Tin tặc “đóng giả” nhà buôn tranh, lừa đảo 70 tỷ đồng
(Dân trí) - Các bảo tàng, triển lãm nghệ thuật giờ đây được cảnh báo phải thật cẩn trọng khi tiến hành những thương vụ mua bán tranh với giá trị lớn thông qua email và chuyển khoản.
Một nhóm tin tặc đã tấn công vào hệ thống email của một đơn vị chuyên buôn bánh tranh nghệ thuật ở London (Anh), khi đơn vị này đang tiến hành thương lượng với một bảo tàng nghệ thuật ở Hà Lan trong một thương vụ mua bán tranh giá trị 2,4 triệu bảng Anh. Bức tranh đang được hai bên thương lượng là một bức họa thực hiện bởi danh họa người Anh John Constable (1776 - 1837).
Đây được xem là một vụ lừa đảo ngoạn mục của tội phạm công nghệ đối với giới sưu tầm nghệ thuật. Theo đó, nhóm tin tặc đã thao túng email của nhà buôn tranh.
Nhóm tin tặc này đã can thiệp vào những email được gửi đi, gửi lại giữa bảo tàng Rijksmuseum Twenthe (nằm ở khu đô thị Enschede, Hà Lan) và nhà buôn tranh Dickinson (nằm ở London, Anh). Thương vụ mua bán tranh mà hai phía thương lượng là thật, bức tranh cũng thật, chỉ có điều, khi bảo tàng chuyển tiền, thì tài khoản nhận là giả, đó không phải tài khoản của nhà buôn Dickinson.
Bức tranh được đem ra bán ở thương vụ này là bức “A View of Hampstead Heath: Child’s Hill, Harrow in the Distance” (Cảnh quan nhìn từ bãi hoang Hampstead: Khu Child’s Hill, Harrow nhìn từ đằng xa), bức vẽ được thực hiện hồi năm 1824 bởi danh họa người Anh John Constable.
Nhóm tin tặc đã can thiệp vào những email thông tin qua lại giữa viện bảo tàng và nhà buôn tranh. Sau khi thương vụ được thống nhất, tranh cũng đã được nhà buôn chuyển tới bảo tàng, phía bảo tàng thực hiện chuyển 2,4 triệu bảng Anh vào một tài khoản ngân hàng.
Nhưng lúc này, phía nhà buôn Dickinson mới “tá hỏa” nhận ra điều bất thường, bởi họ không hề nhận được một đồng nào do phía bảo tàng chuyển tới. Tới lúc này, hai bên mới biết họ đã bị tin tặc can thiệp vào email, thông tin tài khoản nhận tiền là tài khoản của... tin tặc, không phải của nhà buôn.
Thực tế, những thương vụ mua bán tranh vẫn thường được tiến hành theo phương cách như thế này, khi bên mua và bên bán ở những quốc gia khác nhau, nhưng giờ đây, khi tội phạm mạng ngày càng gia tăng và trở nên nguy hiểm hơn, các chuyên gia cảnh báo các bên cần đặc biệt cẩn trọng khi thực hiện những thương vụ mua bán tranh qua email và chuyển khoản.
Đây là một sự việc lừa đảo hiếm hoi gây ra bởi tội phạm công nghệ trong giới sưu tầm mỹ thuật. Thực tế, trước nay, đã có nhiều nhà buôn nghệ thuật bị tin tặc nhắm tới để tấn công.
Sau sự việc lần này, đã xảy ra những tranh cãi giữa phía bảo tàng và nhà buôn. Phía bảo tàng đã đệ đơn kiện lên tòa án tại London, Anh, cho rằng phía nhà buôn đã không kiểm soát tốt email của họ để kịp thời nhận ra có vấn đề bất ổn phát sinh, dẫn tới những thiệt hại kinh tế.
Nhưng phía nhà buôn cũng tranh luận rằng phía bảo tàng đáng lẽ đã phải có những bước xác minh chuyên nghiệp hơn để khẳng định tài khoản mà mình sắp chuyển tiền vào là chính xác.
Phía tòa án hiện đã bãi bỏ đơn kiện của phía bảo tàng, nhưng hiện bên nào được quyền sở hữu hợp pháp bức tranh thì vẫn chưa được xác định.
Bà Emma Ward, giám đốc điều hành của nhà buôn tranh Dickinson cho hay: “Sự việc rất không may này nhấn mạnh sự nguy hiểm của tội phạm mạng trong giới sưu tầm nghệ thuật, đây là sự việc rất đáng tiếc cho cả phía bảo tàng và phía nhà buôn chúng tôi, đặc biệt khi cả hai đều là nạn nhân trong hoàn cảnh này.
“Dickinson hy vọng rằng sự việc sẽ giúp nâng cao nhận thức cho những người trong giới sưu tầm nghệ thuật, để họ hiểu hơn về nguy cơ và cách phòng tránh sự tấn công của tội phạm mạng”.
Bích Ngọc
Theo Telegraph/Bloomberg