Tôn vinh trao giải "Những trang sách vàng 70 năm công an nhân dân"

(Dân trí) - 18 nhà văn cùng 15 tác phẩm xuất sắc đã có những cống hiến, đóng góp lớn cho lực lượng công an nhân dân đã được tôn vinh, trao giải trong lễ kỷ niệm “Những trang sách vàng 70 năm CAND” vào lúc 20h tối, ngày 19/6 tại nhà hát Âu Cơ - TP. Hà Nội.

“Những trang sách vàng 70 năm CAND” là hoạt động nhằm tôn vinh các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an bằng ngòi bút sáng tạo đã có những cống hiến, đóng góp suất sắc cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống.  Chương trình cũng hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945 - 19-8-2015), 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tới dự lễ tôn vinh và trao giải có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, đại diện lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam…

Theo đó, sau 3 năm phát động (2012 - 2015), Ban Tổ chức cuộc thi viết truyện và ký về đề tài: “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã nhận được 120 tác phẩm dự thi của 110 nhà văn, tác giả trong và ngoài lực lượng CAND. Kết quả, Hội đồng chung khảo đã quyết định trao giải cho 15 tác phẩm, trong đó có 2 giải A, 5 giải B, 5 giải C và 3 giải Khuyến khích.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng bằng khen cho những nhà văn có những đóng góp 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng bằng khen cho những nhà văn có những đóng góp tích cực, xuất sắc vào công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống

Trong đó giải nhất được trao cho hai tác phâm “Bão ngầm” của tác giả Đào Trung Hiếu và “Đơn tuyến” của tác giả Phạm Quang Đẩu. Với 6 năm làm cảnh sát hình sự công an T.P Hà Nội, tác giả Trung Hiếu đã đưa đến cho người đọc những câu chuyện cảm động, xung quanh cuộc sống chiến đấu của người CSHS mà không phải ai cũng biết được. Những chuyện bên lề, những vụ án nổi tiếng, những góc khuất, những nỗi lòng, tâm sự của lính được anh tái hiện như một cuốn phim quay chậm giúp người đọc cảm nhận được những khó khăn, nguy hiểm mà người lính hình sự phải đối mặt để đem lại bình yên cho cuộc sống.

 Không chỉ ca ngợi lòng dũng cảm của các chiến sỹ công an mà “Bão Ngầm” còn đề cập đến sự tha hóa, biến chất của một số cá biệt trong lực lượng công an. Đồng thời, tác phẩm đã phản ánh một thực tế về cuộc đấu tranh trong cuộc chiến giữa chính và tà, đẹp và xấu của lực lượng công an có khi không dữ dội và ào ạt như cơn lốc mà thầm lặng như một cơn “bão ngầm”. Chính những tìm tòi và cách tiếp cận mới mẻ này đã giúp tác phẩm đạt giải cao nhất trong cuộc thi. 

Đánh giá về tác phẩm, nhà phê bình Văn học Ngô Vĩnh Bính nhấn mạnh: “Cuốn sách đã cho bạn đọc thấy rằng, trong cuộc chiến đấu của các chiến sỹ công an không chỉ đơn thuần là chiến đấu với súng đạn mà còn chiến đấu với chính bản thân mình”. Trong khi đó, nhà văn Phạm Hoa cho rằng, cái hay của “Bão ngầm” là đã xây dựng và cho thấy được những góc khuất, cuộc đấu tranh nội tâm giằng xé giữa thiện - ác, tốt - xấu…  của người công an nhân dân mà không phải ai cũng thấy được.

Ngoài ra, chương trình “Những trang sách vàng 70 năm CAND” còn tôn vinh 18 nhà văn trên tổng số 35 đề cử có những đóng góp tích cực, suất sắc vào công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống trong 70 năm qua. Một số gương mặt tiêu biểu như nhà văn Lương Sỹ Cầm, nhà văn Trần Diễn, tác giả Mai Thanh Hải, nhà văn Hữu Ước, nhà văn Nguyễn Quang Thiều…

Hà Trang