Tìm thấy tranh quý sau 250 năm nhầm lẫn
(Dân trí) - Một bức phác họa được thực hiện bởi danh họa nổi tiếng người Hà Lan - Rembrandt - đã bị nhầm lẫn “oan uổng” suốt 250 năm. Trong lịch sử hội họa, còn có nhiều câu chuyện kỳ lạ khác về những tác phẩm biến mất rồi lại được tìm thấy một cách bất ngờ.
Một bức phác họa khắc họa một chú chó đã vừa được giới chuyên môn khẳng định là của danh họa người Hà Lan - Rembrandt van Rijn. Suốt gần 250 năm qua, bức phác họa này đã bị nhầm là của một họa sĩ ít tên tuổi khác người Đức.
Phát hiện mới này đã gây xôn xao giới hội họa quốc tế và là một sự việc “chấn động” đối với bảo tàng Herzog Anton Ulrich, nằm ở thành phố Braunschweig, Đức. Vốn được biết đến với tên gọi “chú chó sục Braunschweig”, bức phác họa đã được thực hiện từ năm 1637 và đã nằm trong bộ sưu tập của viện bảo tàng từ năm 1770.
Giáo sư Thomas Doring, chuyên gia của viện bảo tàng Herzog Anton Ulrich, trong lần đầu tiên nhìn thấy bức vẽ đã cảm thấy có điều bất thường. Thời điểm đó cách đây 2 năm, khi ông đang làm nhiệm vụ phân loại 10.000 bức phác họa nằm trong bộ sưu tập của viện bảo tàng.
Ông Thomas Doring cho biết: “Bức phác họa được đề là của Johann Melchior Roos, không ai nghi ngờ gì điều đó. Nhưng tôi lại nhận thấy sự mạnh mẽ trong các nét phác họa, sự đa dạng trong phối mảng sáng tối và cả biểu cảm trong ánh nhìn của chú chó, tất cả những điều này rất đặc trưng cho phong cách Rembrandt”.
Ông Doring chia sẻ rằng kinh nghiệm làm việc với những bức phác họa của Rembrandt lâu nay chính là chìa khóa cho sự phát hiện của ông. Vì vậy, ngay khi được tiếp cận với bức phác họa vốn được đề tên của một họa sĩ khác, ông Doring đã nảy sinh nghi ngờ rằng có sự nhầm lẫn ở đây.
Để khẳng định những hồ nghi của mình, ông Doring đã tới Vienna (Áo), Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp), để có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn nữa với những bức phác họa khác của Rembrandt và cũng là để nhờ cậy sự giúp đỡ của những chuyên gia trong cùng lĩnh vực, vốn có sự am hiểu về phong cách của Rembrandt, để cùng ông đưa ra sự thẩm định.
Những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu tranh Rembrandt đều đồng tình với ông Doring rằng bức phác họa chú chó đích thực là của vị danh họa người Hà Lan. Trong các bức tranh của mình, Rembrandt thường vẽ những chú chó, vì vậy, việc ông nghiên cứu phác họa những chú chó là điều rất dễ hiểu.
Những tác phẩm hội họa biến mất rồi được tìm thấy một cách bất ngờ
Năm 1911, bức họa trứ danh “Mona Lisa” của danh họa người Ý Leonardo da Vinci bị đánh cắp khỏi viện bảo tàng Louvre (Pháp) bởi một cựu nhân viên của viện bảo tàng. Bức tranh đã được tìm thấy lại sau hai năm mất tích.
Bức tranh của danh họa người Pháp Renoir được thực hiện những năm đầu thế kỷ 19, đã bị đánh cắp hồi năm 1951. Bức tranh bất ngờ xuất hiện trở lại tại một khu chợ trời hồi năm 2010 và đã được trả lại cho viện bảo tàng - nơi bị mất cắp bức tranh. Bức tranh vốn được một người phụ nữ mua với giá chỉ 7 USD tại một khu chợ trời ở bang Virginia, Mỹ.
Tranh của hai danh họa người Pháp - Paul Gauguin và Pierre Bonnard - đã được tìm thấy lại hồi năm 2014. Hai bức tranh đáng giá hàng triệu euro, đã bị đánh cắp khỏi gia đình vị chủ nhân ở thành phố London (Anh) hồi năm 1970, sau đó bị bỏ lại trên một chuyến tàu ở Ý. Nhà ga không biết rằng đây là tranh quý nên đã đem bán rất rẻ. Một công nhân đã bỏ ra 45.000 lire Ý để mua hai bức tranh về treo trong nhà, số tiền đó chỉ tương đương… 530.000 đồng.
Hai phiên bản của bức “Tiếng thét” do danh họa người Na Uy Edvard Munch thực hiện đã từng bị đánh cắp (bức “Tiếng thét” có 4 phiên bản). Năm 1994, kẻ trộm đột nhập vào Viện bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Na Uy, nằm ở thành phố Oslo, đánh cắp một bức “Tiếng thét”. 4 tháng sau, cảnh sát đã tìm thấy lại bức tranh trong một phòng khách sạn.
Bức “Tiếng Thét” và “Madonna” do danh họa Edvard Munch thực hiện bị đánh cắp khỏi bảo tàng Munch, ở thành phố Oslo, Na Uy năm 2004 bởi một băng nhóm có vũ trang. Hai năm sau, cảnh sát đã tìm thấy lại cả hai bức tranh.
Năm 2000, 3 kẻ trộm tranh có trang bị vũ khí đã tấn công vào Viện bảo tàng Quốc gia Thụy Điển, nằm ở thành phố Stockholm, lấy đi hai tác phẩm của danh họa Pháp - Renoir và một bức tự họa của danh họa Hà Lan - Rembrandt. Đến năm 2001, băng nhóm bị sa lưới. Lần theo các dấu vết, dần dần cả 3 bức tranh đều được tìm thấy lại hồi năm 2005.
Bức “La Coiffeuse” (Thợ làm tóc) của danh họa người Tây Ban Nha - Pablo Picasso - biến mất năm 2001 và được tìm thấy trở lại trên một chuyến tàu thủy từ Bỉ tới Mỹ hồi tháng 12/2014. Trên tàu, bức họa được khai là một bức tranh chép rẻ tiền. Cảnh sát nghi ngờ và quyết định giữ bức tranh lại, cuối cùng, đó chính là bức họa bị đánh cắp của Picasso từ hơn một thập kỷ trước.
Bức tranh khắc họa Đức Mẹ và chúa Jesus của thiên tài người Ý Leonardo da Vinci đã bị đánh cắp khỏi một lâu đài ở Scotland hồi năm 2003. Cảnh sát đã tìm lại được bức tranh khi khám xét văn phòng của một hãng luật ở Glasgow (Scotland) hồi năm 2007.
Những tác phẩm hội họa của các danh họa như Picasso, Van Gogh, Paul Gauguin đã bị đánh cắp khỏi triển lãm Whitworth ở Manchester, Anh hồi năm 2003. Tại hiện trường có một mẩu giấy viết tay đề rằng: “Mục đích của vụ việc không phải là đánh cắp, chỉ để cho thấy mức độ bảo vệ an ninh tệ như thế nào”. Những bức tranh đã được tìm thấy lại trong ngày hôm sau ở gần một nhà vệ sinh công cộng.
Năm 2007, bức “Chân dung Suzanne Bloch” do danh họa người Tây Ban Nha Pablo Picasso thực hiện bị đánh cắp khỏi Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo (Brazil). Bức tranh đã được tìm thấy lại sau 2 năm.
Bích Ngọc
Theo DW/NY Times