NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam:
“Tôi mong tìm thấy ứng dụng công nghệ trong thiết kế thời trang”
(Dân trí) - “Nghĩ đến thiết kế thời trang, người ta thường hình dung đến phấn, thước vẽ nhưng thiết kế hiện đại cần rất nhiều việc ứng dụng công nghệ: internet, xử lý vải, mạ vàng,… Đến với Nhân tài đất Việt, tôi tìm kiếm những nhà sáng tạo đồng hành cùng thời trang Việt”, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ.
Với tư cách một nhà thiết kế thời trang, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cảm nhận như thế nào khi đến với Lễ trao giải Nhân tài đất Việt 2016?
Tôi rất vui và vinh dự được đến với Lễ trao giải Nhân tài đất Việt với tư cách khách mời. Tôi hi vọng sẽ tìm kiếm được nhiều những nhân tài trẻ góp sức cho ngành thời trang dưới góc độ công nghệ.
Nghĩ đến ngành thời trang nói chung, người ta thường chỉ nghĩ đơn thuần là cắt may, phấn, thước vẽ nhưng thực ra ngành thiết kế hiện đại cần rất nhiều việc ứng dụng công nghệ về: internet, xử lý môi trường, xử lý vải, công nghệ in ấn, công nghệ mạ vàng…
Thông qua chương trình, tôi hi vọng sẽ tìm được những đối tác, những nhân tài trẻ, kết nối, hợp tác với họ để phục vụ ngành thời trang.
Ngày hôm nay 4 giải thưởng về khuyến học, khuyến tài cũng được trao, tôi cảm thấy rất ấn tượng với giải thưởng này. Ngoài là một nhà thiết kế, tôi cũng là một nhà đào tạo chuyên ngành. Vấn đề nhân sự trong thời trang cũng là một vấn đề nổi cộm, hôm nay đến đây tôi cũng học hỏi được thêm những ý tưởng về khuyến học, ý tưởng mới về giáo dục.
Tôi hi vọng, vào mùa giải Nhân tài đất Việt tới, tôi sẽ có cơ hội chung sức đồng hành trao thêm những phần quà khuyến học cho những bạn trẻ hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn, đam mê lĩnh vực thiết kế thời trang. Việc tổ chức thường niên Lễ trao giải Nhân tài đất Việt là một sáng kiến tuyệt vời của báo điện tử Dân trí.
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam vừa nhắc đến việc ứng dụng công nghệ trong sáng tạo thời trang, điều này có ý nghĩa như thế nào trong xu thế thiết kế thời trang hiện đại?
Hiện nay, nguồn vải may sẵn rất nhiều, đa số các nhà thiết kế mua luôn vì chi phí thấp. Tuy nhiên với các thiết kế của thời trang Đỗ Trịnh Hoài Nam, tôi ưu tiên các loại vải tự sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và quan trọng hơn cả là thể hiện được đặc trưng riêng của Việt Nam.
Tiêu chuẩn ở đây là chất vải đẹp nhưng phải rõ nguồn gốc chất liệu sợi như thế nào, cho đến việc xử lý rác thải thời trang ra sao, đó cũng là trách nhiệm xã hội. Vì các thiết kế của tôi không chỉ phục vụ trong nước mà còn phục vụ chính khách nước ngoài, họ rất quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Đến với lễ trao giải, cá nhân NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam hi vọng trong tương lại sẽ có sản phẩm công nghệ ứng dụng trong ngành thời trang đoạt giải Nhân tài đất Việt.
Việc đầu tư máy móc, công nghệ, chi phí để tự sản xuất vải hiện nay còn rất lớn. Chính vì vậy, nếu có cơ hội đồng hành cùng các nhà khoa học, trí thức Việt Nam sẽ là cơ hội để các nhà thiết kế trong nước giảm bớt được chi phí sản xuất, góp phần đưa ngành thời trang phát triển.
Giá trị văn hóa của một sản phẩm tính ở công sức, nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật và công sức đó không chỉ là những sản phẩm thủ công bằng tay mà phải tính cả bằng yếu tố về công nghệ. Bên cạnh việc dùng phấn, thước để kẻ, tôi sử dụng các phần mềm thiết kế, cắt vải bằng máy. Bên cạnh đó vẫn có những chi tiết được làm thủ công để đảm bảo tính nghệ thuật cao nhất.
Đây cũng là thời điểm mà ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) sắp đến gần, là một nhà hoạt động nghệ thuật, anh có những hoạt động gì hưởng ứng sự kiện này?
Ngày 18/11, tôi đã tham dự hoạt động văn hóa với chủ đề “Nét xưa” tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội. Đêm khai mạc diễn ra hoạt động trưng bày 10 sắc phong tổ nghề; Triển lãm ảnh chân dung nghệ nhân thêu Vũ Giỏi, triển lãm ảnh về trang phục hầu đồng; Trưng bày 10 bộ trang phục áo dài phục dựng theo lối cung đình của nghệ nhân thêu Vũ Giỏi…
Bên cạnh đó, sau chương trình Festival Áo dài Hà Nội 2016 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội cũng như các công ty du lịch rất tâm đắc ý tưởng đưa áo dài trở thành trang phục được biểu diễn và người dân mặc khi đến với tuyến phố đi bộ vào dịp thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Vì nhắc đến áo dài là nhắc đến một đặc trưng văn hóa mang đậm bản sắc, dấu ấn Việt Nam. Với tư cách một nhà thiết kế, chúng tôi rất kì vọng ý tưởng này sẽ được hiện thực hóa để góp phần bảo tồn nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, ý tưởng này có đi vào đời sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và sự quan tâm của người dân. Một tín hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, áo dài đã trở thành trang phục được ưa chuộng trong các sự kiện văn hóa, giải trí lớn, thậm chí những người mặc áo dài được chú ý hơn là những người mặc hàng hiệu. Tôi tin rằng, nếu có sự phối hợp tốt giữa Sở Du lịch Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ và các nhà thiết kế, chắc chắn đây sẽ là một điểm nhấn văn hóa, góp phần lưu giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, song song với đó thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch Hà Nội.
Xin cảm ơn NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam!
Phương Nhung
Ảnh: Mạnh Thắng