kỳ thì có thể chấp nhận được".

"Mặc dù vậy, tôi khẳng định beat đã được mix, master là beat nên dùng, vì nó đã qua giai đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất âm thanh", Dr.Glu nói thêm.

Lưu Thiên Hương và giới chuyên môn nói gì về khái niệm beat đã master? - 3

Nhạc sĩ, ca sĩ Only C (Ảnh: Facebook nhân vật).

Tương tự quan điểm của nhà sản xuất nói trên, nhạc sĩ, ca sĩ Only C cũng cho rằng loại beat nhạc đã qua chỉnh sửa cuối cùng là khái niệm phổ biến, sử dụng rộng rãi hiện nay. 

"Việc có giảng viên không cho phép học sinh thi trên nền beat đã qua chỉnh sửa thì đó là do quan điểm của mỗi người. Nhưng beat thử nghiệm chỉ có trong phòng thu, còn đã đi hát, đi diễn thì ai cũng sẽ dùng beat đã được xử lý hoàn chỉnh", Only C cho biết.

Lưu Thiên Hương và giới chuyên môn nói gì về khái niệm beat đã master? - 4

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lên tiếng về sự việc (Ảnh: Facebook nhân vật).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chỉ rõ sự khác nhau giữa khái niệm "beat demo" và "beat master".

Theo đó, beat demo là bản hòa âm được hoàn thành cơ bản, có đủ các phần nhạc cụ, nhưng chưa trau chuốt, chưa cân chỉnh về âm lượng và không gian các bản nhạc. Mục đích của beat thử nghiệm là giúp ca sĩ nắm được đường dây, phong cách bản nhạc.

Còn "beat master" là bản hòa âm có đủ các phần nhạc cụ, có sự trau chuốt, cân chỉnh về âm lượng và không gian các dải âm thanh trong đó. Loại beat này không có dải âm bè và đủ tiêu chuẩn để ca sĩ thu âm.

Theo Nguyễn Văn Chung, mỗi trường đều có những quy định riêng, quy chế riêng về việc cho phép hay không cho phép học sinh thi trên nền nhạc chỉnh sửa hay hát live cùng người đệm đàn. Các quy định đều tùy thuộc vào mục tiêu giáo dục riêng của mỗi trường.

Nhạc sĩ không đánh giá việc giảng viên không cho phép học sinh dùng beat đã hoàn chỉnh có phải là người "bảo thủ" hay không. 

"Tuy nhiên, đã là giảng viên thì nên cập nhật những kiến thức cơ bản về sản xuất và biểu diễn âm nhạc để có thể đào tạo cho học sinh sát với thực tế nghề nghiệp hơn, hỗ trợ các em tốt hơn khi làm nghề, tránh những việc hiểu lầm, tranh cãi gây mâu thuẫn giữa nội bộ các giảng viên với nhau", Nguyễn Văn Chung đưa ra quan điểm.

Liên quan đến vụ việc, sáng 13/1, trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Hoàng Ngọc Long - Quyền Giám đốc Nhạc viện TPHCM - cho biết trong cuộc họp tối 12/1 của Ban giám đốc nhạc viện, phía nhà trường thống nhất hình thức xử lý khiển trách đối với giảng viên M.H.

Phía nhà trường cho biết bản thân giảng viên M.H. cũng thừa nhận hành vi của mình là thiếu kiểm soát, chưa đúng mực.