Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha:

“Tôi phê bình Dương Thùy Linh nhưng là nói chung cho giới trẻ”

(Dân trí) - Đặt nghi vấn về trình độ của Hoa hậu Dương Thùy Linh tại một chương trình âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đã nhận được rất nhiều phản hồi chia sẻ, cả những lời đả kích, phê bình. Giữa cơn “sóng gió” dư luận, ông chia sẻ quan điểm một cách thẳng thắn.

Sau khi chương trình “Giai điệu tự hào” được phát sóng trên truyền hình tối ngày 22/2, câu nghi ngờ của nhạc sỹ: “Hoa hậu đã học hết lớp 12 hay chưa?” đã nhận rất nhiều phản hồi từ độc giả với ý kiến trái chiều. Về phần mình, ông có suy nghĩ gì?

(Cười) Mấy ngày nay điện thoại của tôi gần như cháy máy. Bạn bè thân hay không thân đều gọi điện tới tỏ ý khen ngợi, động viên. Còn chuyện mọi người nói này kia trên mạng, tôi không quan tâm lắm! Bởi sự việc có gì đâu mà làm ầm ĩ lên. Tôi đã nói rõ: “Đây chỉ là nói đùa thôi” rồi mà!
 
“Tôi phê bình Dương Thùy Linh nhưng là nói chung cho giới trẻ”
Ngồi ghế hội đồng bình luận của chương trình âm nhạc giới thiệu những ca khúc đi cùng năm tháng số thứ 2, nhạc sỹ- nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nửa đùa nửa thật chê Dương Thùy Linh khi cô không giải thích được ý nghĩa màu sắc của lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng

Nếu câu hỏi có ý chê đó diễn ra trong khung cảnh khác riêng tư hơn, thân mật hơn thì có thể là đùa, nhưng trên sóng truyền hình quốc gia, trước sự theo dõi đông đảo của khán giả của nước, nhất là lại diễn ra trong chương trình âm nhạc mang tính lịch sử như thế này, e là người ta cho rằng ông “đùa ác ý”?

Mọi người cứ ngồi suy diễn vớ vẩn! Cái Linh (Hoa hậu Dương Thùy Linh- PV) với tôi đâu phải xa lạ! Tôi còn là bạn thân của bố chồng nó bao năm nay! Xem lại cả chương trình ấy đi, không khí trò chuyện vẫn rất vui vẻ, có ai nóng nảy, lên gân đâu mà nói tôi ác ý?

Linh cũng biết thừa rằng tôi nói đùa, con bé vẫn cười tươi và giải thích rõ mọi chuyện. Tôi phê bình Linh nhưng là nói chung cho giới trẻ ngày nay đấy! Tụi trẻ bây giờ chẳng quan tâm gì đến lịch sử cả.

Có ý kiến cho rằng lời bình luận của nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha, của thế hệ bậc cha chú đối với hàng lớp con cháu như Dương Thùy Linh là “dìm hàng”, không độ lượng, quá khắt khe?

Thay bằng việc ngồi bình luận này kia, tôi nhắn nhủ với các anh chị “quá khích” ấy rằng: sự việc này nhỏ lắm, không nên quan tâm làm gì! Ngoài kia nhiều chuyện cần quan tâm hơn đấy! Như vụ sập cầu Lai Châu hôm rồi ấy! Đau xót thế, hãy lên đó mà cứu hộ, giúp đỡ thay bằng việc ngồi đó từ bé xe ra to thế này. Còn “dìm hàng” hay không, tôi xin nhường lời cho ê kíp sản xuất của chương trình. Đây không phải chương trình trực tiếp. Chương trình nếu thấy tôi có ý sỉ nhục hay bôi nhọ gì chắc chắn họ có toàn quyền cắt gọt.
 
 Linh cũng biết thừa rằng tôi nói đùa, con bé vẫn cười tươi và giải thích rõ mọi chuyện
 "Linh cũng biết thừa rằng tôi nói đùa, con bé vẫn cười tươi và giải thích rõ mọi chuyện"

Dù nhạc sỹ đã giải thích, nhưng xin hỏi: nếu có thể quay lại thời điểm đang diễn ra chương trình liệu ông vẫn “nói đùa” như thế hay sẽ nói câu nào khác?

