“Trái tim của cây đại thụ nền âm nhạc Việt Nam ngừng đập, tôi đau đớn quá!”
(Dân trí) - “11h32 ngày 4/2/2018 chuông điện thoại reo… “Cường ơi! Mình vừa được biết tin anh Hoàng Vân mất rồi…”. Tôi bàng hoàng khi nghe tin dữ từ nhạc sĩ Phạm Tuyên…”, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường xúc động chia sẻ trước sự ra đi của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Nhạc sĩ Hoàng Vân, tác giả ca khúc “Người chiến sĩ ấy” - một ca khúc viết về Đảng đã ra đi…
Thôi, thế là mãi mãi không còn được đến ngồi tâm sự với Anh ở cái số nhà 14 phố cổ Hàng Thùng… Nhớ lại hôm đến thăm Anh lần cuối, chị giúp việc vừa dìu anh đi bộ ra bờ hồ Hoàn Kiếm trở về, anh tươi cười nói với tôi: “Ngày nào mình cũng phải cố đi bộ một lúc Cường ạ…”
Thế mà hôm nay, trái tim của ông - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã ngừng đập. Đau đớn quá!
Nhạc sĩ Hoàng Vân tên khai sinh là Lê Văn Ngọ, có bút danh Y Na. Ông sinh ngày 24/7/ 1930. Năm tròn 16 tuổi, cậu bé Lê Văn Ngọ đã tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh nghĩa thục (Liên khu I) Hà Nội. Sau đó ông phụ trách thiếu sinh quân trung đoàn 165, sư đoàn 312, Đội Tuyên truyền võ trang Lao Hà (Lào Cai, Hà Giang) làm báo và công tác địch vận của Trung Đoàn, Sư Đoàn, rồi sau đó còn phụ trách văn công Sư đoàn 312.
Sau hòa bình lập lại 1954, ông được cử đi học tại Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc), khi trở về là chỉ huy dàn nhạc Đoàn Ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, giảng dạy tại Nhạc Viện Hà Nội (nay mang tên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Từ năm 1963 đến 1989, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban sáng tác Thanh nhạc.
Ngay khi mới 21 tuổi, nhiều bài hát của chàng thanh niên đẹp trai này đã được phổ biến rộng rãi ở vùng Tây Bắc, Việt Bắc và trong quân đội như “ Chiến thắng Hòa Bình”, “Tin chiến thắng”, “ Chiến thắng Tây Bắc” và đặc biệt nổi trội nhất thời đó là tác phẩm “Hò kéo pháo”…
Với tài năng âm nhạc bẩm sinh, các sáng tác của ông từ năm 1954 đã để lại cho đời một loạt ca khúc bất hủ, mỗi bài một vẻ, một tâm tư, giàu giai điệu như: “ Tôi là người thợ lò”, “Bài ca người thủy thủ” (thơ Hà Nhật), “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, “Nhớ” (thơ Nguyễn Đình Thi), “Quảng Bình quê ta”, “Người chiến sĩ ấy”. Sau năm 1975, ông đã đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia (Bulgarie), và khi trở về nước một loạt các ca khúc: “Bài ca xây dựng”, “Tình yêu của đất và nước”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Tình ca Tây Nguyên”, “Chào anh giải phóng quân - chào mùa xuân đại thắng”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Hai chị em”… được công chúng hồ hởi đón nhận.
Ông yêu quý trẻ em, rất hiểu tâm tư của các cháu nên mảng ca khúc viết cho các em rất thành công: giai điệu trong sáng, giàu âm thanh, lời trau truốt nhưng lại thật giản dị gần với cuộc sống… Trong Tổng tập Bài hát thiếu nhi Việt Nam “Giai điệu tuổi thần tiên”, đã chọn lọc được tới 20 ca khúc của ông mà tiêu biểu là:”Con chim vành khuyên”, “Em yêu trường em”, “Mùa hoa phượng nở”, “Sắp đến Tết rồi”… và đặc biệt ca khúc “Ca ngợi Tổ quốc” (trong chương II “Hồi tưởng”) như một dấu ấn độc đáo viết cho lứa tuổi thiếu nhi.
Ít ai biết đến ông còn sáng tác âm nhạc cho một số phim truyện rất nổi tiếng như: “Con chim vành khuyên”, “Mối tình đầu”, “Nổi gió”…
Với những đóng góp của nhạc sĩ Hoàng Vân, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba và vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2000.
Đêm 13/1/ 2006, tại nhà hát Thành phố Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội đã thực hiện chương trình “Tình yêu Hà Nội” (lần thứ nhất) để tôn vinh các tác phẩm của 3 nhạc sĩ được giải thưởng Hồ Chí Minh là Hoàng Vân, Huy Du và Nguyễn Đức Toàn.
Nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Ông và nhạc sĩ Phạm Tuyên là 2 người giới thiệu tôi vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Lại là con người tài hoa: ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Trung, lại là một nhà thư pháp có hoa tay. Anh em chúng tôi - những nhạc sĩ không thể quên được hình ảnh của ông - nụ cười đôn hậu, một người Anh bình dị, trung trực, khiêm nhường… Xin chia buồn cùng phu nhân của ông: bác sĩ Ngọc Anh và con trai ông - nhà chỉ huy tài ba Phi Phi cùng gia quyến…
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường