Tò mò đi xem “thủy quái” bỗng xuất hiện giữa hồ
(Dân trí) - Trong những ngày này, người dân TP Huế ở xung quanh hồ Tịnh Tâm bỗng rất tò mò vì một vật thể lạ giống như một con “thủy quái” bỗng nằm giữa hồ. Khá nhiều người xem trong tâm trạng thích thú, hiếu kỳ hay thậm chí là sợ sệt.
Với tâm lý khá hiếu kỳ xen lẫn tò mò khi cứ đứng hết góc này qua góc khác để nhìn, anh Nguyễn Xuân Lâm, một người dân sống bên hồ Tịnh Tâm cho biết: “Tôi thấy giống con bạch tuộc quá, nhưng nhìn kỹ thì cũng giống con mực khổng lồ hơn. Tự nhiên thấy xuất hiện trên mặt hồ lạ quá. Cả sáng đến giờ nhìn nhưng cũng không thể ra con vật gì. Có lẽ thêm 2 con mắt ở phần đầu thì trông giống bạch tuột hơn”.
Nhiều lượt người ở xung quanh hồ cũng kéo đến xem. Người đi ở ngoài đường nhìn vào thấy ngồ ngộ thế là đánh xe vào, xem, chỉ trỏ, bình luận. Hồ Tịnh Tâm vốn ít người nhưng bỗng đông hẳn vì một con giống loài “thủy quái” lạ tự dưng xuất hiện.
Với kích cỡ to và màu bạc sáng bóng, con “thủy quái” ở đây chính là tác phẩm trong dự án Mây biến thể do tác giả Trần Tuấn và curator dự án - Trần Lương vừa được hạ thủy xuống hồ Tịnh Tâm vào ngày 15/3 vừa qua.
Theo tác giả Trần Tuấn (vốn có 1 tác phẩm ý nghĩa mang tên “Khối u” làm từ vỏ lon với hình dạng như 1 sinh vật lạ trưng bày ở Festival Huế 2010), đây là dự án nghệ thuật thị giác trưng bày tác phẩm điêu khắc có hình một khối mây đang biến dạng thành một con bạch tuột (khổ 15x6x4m) có nhiều súc tu, làm bằng chất liệu nhôm vỏ lon các loại (nước ngọt, bia…), trưng bày nổi bềnh bồng trên mặt nước hồ Tịnh Tâm - một trong những thắng cảnh đẹp nhất kinh thành hiện nay đang bị xâm lấn và ô nhiễm nghiêm trọng.
Tác phẩm được thực hiện tại xưởng cơ khí của ông Trần Thanh Cường với vỏ lon các loại được thu gom từ các cơ sở thu gom phế liệu trong 6 tuần. Ý đồ nghệ thuật là gợi đến sự biến đổi từ một thứ mà bản chất của nó là đẹp và lãng mạn, vô hại và bình thường (đám mây) thành hình dạng của một sinh vật quái dị và chứa đựng những mối nguy hiểm tiềm ẩn (thủy quái). Chất liệu chính của khối điêu khắc là vỏ lon lật ngược mặt trong kết lại thành mảng lớn màu trắng bạc, kết những mảng lớn này lên khung lưới sắt đã được tạo hình.
Tâm sự với chúng tôi, họa sĩ Trần Tuấn trăn trở về ý nghĩa của dự án có gắn liền mật thiết với môi trường này. “Hồ Tịnh Tâm là một di tích cảnh quan được kiến tạo dưới triều Nguyễn. Dưới thời vua Thiệu Trị đây được xem như là một trong 20 cảnh đẹp đất kinh thành, nhưng hiện nay đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải sinh hoạt và nước thải từ rất nhiều hệ thống cống rảnh đưa vào. Hậu quả là giống sen đặc chủng hồ Tịnh đã bị tuyệt chủng do không sống nổi trong môi trường nhiễm bẩn, các công trình kiến trúc hoành tráng bây giờ chỉ còn lại cốt nền và cũng đang biến mất dần.
Gần đó, Tàng Kinh Các (nơi lưu giữ các tàng thư xưa của vua Nguyễn - PV) và hệ thống thủy lợi cổ đi kèm cũng chịu chung hoàn cảnh, bị sử dụng làm nhà chung cư cho các hộ dân là quân nhân của đồn Mang Cá. Xa hơn một chút, đồn Mang Cá đang bị xây sửa cơi nới làm biến dạng hệ thống dinh thự được xây dựng từ thời vua Đồng Khánh, hệ thống tường thành bị cắt xẻ làm cây xăng...
Hồ Tịnh Tâm chính là một di tích quan trọng, xung quanh hồ còn có nhiều trường học như ĐH Nghệ thuật, ĐH Nông lâm, ĐH Kinh tế. Hằng ngày có hàng nghìn sinh viên băng qua con đê giữa hồ Tịnh Tâm để đến trường, đặc biệt vị trí trường ĐH Nghệ thuật Huế nằm ngay sau lưng hồ Tịnh Tâm. Có nghĩa là hằng ngày có hàng nghìn sinh viên và giảng viên của trường phải băng qua một di tích văn hóa nghệ thuật hoang tàng và ô nhiễm để được dạy và học về văn hóa nghệ thuật”.
Qua thực trạng trên, tác giả đã xin đề xuất dự án với mục đích kêu gọi sự quan tâm của xã hội và các cơ quan liên quan đến vấn nạn xâm hại di tích và ô nhiễm môi trường. Tranh thủ lực lượng đông đảo các giảng viên và sinh viên của các trường ĐH đóng xung quanh hồ Tịnh Tâm góp chung lời kêu gọi các ban ngành chức năng hãy có trách nhiệm hơn với quần thể di tích văn hóa cố đô Huế.
Mây biến thể với hình dạng một con thủy quái nằm dưới hồ từng là thắng cảnh nổi tiếng xứ Huế là để cụ thể hóa những mối nguy hiểm tiềm ẩn dưới mặt nước hồ và kích thích các nghệ sĩ tạo hình quan tâm tới những vấn đề bức xúc của xã hội, đặc biệt là lực lượng sinh viên trường ĐH Nghệ thuật Huế cần phải có hành động cụ thể đối với thực trạng đang hằng ngày diễn ra trước mắt.
Sau 2 tuần được gắn phao và trưng bày nổi trên mặt nước hồ Tịnh Tâm, con “thủy quái” này sẽ được hiến tặng và tiếp tục trưng bày trong khuôn viên trường ĐH Nghệ thuật Huế gần đó.
Xin giới thiệu đến độc giả một số hình ảnh về "thủy quái" Mây biến thể dưới hồ Tịnh Tâm:
Đuôi của "thủy quái" có nhiều xúc tu
Đầu không có mắt, giống đầu bạch tuộc, đầu mực hay thậm chí cả đầu con rắn
Người dân đi vớt sen hơi sợ khi đến gần "thủy quái"
Bóng thủy quái in xuống hồ tạo nên những hình ảnh phản chiếu tuyệt đẹp
Người dân vẫn còn rất tò mò sau khi xem "thủy quái". Họ cứ tưởng là có loài vật nào khổng lồ giống con bạch tuộc vừa mới xuất hiện
Sen hồ Tịnh và "thủy quái"