Tìm thấy con tàu mất tích bí ẩn gần 170 năm trước
(Dân trí) - Số phận hai con tàu HMS Erebus và HMS Terror của Hải quân Anh bị mất tích bí ẩn giữa biển khơi khi đang đi tìm “Hành lang Tây Bắc” sắp được làm sáng tỏ.
Sự mất tích của hai con tàu này trong 169 năm qua đã khiến các nhà nghiên cứu lịch sử Hải quân phải dày công tìm hiểu.
“Hành lang Tây Bắc” là một tuyến đường biển đi qua Bắc Băng Dương, dọc theo bờ biển phía bắc của lục địa Bắc Mỹ, đi qua các quần đảo Bắc Cực của Canada để kết nối với Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương. Từ lâu, các nhà thám hiểm đã cho rằng đây là một tuyến đường thương mại có thể giúp thông thương Âu - Á.
Hai con tàu thám hiểm HMS Erebus và HMS Terror cùng 2 thuyền trưởng và 129 thủy thủ được nhìn thấy lần cuối ở vùng biển phía bắc Canada hồi tháng 7/1845.
Người ta tin rằng hai con tàu sau đó đã bị mắt kẹt giữa biển băng và đoàn thủy thủ thậm chí đã đói rét đến mức phải… ăn thịt người chết. Những câu chuyện rùng rợn, những suy đoán kinh hoàng đã được sản sinh từ bấy đến nay.
Tuy vậy, số phận thực của hai con tàu vẫn chưa được biết tới rõ ràng cho tới tận gần đây, khi Thủ tướng Canada khẳng định rằng người ta đã tìm thấy một trong hai con tàu nằm lại dưới đáy eo biển Victoria, gần đảo King William, Nuvavut, Canada.
Hình ảnh được đưa ra vào thứ 3 vừa qua cho thấy một con tàu nằm dưới đáy biển ở miền bắc Canada.
Hiện tại, người ta vẫn chưa thể xác định đây là con tàu nào trong hai con tàu xấu số.
Cả hai con tàu đều khởi hành từ London với hy vọng tìm ra tuyến đường thương mại tiềm năng.
Nỗ lực tìm kiếm hai còn tàu của Anh bị mất tích đã được Canada tiến hành từ năm 2008. Các nhà khảo cổ đánh giá rất cao tầm quan trọng của phát hiện này. Tàu Erebus khi đó do John Franklin làm thuyền trưởng còn tàu Terror do Francis Crozier chỉ huy.
Kể từ khi hai con tàu mất tích cho tới nay, người ta không biết chắc chắn điều gì đã xảy ra đối với đoàn thủy thủ. Các chuyên gia cho rằng hai con tàu này đã bị mắc kẹt ở vùng biển băng gần đảo King William. Có thể đoàn thủy thủ đã quyết định rời bỏ con tàu trong một nỗ lực vô vọng mong có thể tìm tới nơi có đông người dân bản địa sinh sống để được giúp đỡ.
Hai con tàu HMS Terror và HMS Erebus được khắc họa trong một bức tranh.
Nhà thám hiểm người Anh John Franklin đã dẫn dắt chuyến hành trình nguy hiểm này.
Những bí ẩn đằng sau số phận của đoàn thủy thủ vẫn luôn thách thức các nhà nghiên cứu. Trong một bức phác họa cổ, họa sĩ đã khắc họa khả năng mà nhiều nhà nghiên cứu từng đưa ra, đó là tàu bị mắc kẹt bởi băng dày và các thủy thủ lần lượt chết vì đói.
Chân dung một số thủy thủ tham gia chuyến thám hiểm.
Một số thiết bị và dụng cụ mà các thủy thủ mang theo trong chuyến hành trình.
Một bức vẽ minh họa cho thấy đội tìm kiếm đang nghỉ tạm sau một ngày đi tìm đoàn thủy thủ bị mất tích hồi năm 1880.
Cuối thập niên 1870, một đội thám hiểm do đại úy người Mỹ Frederick Schwatka dẫn đầu, khi tới gần nơi mà người ta vừa tìm thấy xác tàu, đã phát hiện ra một cuốn tài liệu từng được chính tay nhà thám hiểm Franklin viết, trong đó ghi lại đầy đủ chặng hành trình của đoàn.
Đồng thời, vị thuyền trưởng cũng cho biết rằng ngày 12/9/1846, hai con tàu đã bị mắc kẹt vì băng quá dày ở khu vực gần đảo King William, họ buộc phải ở lại đây trong suốt hai mùa đông từ tháng 9/1846 đến tháng 4/1848.
Trong cuốn tài liệu này, có một thông tin được ghi chép vội rằng thuyền trưởng Franklin qua đời ngày 11/6/1847 nhưng không ghi nguyên nhân cụ thể, quyền chỉ huy được chuyển giao cho Francis Crozier. Từ bỏ hai con tàu bị mắc cạn trong băng tuyết, ngày 22/4/1848, 105 người còn sống sót đã theo Crozier rời tàu đi tìm cứu tế.
Số phận của những con người sống sót này về sau được biết tới qua lời kể của một số thổ dân Inuit sinh sống ở khu vực này. Một số thổ dân khẳng định rằng họ đã gặp đoàn thám hiểm, rằng các thành viên trong đoàn đã quá đói đến mức phải ăn thịt người chết. Các thổ dân Inuit cũng không biết về sau, số phận những người này ra sao.
Việc hai con tàu này bị mất tích từng là một sự kiện gây chấn động ở Anh hồi giữa thế kỷ 19. Việc tìm ra Hành lang Bắc Cực từ trước đó đã khiến các nhà thám hiểm “đau đáu” suốt nhiều thế kỷ, bắt đầu từ chuyến thám hiểm của John Cabot hồi năm 1497.
Sau cùng, người ta cũng có thể khẳng định có tồn tại một hành lang Tây Bắc nhưng nó quá gần điểm cực nên gây nhiều khó khăn cho việc di chuyển trong thực tế.
Nhà thám hiểm người Ý John Cabot cũng đã qua đời năm 1498 trong khi đang thực hiện chuyến hành trình. Không có chuyến thám hiểm nào thành công từ thời John Cabot cho tới mãi sau này, khi nhà thám hiểm người Na Uy Roald Amundsen hoàn tất chuyến hành trình kéo dài 3 năm từ 1903-1906.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail