1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Tìm thấy tấm bia quý về thắng cảnh suối nước nóng dưới đời vua Nguyễn

(Dân trí)– Ngày 17/11, TS. Phan Thanh Hải, GĐ trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, vừa tìm thấy tấm bia Tây Lãnh Thang Hoàng khắc tháng 7 nhuận năm 1843 thời vua Thiệu Trị về thắng cảnh suối nước nóng thuộc xã Dương Hòa, Thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế.

Đây là một trong số 5 tấm bia được phát hiện về 20 thắng cảnh đất Huế do vua Thiệu Trị (thuộc đời 13 vua Nguyễn đóng kinh đô tại Huế từ 1802-1945) đề ra. 15 tấm bia khác nay đã không còn nữa.

Tìm thấy tấm bia quý về thắng cảnh suối nước nóng dưới đời vua Nguyễn
Tấm bia Tây Lãnh Thang Hoàng về thắng cảnh suối nước nóng tại Dương Hòa được khắc, dựng thời vua Thiệu Trị (trị vì 1840-1847)

Trước đó, ngày 9/11/2012, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức khảo sát tại suối nước nóng thuộc xã Dương Hoà, Thị xã Hương Thuỷ để xác minh cụ thể về thông tin các tấm bia đá thời Nguyễn được Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thuỷ phát hiện tại lòng hồ Tả Trạch.

Tại khu vực suối nước nóng cách trung tâm Thị xã Hương Thủy chừng 15km theo đường chim bay, đã xuất lộ 2 tấm bia. Một tấm còn nguyên vẹn kiểu dáng, cao 1m60 (không kể phần bệ bia) rộng 86cm, dày 20cm; trán bia chạm hình lưỡng long triều nhật và thân bia chạm hoa lá cách điệu, bệ chạm hoa văn kỷ hà theo phong cách cung đình; bề mặt bia bị nước và thời gian bào mòn đến nỗi không còn thấy được dấu vết của chữ khắc. Một tấm khác bị gãy phần dưới thân, cao 67cm, rộng 43cm, dày 9cm mặt trước khắc 2 chữ Lãnh Giản mặt sau khắc Minh Mạng thập bát niên, tam nguyệt cát nhật (Ngày tốt, tháng ba, năm Minh Mạng thứ 18).

Đây là khu vực suối nước nóng từng phát hiện vào thời Nguyễn. Năm 1837, Ninh Thuận Công Miên Nghi, trong một lần đến đây săn bắn đã phát hiện ra vũng nước nóng này và về báo với vua Minh Mạng (trị vì 1820-1840). Vua đã cử lang trung Bộ Công là Vũ Trọng Đại đi điều tra tình hình và vẽ bản đồ xác định vị trí. Sau đó vua Minh Mạng lại thân hành đến tận nơi xem xét và làm bài văn “Thang Hoằng Ký” rồi cho khắc vào bia đá, dựng tại nơi này.

Đối chiếu với tư liệu lịch sử, cho thấy, vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837), triều đình có cho khắc dựng 3 bia suối nước nóng tại đây, trong đó có 1 bia lớn khắc bài ký về suối nước nóng của vua Minh Mạng 2 bia nhỏ khắc tên suối là Thanh Giản (nghĩa là Khe Trong) và Lãnh Giản (nghĩa là Khe Lạnh).

Ngoài ra, trong 20 thắng cảnh Huế xưa do vua Thiệu Trị đề vịnh được bộ Công vẽ tranh minh hoạ, có 8 thắng cảnh trong cung và vườn ngự đều được khắc thơ lên bảng đồng; 12 thắng cảnh khác đều khắc thơ lên bia đá trong đó có bia “Tây Lãnh Thang Hoằng” được dựng tại đây. Do vậy, có khả năng tấm bia lớn bị bào mòn bề mặt được phát hiện tại khu vực này là tấm bia khắc bài Thang Hoàng ký của vua Minh Mạng.

Tấm bia trước đó được tìm thấy ở khu vực suối nước nóng này
Tấm bia trước đó được tìm thấy ở khu vực suối nước nóng này

Thực tế đó cũng nói lên rằng, hiện vẫn còn 2 tấm bia thời Nguyễn chưa được tìm thấy ở khu vực này. Đó là tấm bia thơ “Tây Lĩnh Thang Hoàng” thời Thiệu Trị và tấm bia địa danh Thanh Giản thời Minh Mạng. Sự xuất hiện của các tấm bia đã khẳng định khu vực suối nước nóng này đúng là thắng cảnh thứ 20 của đất Thần Kinh một thuở.

Đáng mừng là sau hơn một tuần tìm kiếm, phát quang các khu vực lân cận, thì tấm bia “Tây Lĩnh Thang Hoàng” thời vua Thiệu Trị đã được phát hiện tiếp theo như đã nêu trên.

Theo kế hoạch, trong tháng 11/2012, việc trữ nước tại hồ Tả Trạch sẽ tiến hành triển khai, vì vậy vị trí các tấm bia sẽ ngập trong độ sâu từ 50 đến 60 mét. Do đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đề xuất lập phương án để di chuyển 2 tấm bia trên về bảo quản và tổ chức phương án trưng bày, giới thiệu tại bảo tàng, đồng thời tiếp tục tìm kiếm và di chuyển một tấm bia còn lại.

 
Đại Dương