Tinh hoa của gốm Bình Định
(Dân trí) – Từ những khối đất lấy từ đồng ruộng về, qua bàn tay khéo léo của người thợ, đất trở thành những đồ dùng gắn liền với đời sống, văn hóa của người dân ở địa phương và đi khắp cả nước.
Tuy không phong phú về chủng loại sản phẩm nhưng thương hiệu gốm Vân Sơn lại đang hiện hữu trong đời sống hàng ngày của dân địa phương. Đặc biệt đã có mặt ở nhiều tỉnh thành ở miền Trung – Tây Nguyên như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đến tận miền nam như Kiên Giang, Rạch Giá rồi ra tận Bắc Ninh ở phía bắc.
Ông Cao Văn Bình (52 tuổi, ở thôn Vân Sơn) người làm gốm lâu năm theo cha truyền con nối cho biết: “Để làm được sản phẩm đất nung chuẩn mực yêu cầu phải là đất phù sa hay đất sét, đất được nhào đạp cho thật nhuyễn, tiếp đến phơi khô, tán nhuyễn rồi rây bỏ tạp chất để làm sao đất đảm bảo tính mềm, dẻo, mịn để khi tạo ra một sản phẩm không bị nứt, vỡ. Công đoạn làm thô, đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật, khéo léo. Sau khi tạo hình xong, chờ cho ráo mặt, người thợ dùng một thanh sắt mỏng để miết lên bề mặt sản phẩm tạo độ láng, loại bỏ chi tiết thừa, nặn quay gắn vào tùy theo sản phẩm, trang trí hoa văn và cuối cùng là cho vào lò nung”.
Ngày nay, trước việc đồ dùng kim loại phổ biến thì nghề làm gốm Vân Sơn cũng đang đứng trước khó khăn nhất định. Bởi nguồn đất hiếm, chi phí cao, sản phẩm làm ra bán rẻ mạt, trong khi để có một sản phẩm bán ra thị trường tốn nhiều công sức và thời gian.
Chị Võ Thị Phụng (38 tuổi, người làm nghề gốm ở thôn Vân Sơn) chia sẻ: “Trước đây nguồn đất còn nhiều, mỗi một xe bò chỉ mua mất tốn 50 ngàn đồng, giờ đất hiếm phải mất 100 ngàn đồng. Trong khi, để có được một bếp lò phải mất 5 – 6 ngày nhưng chỉ bản từ 8 – 27 ngàn/ lò, tùy vào lò nhỏ hay to”.