"Tôi muốn đưa âm nhạc dân gian Việt đến Berlin"
(Dân trí) “Tôi đánh giá cao tính nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng dân dã của âm nhạc dân gian Việt Nam và tự sắm cho mình một số nhạc cụ như đàn T’rưng, đàn bầu…Tôi cũng đang ấp ủ kế hoạch kết hợp biểu diễn các nhạc cụ này ở Đức”, Nhạc trưởng Lior Shambadal hóm hỉnh nói.
Ông cũng đã theo học sáng tác tại Pháp với giáo sư Witold Lutoslawski. Năm 1980, Lior Shambadal được bổ nhiệm là chỉ huy dàn nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Haifa Symphony Orchestra.
Lior Shambadal từng chỉ huy dàn nhạc Kibbutz Chamber Orchestra của Tel Aviv, nhạc trưởng của dàn nhạc RTV Slovenia Symphony Orchestra tại Llubljana, là Giám đốc âm nhạc của Pfalztheater tại Kaiserslautern... Ông cũng được thế giới biết đến qua các sản phẩm đĩa CD và các chương trình truyền hình cũng như sự xuất hiện của ông tại các buổi hòa nhạc lớn trên thế giới.
Là người dành tình cảm đặc biệt cho con người, đất nước Việt Nam, Lior Shambadal đã có buổi trò chuyện thú vị với phóng viên trước chương trình Những giai điệu cổ điển vượt thời gian diễn ra tối ngày 14/7 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Được biết, ông đã sang Việt Nam 3 lần, lần trở lại này có điều gì khác biệt? Vì sao ông và các nhạc công lại chọn Hà Nội để biểu diễn?
Trước khi đến Việt Nam lần này, tôi đã từng có 3 lần đi du lịch tại nhiều địa danh của đất nước các bạn. Tôi từng sống 3 tháng ở Côn Đảo để sáng tác ra một bản giao hưởng đến bây giờ vẫn được các dàn nhạc thế giới đánh giá cao.
Tôi thật sự ấn tượng với con người Việt Nam, nhất là những người nghèo. Họ sống rất hồn nhiên, không cần diễn xuất. Bù lại tôi đáp lại họ tấm lòng chân tình. Nhiều nghệ sĩ trong dàn nhạc chưa từng đến Việt Nam nên lần này cũng là cơ hội cho họ tìm hiểu. Hôm qua, các anh em trong dàn nhạc đã hỏi tôi: “Sao người Việt đối đãi với chúng ta tốt như vậy?”
Bên cạnh đó, tôi cũng giao lưu với nhiều nghệ sĩ Việt, trong đó có anh Bùi Công Duy. Anh ấy đã nhiều lần đề nghị mời dàn nhạc Berliner Symphonike về Việt Nam biểu diễn, nhưng phải đợi đến khi chúng tôi thực hiện chuyến lưu diễn tại Nhật, trong tour biểu diễn tại 14 quốc gia, thì mới nhận lời sang Việt Nam. Bởi vì, nếu 66 nhạc công di chuyển từ Đức thì Việt Nam sẽ không bao giờ có khả năng chi trả, còn di chuyển từ Nhật sang đất nước các bạn sẽ giảm được rất nhiều chi phí. (Cười)
Ông nói đã giao lưu với nhiều người khi đến Việt Nam, trong đó có bạn bè là nghệ sĩ. Vậy ông đánh giá thế nào về tài năng cũng như phong cách làm việc của họ?
Tôi đã từng biểu diễn hòa nhạc ở những đất nước giàu có như Kazakhstan. Nơi các nghệ sĩ đều có những cây đàn mua từ Ý rất đắt tiền nhưng cách làm việc của họ lại không chuyên nghiệp. Họ muốn tôi làm một lúc hai việc mà tôi thì không thể phân thân ra được.
Trong chương trình biểu diễn tại Việt Nam sắp tới, phần 1 là những bản nhạc giao hưởng kinh điển, phần 2 là những tác phẩm mới dễ nghe và dễ cảm nhận. Lựa chọn nội dung có 2 phần riêng biệt là trường hợp ngoại lệ của dàn nhạc Berliner Symphonike. Vì sao ông lại lựa chọn cách trình diễn này?
Thông thường, dàn nhạc Berliner Symphonike có giám đốc âm nhạc. Giám đốc âm nhạc là người sẽ sắp xếp toàn bộ nội dung buổi diễn. Tuy nhiên, đến Việt Nam lần này, chúng tôi chiều theo nội dung sắp sẵn của nghệ sĩ Bùi Công Duy. Anh ấy hiểu khán giả Việt Nam cần gì. Lần đầu biểu diễn chương trình lớn tại Việt Nam nên chúng tôi muốn phục vụ cả đối tượng khán giả có tai nghe nhạc và cả những người kinh doanh.
Khi giá vé nghe nhạc giao hưởng trên thế giới lên tới vài chục triệu đồng tiền Việt, trong khi tại Việt Nam mức vé nghe hòa nhạc có thể chỉ…100 ngàn đồng. Cảm giác của ông thế nào?
Tôi không quá cầu toàn là dàn nhạc của mình luôn phải được chơi ở những nơi sang trọng, biểu diễn tại những nhà hát đạt chuẩn quốc tế. Tất nhiên, với những chương trình muốn có những buổi hòa nhạc đỉnh cao, chúng tôi cũng sẽ đưa ra những đòi hỏi như vậy. Quan điểm của tôi, ngoài những buổi diễn có giá vé vài nghìn USD, chúng tôi sẵn sàng biểu diễn giao hưởng miễn phí để những người không có tiền vẫn được thưởng thức.
Trò chuyện với ông thấy được tình cảm đặc biệt mà ông dành cho đất nước và con người Việt Nam. Vậy ông có nghe âm nhạc cổ truyền của Việt Nam? Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, một số loại hình âm nhạc cổ truyền như Ca trù, Quan họ… là nền tảng của giao hưởng thính phòng. Ông có nhận xét gì về ý kiến này?
Tôi cũng được tiếp cận sơ qua về âm nhạc dân gian Việt Nam. Tôi đánh giá cao tính nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng dân giã của nó. Tuy nhiên, âm nhạc dân gian Việt có phải là nền tảng của giao hưởng thính phòng hay không tôi chưa thể đưa ra nhận xét gì. Tôi cũng đã sắm cho mình một số nhạc cụ của Việt Nam như đàn T’rưng, đàn bầu…
Sang năm tôi sẽ viết một bản concerto trên nền nhạc cụ dân tộc của các bạn. Sau đó tôi sẽ tập với dàn nhạc và cho công diễn ở Berlin.
Nguyễn Hằng ghi