Trang phục trên phim: Áo Việt cứ ngỡ áo... Tàu

Xem phim Việt mà khán giả cứ ngỡ là phim... Trung Quốc, nam giới người Việt ra đường không dám mặc trang phục truyền thống vì sợ bị dòm ngó, chỉ trỏ... Đó là những thực trạng buồn về việc sử dụng trang phục truyền thống trên phim và ngoài đời hiện nay.

Mặc là bị… chỉ trỏ

“Đáng lẽ đến hội thảo này tôi phải mặc bộ trang phục truyền thống của nam giới như đã hẹn với Ban tổ chức, nhưng cứ nghĩ đến cảnh tôi mặc bộ ấy ra khỏi nhà bắt taxi đến đây, sẽ có biết bao nhiêu người dòm ngó, chỉ trỏ, tưởng ông này đi hát quan họ, nên tôi ngại quá, đành thôi”. TS Nguyễn Việt- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á ngượng ngùng giải thích như vậy với cử tọa của cuộc tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng của nó trong đời sống đương đại” tổ chức sáng 29/9 tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.


Các diễn giả trình diễn một số trang phục truyền thống trong phim trên sân khấu cuộc tọa đàm sáng 29/9 tại Hà Nội. Ảnh: Mai An

Các diễn giả trình diễn một số trang phục truyền thống trong phim trên sân khấu cuộc tọa đàm sáng 29/9 tại Hà Nội. Ảnh: Mai An

Đồng tâm trạng, TS Nguyễn Văn Cương- Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết: “Tôi mặc bộ trang phục truyền thống dành cho nam giới mà Ban tổ chức chuẩn bị cho để đến với tọa đàm này, chỉ đi từ cổng trường vào đến đây mà nhận được vô số những ánh mắt ngỡ ngàng của sinh viên trong trường. Nói thật là mặc vào thì cảm xúc khác hẳn, rất đàng hoàng, trang trọng giống như tôi được trở về với mái đình làng quê mình, nhưng để làm quen với phản ứng của mọi người là chuyện không dễ”.

Đó là một thực tế đáng suy nghĩ hiện nay về bộ trang phục truyền thống dành cho người Việt được nêu ra trong buổi tọa đàm. Họa sĩ Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật, triển lãm và nhiếp ảnh (Bộ VHTTDL) kể lại: “Các vị đại sứ đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài kể lại với tôi, ở nước ngoài, khi đến trình Quốc thư, họ được yêu cầu phải mặc trang phục truyền thống của Việt Nam. Thế nhưng họ loay hoay không biết chọn gì, có người đành phải đi thuê một bộ vest đuôi tôm dài để mặc đến trình Quốc thư mà cảm thấy... ngượng ngùng”.

Ông Thành cũng cho biết, Cục đã tổ chức 3 cuộc hội thảo ở 3 miền Bắc- Trung - Nam để lấy ý kiến đóng góp cho việc thiết kế bộ lễ phục, mời 15 nhà thiết kế tài danh nhất để đặt hàng thiết kế, tuy nhiên sản phẩm nào đưa ra cũng bị chê là… không phải đặc trưng Việt Nam. Sau những hội thảo “9 người 10 ý” đó, việc thiết kế lễ phục đang đi vào bế tắc. Chính vì lẽ đó, ông Thành cho biết, Cục sẽ không chọn cách đi đường thẳng nữa mà chọn con đường vòng, đó là sẽ từng bước đưa những mẫu trang phục này vào trong đời sống, lắng nghe ý kiến và sự phản hồi của dư luận xã hội để tìm ra bộ lễ phục được nhiều người đồng tình.

Lỗi của ai?

Buổi tọa đàm được tổ chức như một “minishow trình diễn thời trang” có sự tham gia của chính các diễn giả, giảng viên và sinh viên khoa Thiết kế thời trang Trường ĐH Sân khấu -Điện ảnh Hà Nội với việc thể hiện hàng loạt trang phục truyền thống đã được sử dụng trong các phim lịch sử mới sản xuất thời gian gần đây như “Trò đời”, “Long Thành cầm giả ca”, “Số đỏ”, “Lều chõng”, “Người cộng sự”...

Cử tọa đa phần là sinh viên Trường ĐH Văn hóa đã ồ lên thích thú khi được chứng kiến những nhân vật trong phim đi lại trên sân khấu, giới thiệu những bộ trang phục trong phim được họa sĩ Thu Hà thiết kế.

Trong số các nhân vật trong phim xuất hiện ở cuộc tọa đàm, chỉ duy nhất có 1 nhân vật “xịn”, đó là đạo diễn, NSƯT Trần Lực- người thể hiện vai Nguyễn Khản. Trần Lực mặc bộ trang phục của quan đại thần may theo kiểu áo dài 5 thân bằng gấm, bên trong là bộ quần áo bằng lụa màu mỡ gà trông rất ra dáng, tuy nhiên anh vẫn bị TS Nguyễn Việt và TS Nguyễn Xuân Diện “phê bình” là thiếu chiếc khăn đội đầu nên không ra “chất” Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu này, điểm khác biệt lớn nhất của trang phục truyền thống nam giới Việt Nam với nam giới Trung Quốc chính là chiếc khăn đội đầu này.

Đạo diễn Trần Lực thanh minh: “Tôi cũng biết là thiếu chiếc khăn đội đầu, trong phim tôi có đội khăn này, nhưng vì đây là tọa đàm nên tôi xin phép không đội khăn”. Vị đạo diễn cũng trăn trở: “Có một thực tế rất đáng buồn là hiện nay, khi xem phim Việt Nam, rất nhiều khán giả cứ ngờ ngợ, ngỡ là trang phục của Trung Quốc, copy từ phim cổ trang Tàu.

Tôi cho rằng, đó là lỗi của chính chúng ta, bởi chúng ta không tuyên truyền nhiều về trang phục truyền thống Việt Nam, truyền hình thì chiếu quá nhiều phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc, thành ra bộ trang phục truyền thống của dân tộc trở nên xa lạ, bị ngại ngần ngay trên đất nước mình. Chúng ta là người Việt Nam, chúng ta phải tự hào, phải khao khát được mặc trang phục truyền thống của dân tộc ta thì mới đúng chứ”.

 

" Việc tìm ra một bộ trang phục truyền thống để các vị lãnh đạo nhà nước hoặc cán bộ, công chức mặc trong những sự kiện mang tính chất ngoại giao đã được Bộ giao cho Cục chúng tôi tìm kiếm trong nhiều năm nay, nhưng đến bây giờ, ngoài chiếc áo dài cho nữ giới, trang phục cho nam giới đã hoàn toàn thất bại”.

Ông Vi Kiến Thành

 

Theo Mai An
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm