Tôn Nữ Thị Ninh đánh giá cao sách Nghệ thuật đương đại Việt Nam
(Dân trí) - Bà Tôn Nữ Thị Ninh đánh giá cao nỗ lực của các tác giả Nghệ thuật đương đại Việt Nam và gợi ý rằng cần dịch cuốn sách sang tiếng Pháp bởi rất nhiều bạn bè trong cộng đồng Pháp ngữ rất quan tâm tới nghệ thuật Việt Nam.
Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt cuốn sách Nghệ thuật đương đại Việt Nam bản tiếng Anh. Tên gọi đầy đủ của cuốn sách là “Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 – 2010”, được NXB Tri Thức xuất bản dưới dạng phiên bản tiếng Anh là “Vietnamese Art Contemporary” do Quỹ Trao đổi và phát triển văn hóa – Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội CDEF tài trợ kinh phí dịch của hai nhà phê bình Mỹ thuật ở Hà Nội: Nhà phê bình Mỹ thuật Bùi Như Hương và nhà phê bình Mỹ thuật Phạm Trung tập hợp và giới thiệu.
Theo chia sẻ của hai nhà phê bình mỹ thuật, cuốn sách trước hết là tập hợp thông tin, sau là bù đắp được phần nào những thiếu hụt kể trên của lĩnh vực nghiên cứu, đồng thời, hy vọng có thể đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của công chúng nghệ thuật. Cuốn sách được chia làm 3 phần, trong đó phần I nói về Nghệ thuật đương đại trong khái niệm. Phần II đề cập đến Nghệ thuật đương đại trong thực tiễn ở Việt Nam trong đó bao gồm các sự kiện; quá trình phát triển nghệ thuật Sắp đặt, Trình diễn và Video Art ở Việt Nam; Một số đặc điểm; và Hội họa và Đồ họa đương đại. Phần III làm rõ hơn cho người đọc về Tác giả – Tác phẩm.
Với phần viết tổng quan về nghệ thuật đương đại Việt Nam và giới thiệu quá trình hoạt động, ảnh minh họa tác phẩm của các nghệ sĩ, cuốn sách sẽ giúp cho người đọc có được thêm thông tin về những sự kiện, hoạt động và những nghệ sĩ đương đại đặc sắc trong 20 năm vừa qua. Sự hiểu biết được phần nào hoạt động và các nghệ sĩ đương đại thông qua cuốn sách sẽ giúp cho người đọc Việt Nam và nước ngoài biết rõ hơn những giá trị văn hóa, xã hội của Việt Nam hiện nay.
Buổi giới thiệu sách đã có sự góp mặt của bà Tôn Nữ Thị Ninh nguyên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu, giáo sư Cao Chi - nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam trong lĩnh vực Vật lý, viện trưởng viện Goethe – TS. Almuth Meyer-Zollitsch, Giám đốc quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch và nhiều quan khách khác.
Hai nhà phê bình Mỹ thuật cho biết, hầu hết các nghệ sĩ được giới thiệu trong cuốn sách là những người được sinh vào khoảng những năm 1960. Với đặc tính riêng của nghệ thuật nói chung, các hình thức nghệ thuật đương đại ngày càng được thể hiện rõ nên 2 tác giả khiêm tốn nhận định cuốn sách chỉ là một lát cắt nhỏ của nghệ thuật đương đại để người đọc có thể hình thành lại một nhận xét vê nó. Và họ cũng hy vọng sẽ có nhiều cuốn sách khác bổ sung tiếp tục cho nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Đến dự buổi ra mắt cuốn sách cũng có sự tham gia của một số các tác giả được giới thiệu trong sách như họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn, họa sĩ Than Poong, họa sĩ Đàm Anh Khánh. Các nghệ sĩ đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến 2 tác giả Bùi Như Hương và Phạm Trung vì đã cho xuất bản cuốn sách này và giới thiệu về họ cũng như con đường nghệ thuật của họ, đưa họ đến gần với công chúng hơn.
Phát biểu tại buổi ra mắt sách, bà Tôn Nữ Thị Ninh gợi ý 2 tác giả và giám đốc NXB Tri Thức Nnên tìm tới Trung tâm Văn hóa Pháp nhờ họ dịch sang bản tiếng Pháp bởi cũng rất nhiều người bạn Pháp quan tâm đến chúng ta, và bởi trung tâm Văn hóa Pháp cũng là cộng đồng hết sức ủng hộ chúng ta”. Bà cũng nhấn mạnh rằng bà sẵn sàng đem cuốn sách này giới thiệu với các nước bạn bất cứ khi nào có dịp.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh việc ra mắt cuốn sách và nội dung bên trong đó, nhưng chủ yếu xoay quanh tiêu chí lựa chọn nghệ sĩ đưa vào cuốn sách (là những nghệ sĩ đã từng có triển lãm cá nhân, ít nhất là 1-2 cuộc triển lãm và gây ấn tượng nhất định đối với giới nghệ thuật và công chúng, ngoài ra nghệ sĩ đó phải rất tích cực hoạt động trong thời gian dài trong làng nghệ thuật đương đại). Trong sách cũng có khá nhiều nghệ sĩ miền Nam, song thực tế hoạt động nghệ thuật đương đại ngoài Bắc sôi nổi hơn rât nhiều, cũng có nhiều yếu tố chủ quan rằng chúng tôi (những tác giả) không thể nắm bắt được rõ ràng và đánh giá chính xác được bởi điều kiện địa lí xa xôi, mỗi năm chỉ có thể vào Nam đôi ba lần. Trong sách không thấy đề cập tới nghệ thuật điêu khắc hay kiến trúc: Cuốn sách không có đề cập tới kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc đương đại, bởi chưa có nghệ sĩ nào thật sự nổi bật hay có công trình ấn tượng nào nên rất khó để có thể tìm và đưa vào cuốn sách. Họ nhận định đây cũng là một điểm hạn chế của cuốn sách này.
Buổi ra mắt cuốn sách đã nhận được sự tranh luận rất nhiều của người tham gia nên bà Tôn Nữ Thị Ninh đã phát biểu rằng "Tôi rất vui bởi 1 cuốn sách có nhiều tranh luận đích thị là một cuốn sách hay ”.
Đồng quan điểm với bà Tôn Nữ Thị Ninh, họa sĩ Đàm Anh Khánh nói: "Có thể có rất nhiều các nghệ sĩ khác đáng được giới thiệu, đáng được xuất hiện trong cuốn sách hơn nhưng đây là một dấu ấn riêng của 2 tác giả. Tôi nhận thức chung những nghệ sĩ xuất hiện ở đây đều là những người đã làm nên những giá trị lớn cho nghệ thuật đương đại Việt Nam".