Trăm tỉ làm phim đang nằm ở đâu?

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Cục phó Cục Điện ảnh, PCT thường trực Hội Điện ảnh đặt dấu hỏi: “có phải vì chưa có thông tư hướng dẫn đấu thầu trong phim điện ảnh mà để đến nỗi cơm treo mèo nhịn đói?”

93 tỉ chưa chi được đồng nào?

Cát nóng do Hãng phim giải phóng sản xuất năm 2012

"Cát nóng" do Hãng phim giải phóng sản xuất năm 2012

Trước việc nhà làm phim thất nghiệp đợi tiền sản xuất, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát bức xúc nói: "3 năm trở lại đây, thật buồn là nguồn kinh phí sản xuất phim có từ ngân sách nhà nước chưa được khơi thông. Lý do dường như rất chính đáng nhưng không khỏi có gì đó còn máy móc, khiên cưỡng: vì chưa có thông tư hướng dẫn đấu thầu dự án sản xuất phim điện ảnh nên không cấp ngân sách, cho dù nhà nước vẫn dành ngân sách cho điện ảnh.

Cụ thể năm 2012 là 48 tỷ đồng, năm 2013 là 45 tỷ đồng. Cho đến nay, đã hết tháng 11/2013 mà vẫn chưa giải ngân được đồng nào dù 3 bộ phim điện ảnh về đề tài lịch sử, lãnh tụ, đương đại được duyệt từ cuối năm 2011. Dù đã có quyết định của Bộ VHTTDL đưa vào sản xuất, có quyết định của Bộ Tài chình về giá mỗi bộ phim từ tháng 8/2013 nhưng đến nay 3 bộ phim trên vẫn nằm im một chỗ".

Về thông tin ngân sách cho ngành điện ảnh 2 năm 2012 và 2013 lên đến trên 90 tỉ nhưng đến thời điểm này vẫn chưa giải ngân được,bà Nguyễn Thị Minh, thứ trưởng Bộ Tài chính trả lời: "Mình cũng chưa kiểm tra được hết cả, ngày hôm qua đang chỉ đạo anh em kiểm tra lại". Bà Minh cũng khẳng định nếu đủ các cơ sở thì sẽ giải ngân ngay.

Trên thực tế, sau vụ thất thoát 44 tỉ ở Cục Điện ảnh năm 2011, 2 năm nay ngành điện ảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó giám đốc Hãng phim truyện VN thì nó không chỉ liên quan đến ngân sách mà còn liên quan đến quy chế đầu tư, đấu thầu, về định hướng và thêm nữa phải chờ nghị định mới về điện ảnh, quỹ phát triển điện ảnh được phê duyệt chứ không đơn giản chỉ là tiền.

Nhà quay phim Lý Thái Dũng cho rằng khó khăn đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước là đương nhiên trong bối cảnh hiện nay. Các phim được đặt hàng trực tiếp và được nhà nước rót 100% kinh phí nhưSống cùng lịch sử,với kế hoạch hoàn thành và chiếu ngặt nghèo nên chắc chắn được ưu tiên hơn. Các phim tài trợ không quá cấp thiết về thời gian thì kinh phí sẽ được cấp chậm hơn. Theo Lý Thái Dũng thì với tình hình hiện nay, Hãng phim truyện VN 1 năm làm được 1 phim là may.

Tự trói chân mình bằng thông tư đấu thầu?

Ngày 03/7/2013, trong công văn về việc bố trí kinh phí Nhà nước đặt hàng sản xuất phim điện ảnh Bộ Tài chính gửi Bộ VHTTDL cho hay năm 2012 kinh phí sản xuất phim truyện trong dự toán trợ giá thuộc ngân sách nhà nước là 48 tỉ đồng. Dự toán chi ngân sách 2013 đã bố trí 45 tỉ đồng để thực hiện đặt hàng sản xuất phim truyện nhưng chưa phân bổ và giao kinh phí cho Bộ VHTTDL cũng như các cơ quan khác do Thông tư hướng dẫn đấu thầu đặt hàng sản xuất phim truyện có sử dụng ngân sách nhà nước chưa được ban hành.

Tuy nhiên số tiền trên Bộ Tài chính vẫn chưa thể giao cho Bộ VHTTDL cũng như các cơ quan khác do chưa có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật. Điều này cũng được bà Nguyễn Thị Minh, thứ trưởng Bộ Tài chính đề cập khi trả lời VietNamNet: "Lý do chậm thế này là do có Luật điện ảnh đặt hàng, đặt hàng thì phải có thủ tục giữa Bộ VHTTDL và các xưởng phim. Nhưng Bộ VHTTDL cũng chưa thạo việc này lắm. Chúng tôi đã nghe và chắc chắn sẽ giải quyết cho anh em".

Thứ trưởng Bộ tài chính cũng khẳng định không có chuyện Bộ này tự nhiên không chuyển tiền. "Không chuyển tiền phải có lý do chính đáng chứ không phải làm khó khăn, phiền hà".

Là người hoạt động lâu năm trong ngành điện ảnh, NBK Hồng Ngát cũng chỉ ra sự vô lý trong việc vận hành ngành điện ảnh hiện nay: "Ngay cả việc đấu thầu trong lĩnh vực sáng tạo cũng còn nhiều điều phải bàn cãi. Luật chưa sát với thực tế thì cũng phải sửa. Luật mà không thúc đẩy được cho sự phát triển xã hội thì cũng cần phải xem xét tính toán lại.

Có nhất thiết những người có trách nhiệm từ cao xuống thấp cứ phải vận dụng máy móc như vậy không để cho những nhà chuyên môn thì không có việc làm, khán giả thì không có phim xem, ngân sách nhà nước đã ưu ái dành cho ngành thì không khơi thông được".

Theo Hạnh Phương

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm