TPHCM: Nan giải gìn giữ di sản kiến trúc trong vòng xoáy đô thị hóa
(Dân trí) - Đối với Sài Gòn, biệt thự là di sản đô thị quan trọng, nó cho thấy lịch sử kiến trúc một giai đoạn của thành phố. Không gian biệt thự còn là nơi chứa đựng ký ức, nhiều giá trị lịch sử và văn hóa của cộng đồng đô thị, là nền tảng cho những giá trị bền vững của thành phố. Tuy nhiên, trước vòng xoáy đô thị hóa, việc bảo tồn di sản kiến trúc gặp rất nhiều thách thức.
Thách thức trong việc giữ gìn và khai thác hiệu quả kinh tế từ biệt thự
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM), trong vòng xoáy đô thị hóa ngày nay, áp lực can thiệp vào không gian biệt thự vô cùng lớn. Và ông cho rằng, cái khó của việc bảo tồn biệt thự hiện nay là làm sao vẫn giữ giá trị di sản mà vẫn khai thác được nó.
“Việc bảo tồn đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía, nhiều ngành. Từ quyết tâm của thành phố, sau đó là phương pháp đúng, cách nhìn đúng, cách tiếp cận đúng và lộ trình. Phân vai cho các đơn vị nhà nước, tư nhân tham gia làm sao, cơ chế chính sách, vấn đề pháp lý tháo gỡ ra làm sao…?”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hiện nay việc gìn giữ và khai thác hiệu quả kinh tế từ biệt thự có rất nhiều thách thức. Đa phần biệt thự nằm trong khu vực lõi trung tâm thành phố nên có rất nhiều sức hút, đặc biệt là sức hút sử dụng đất đai, tài nguyên sao cho hiệu quả. Đây là thách thức rất lớn.
Ông Tuấn khẳng định, góc độ khai thác hiệu quả đạt kinh tế luôn luôn quan trọng. Nếu nhìn góc độ kinh tế từ những biệt thự như thế nào cho hiệu quả thì cũng là câu trả lời khó. Về kinh tế bất động sản, nếu nhìn vào có thời cơ phát triển hiệu quả quỹ đất khu trung tâm thì đó cũng là giải pháp. Tuy nhiên, nếu mình không cẩn thận dễ đánh mất những giá trị về lâu dài. Còn kinh tế di sản thì có tầm nhìn xa hơn và có những dung hòa về mặt xã hội, môi trường… vì đó là kinh tế xanh, kinh tế bền vững.
TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trên các tuyến giao thông quan trọng như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám..những công trình biệt thự đã biến mất gần hết. Thay vào đó là những công trình khác, đa số là công trình cao tầng nhằm khai thác giá trị sử dụng đất hiện có trên những tuyến đường nhiều tiềm năng về thương mại, dịch vụ.
“Xét một đoạn trên tuyến đường Hai Bà Trưng, không chỉ bản thân biệt thự bị thay thế thành công trình cao tầng mà những công trình xung quanh nó cũng đã thay đổi. Điều đó vô tình làm ảnh hưởng đến những công trình biệt thự còn lại. Sự đồng nhất về chiều cao, khoảng lùi, hình thức kiến trúc bị phá vỡ”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết, kết quả kiểm kê 500 căn biệt thự ở khu vực quận 1, quận 3 cho thấy, thực tế chỉ còn 228 căn (chưa được một nửa), 194 căn đã biến mất… Hiện nay, biệt thự loại 1 không còn nhiều, chủ yếu tập trung ở các tuyến đường Võ Văn Tần, Lê Quý Đôn, Trương Định, với giá trị kiến trúc nguyên gốc.
“Các biệt thự đã kiểm kê đang được đánh giá và phân loại, sau đó thông qua hội đồng thẩm định. Hội đồng sẽ quyết định biệt thự nào được can thiệp, biệt thự nào cần bảo tồn và bảo tồn như thế nào? Trong thời đó vẫn phải tiếp tục xây dựng quy chế quản lý”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho rằng, việc bảo tồn như thế nào cũng gặp không ít khó khăn vì còn nhiều rắc rối liên quan đến pháp lý (có biệt thự do tư nhân sở hữu, nhà nước sở hữu nhưng có những biệt thự do nhiều người sở hữu). Thời gian tới cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn. Bài toán pháp lý là bài toán then chốt.
"Không chú trọng giá trị di sản thì cũng không bảo tồn được"
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Hậu - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, khó khăn khi bảo tồn biệt thự là do chuyển đổi dân cư, chuyển đổi công năng… “Hiện nay quản lý biệt thự còn nhiều yếu kém. Biệt thự bị phá hủy rất nhiều. Trước hết là bị phá hủy về chức năng, biệt thự trở thành nhà tập thể, thành công sở, bị chia năm sẻ bảy, sử dụng mặt tiền buôn bán… Tất cả không gian xung quanh biệt thự đều bị cơi nới. Chính tư duy cơi nới đã phá biệt thự, phá đô thị khủng khiếp”, bà Hậu nói.
TS Hậu đặt vấn đề, nếu có trong tay tất cả các biệt thự đó thì giải quyết hậu quả như thế nào? Tất cả các hộ sẽ đi đâu, những hộ sử dụng mặt tiền biệt thự buôn bán thì giải quyết cuộc sống cho họ như thế nào? “Tôi nghĩ đó là hậu quả rất khó giải quyết, hậu quả của thời mà chúng ta chưa hiểu hết giá trị biệt thự và quản lý yếu kém”, bà Hậu nói.
TS Nguyễn Thị Hậu cũng cho rằng việc trùng tu cũng gặp không ít khó khăn vì hiện nay không nhiều người hiểu biết về kỹ thuật trùng tu. Sau trùng tu là bảo dưỡng di sản rất tốn tiền. “Ở nước ngoài, người ta nói bảo tồn di sản là cuộc chơi của người giàu có. Tất nhiên không nên hiểu tuyệt đối nhưng rõ ràng là rất tốn kém”, bà Hậu nhấn mạnh.
TS Hậu ví von việc bảo tồn biệt thự như chăm người già mang bệnh. “Bây giờ cấp cứu (trùng tu) thì chỉ giữ lại sức khỏe lúc đó thôi. Rồi quá trình dưỡng thương, bác sĩ, y tá nào chăm sóc, thuốc nào dưỡng thương? Nếu muốn giải quyết thì người nhà phải có kinh tế và cùng nhà nước đứng ra trùng tu. Nhưng người nhà có tiền mà không hiểu biết, không quý trọng giá trị di sản kiến trúc thì cũng không làm được. Người ta bảo tồn nó dưới góc độ kinh tế nhưng không chú trọng giá trị di sản thì cũng không bảo tồn được”, bà Hậu nói và cho rằng nếu thấy được thách thức rồi thì sẽ tìm ra được giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài.
Quốc Anh