Không! Tôi không việc gì phải nói khác cả vì đó là lời nhắc nhở dựa trên tình huống có thật.

Tôi có một ông bạn, là giáo sư dạy trường Nhân Văn trong Sài Gòn, hôm 17/ 2 vừa rồi, ông ấy có hỏi vợ: “Em biết ngày hôm nay là ngày gì không?”  Bà vợ suy nghĩ một hồi, không biết. Đến trường, vị giáo sư kia hỏi sinh viên cũng chẳng ai hay. Ông ấy liền bỏ dạy, ôm mặt khóc và …về nhà.

Có những điều chúng ta có thể không biết nhưng cũng có những thứ buộc phải nhớ nằm lòng!

Vậy ông nghĩ sao về việc có những độc giả chia sẻ, bản thân những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng không rõ ý nghĩa về màu sắc lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đó? Họ cho rằng đó là những chi tiết nhỏ trong biển kiến thức và không thể dựa vào chi tiết không biết đó để đánh giá trình độ học vấn của một người?

Như thế nào là nhỏ? Là không cần phải chú ý? Dưới lá cờ ấy, hàng triệu con người đã ngã xuống để các anh các chị ấy có bằng tiến sĩ, thạc sĩ đấy! Tôi nói thẳng với tư cách là người lính chiến trường Quảng Trị, những kẻ phát ngôn ra câu đó là loại vong ơn! Anh chị có thể yếu mặt này, mạnh mặt kia nhưng đã là lịch sử Việt Nam thì không thể không biết! Không học trong nước thì tiếp cận nguồn khác. Qua việc này tôi mới thấy, Việt Nam mình còn yếu lắm!
 
Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha (phải) tỏ ra lo ngại về việc giới trẻ không quan tâm tới lịch sử
Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha (phải) tỏ ra lo ngại về việc giới trẻ không quan tâm tới lịch sử

Xoay quanh ý nghĩa màu sắc lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng cũng có nhiều cách giải thích khác nhau. Có ý kiến cho rằng, ngôi sao vàng 5 cánh tượng trưng cho 5 liên minh đoàn kết, lá cờ có sự phân chia nửa màu xanh nửa màu đỏ còn là thể hiện sự chia cắt: nửa Bắc hòa bình, nửa Nam vẫn đang đổ máu…Vì thế cách giải thích trong chương trình cũng chưa hẳn đã trọn vẹn?

Về màu sắc, ý nghĩa của  lá cờ có nhiều quan điểm lắm! Nói ra thì hết cả ngày! Ví dụ ngôi sao chẳng hạn, ở Việt Nam thì bảo đó là 5 liên minh sĩ, công, nông, thương, binh  nhưng chẳng nhẽ cờ các nước khác cũng có đầy sao cũng là liên minh à? Ngôi sao là sự hướng thiện, là tượng trưng cho những gì tốt đẹp còn ngôi sao ngược xuống, có hai cánh chổng ngược lên trời là đại diện cho điều ác. Với cờ đỏ sao vàng không hẳn là màu máu đâu, ở đây còn có khía cạnh về tương sinh: màu vàng là thổ, đỏ là hỏa, hỏa sinh thổ là tốt nữa…

Từ một chi tiết về lá cờ lịch sử tới làn sóng dư  luận xoay quanh “sự kiện” gây tranh cãi lần này, dễ nhận thấy rất nhiều bạn trẻ ít biết về kiến thức lịch sử. Liên hệ tới vấn đề dạy và học sử Việt Nam, ông có thể chia sẻ điều gì?

Thực tế trong lĩnh vực giáo dục cho thấy, việc dạy và học sử kém nhất trong tất cả các bộ môn. Tôi đã nhiều lần lên tận Bộ, đề xuất vấn đề dạy sử qua âm nhạc nhưng họ rất rụt rè. Hiện tại, tôi cả cả trăm ca khúc rất hay nói về lịch sử của dân tộc từ thời Hùng Vương cho đến tận bây giờ. Cái lạ ở chỗ, “mấy tay” sáng tác nhạc kiểu này toàn là người Việt sống ở nước ngoài từ bé. Họ phải tâm huyết lắm mới nghiên cứu, sáng tác được như vậy!

Nguyễn Hằng

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm