"Tim tôi rung nhịp cồng chiêng”
(Dân trí)- "Trọn đời lăn lóc Tây Nguyên, Chưa hiểu hết người khác tộc Tim tôi rung nhịp cồng chiêng"...
Ở Hội nghị tập huấn và hội thảo với tiêu đề ”Phấn đấu để có nhiều tác phẩm tốt hơn nữa”, tôi được các bạn làm thơ ở nhiều tỉnh tặng thơ. Rất háo hức tôi đã đọc ngay tập thơ “Sứ giả” của một bạn ở tỉnh xa nhất và thực sự thấy mình hoà nhập với câu thơ của nhà thơ Thu Loan - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai:
Trọn đời lăn lóc Tây Nguyên
Chưa hiểu hết người khác tộc
Tim tôi rung nhịp cồng chiêng
Chưa hiểu hết người khác tộc
Tim tôi rung nhịp cồng chiêng
Lúc Thu Loan đưa sách, tôi đang ngồi họp chưa kịp ngẩng lên nhìn thì bạn ấy đã quay đi. Vì thế sáng hôm sau tôi hỏi nhà thơ Bằng Việt: ''Bác đã đọc thơ của Thu Loan chưa? Bạn ấy có phải là người dân tộc thiểu số không? Tôi thấy tên tác giả thì rất hiện đại nhưng thơ thì rất Tây Nguyên. Tôi muốn gặp quá''.
Nhà thơ Bằng Việt cười: ''Bạn cứ tìm cô nào áo trắng cổ lá sen bỏ trong quần âu rất mốt thì đó là Thu Loan!''
Nhà thơ Bằng Việt cười: ''Bạn cứ tìm cô nào áo trắng cổ lá sen bỏ trong quần âu rất mốt thì đó là Thu Loan!''
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn
Thế mà lúc gặp Thu Loan tôi vẫn dè dặt hỏi: ''Mẹ em là người Tây Nguyên phải không?''.
Thu Loan lắc đầu: ''Em là người Kinh trăm phần trăm mà chị. Nhưng em gắn bó và rất yêu Tây Nguyên.''
Quả thật đã lâu tôi mới có sự nhầm lẫn rất đáng quý này. Một phụ nữ xinh xắn, có học, có chức quyền người Kinh đã tự nguyện làm ''sứ giả'' cho mảnh đất và con người Tây Nguyên mà chúng ta còn ít biết.
Sở dĩ tôi ngỡ mẹ Thu Loan phải là người dân tộc thiểu số vì ở phần ''chân dung mẹ'' trong tập thơ, Thu Loan đã khắc hoạ rất chính xác và đầy yêu thương gương mặt ''người mẹ núi'' của chị:
''Những bà mẹ còng lưng địu củi không đầu không mặt không mắt im lặng bước qua hoàng hôn/ Gùi củi ngự lưng đè nặng, lo âu đè nặng, gió núi lạnh, mùa quả lép, mùa khô hạn, đất nứt nẻ, căn bệnh chưa rõ nguyên nhân, gùi lúa cuối cùng đã nhẵn''.
Bà mẹ ấy đi qua những ''con đường ầm ầm xe chạy, dãy phố chằng chịt mắc cửi, các khu biệt thự ngời ngời ánh điện, bữa ăn cá thịt vun đầy” với cái nhìn ''vội vã, thờ ơ, e ngại, thương cảm, day dứt, không bận tâm, áy náy''.
Thu Loan đã xót xa, chia sẻ, đã cảm thông vô cùng khi viết:
Những bà mẹ Tây Nguyên chân đất lưng trần
thờ ơ nhìn váy đầm, xe con, toà nhà cao ốc
lầm lũi đi
như vẫn lầm lũi lối mòn ngang rừng hoang đồi trọc
Tôi muốn quỳ dưới chân và khóc
Những bà mẹ Tây Nguyên
Nhà thơ Thu Loan (đứng ngoài cùng bên trái) - tác giả của tập thơ "Sứ giả" cùng các văn nghệ sĩ tại Hội văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai
Thu Loan đã gắn bó và yêu quý Tây Nguyên với hy vọng thật là lãng mạn sau khi khắc họa chân dung người đàn bà núi đi ngang qua sự giàu có hiện đại với vẻ thờ ơ của một người quen lầm lũi đói nghèo. Chị mơ ước:
Mong một ngày người sánh vai vững bước
hết độn rau rừng
hết mặc áo vỏ cây
hết bập bẹ tính phép tính thông thường bằng vạch dấu cây
hiển hiện tâm hồn suối nguồn trong vắt
Tôi nâng niu rước người ra cõi sáng...
Tôi đã bị Thu Loan cảm hoá và thuyết phục bằng chính tâm hồn thơ của chị – Một tâm hồn đắm đuối với người mẹ núi, với lễ bỏ mả với cồng chiêng, với tượng nhà mồ của Tây Nguyên. Chị đã viết những câu thơ gan ruột:
Tượng mồ
đứng cạnh khu nhà mộ
Mặt trời đờ đẫn nhìn
ánh trăng ngây dại soi
...Nơi đây tất cả thiền
lặng câm cùng hơi thở
hồn ta lạc cõi tiên
(Khúc ca tặng tượng mồ)
Chị viết về thành phố Pleiku:
Pleiku – tiên nữ hút hồn
Phố xinh xinh, đồi cuộn sóng, lá vẫy trăng, sương mờ mắt bo
Tôi bướng bỉnh, dại khờ, kiêu hãnh, oai phong, thành công, thất bại, lỗi lầm... vô số
Không nhớ bao lần định bỏ
Pleiku níu bao lần!
Thực vậy, đã bao lần cô gái Kinh muốn rời bỏ Tây Nguyên, nhưng đã bị mảnh đất huyền bí này níu giữ. Chị đã lấy chồng, sinh con, đã ở lại đây cho tới bây giờ và yêu Tây Nguyên:
Hôm nay
Tôi vừa mừng đám cưới phong bì bằng thu nhập bốn người ở làng một tháng
hàng trăm người như tôi
bỏ mứa bia rượu như thể rượu bia là nước lã, thức ăn ngổn ngang như thể thịt cá là rêu rác
cách nhau con suối, rừng le
như cách hành tinh khác, thế kỷ khác
thương ôi!
Câu hỏi ấy cùng mơ ước của nhà thơ mong đưa Tây Nguyên song hành cùng đất nước là vẻ đẹp của tập thơ ''Sứ giả''.
Nhưng tôi còn muốn viết thêm về những nét rất riêng của người phụ nữ cầm bút trong tập thơ:
Tôi có thể lau trăm mét vuông nhà trong năm phút
biết nấu ăn khiến người khó mấy cũng vừa lòng
nhưng tôi tìm cách để người khác làm, còn mình viết
mỗi khắc thời gian quý hơn vàng
bạn đến thăm chơi tôi bỏ hết
ngày tháng xênh xang, rượu chảy tràn
(Với bạn)
Có lúc không radio, nhạc, điện thoại, gương mặt người thân, giọng con trong trẻo
ta chìm trong không gian lặng câm
cho
hồn cảm hết niềm thẳm trang văn
Năm tháng thẳm sâu ùa về lấp lánh
hạnh phúc linh thiêng ứa trào
(Cõi lặng)
Tôi gặp và chia tay Thu Loan không kịp chuyện trò gì ngoài mấy câu hỏi xã giao. Nhưng đọc xong tập thơ tôi bỗng yêu quý chị và mong có một ngày được gặp chị ở Pleiku, mong được chị đưa đi thăm suối Đắkple, núi Kông Ka King, cùng chị nghe tiếng đàn Klôngpút, uống rượu cần, tắm ở Biển Hồ, hái hoa pơlang, cùng thăm tượng nhà mồ và dự lễ bỏ mả Pơthi. Tập thơ ''Sứ giả'' của chị đã mang đến cho tôi niềm mong mỏi được gặp, hiểu và yêu Tây Nguyên của chị, của chúng ta.
Phan Thị Thanh Nhàn
(*) ''Sứ giả''– Thơ của Thu Loan, NXB Văn hoá dân tộc