Tìm ra danh tính kiến trúc sư thiết kế Tháp Nghiêng Pisa
(Dân trí) - Các học giả đã giải mã được bí ẩn về người thiết kế nên Tháp Nghiêng Pisa sau khi dịch được những dòng chữ cổ khắc trên đá.
Công trình Tháp Nghiêng Pisa nằm ở thành phố Pisa (Ý) đã nổi tiếng trên khắp thế giới, vậy nhưng danh tính của người kiến trúc sư thiết kế nên công trình ấy vẫn còn là một bí ẩn đối với hậu thế.
Các học giả người Ý mới đây đã đưa ra thông tin về người được cho là đã thiết kế nên Tháp Nghiêng Pisa dựa trên những phân tích đối với một phiến đá bí ẩn có khắc những dòng chữ cổ được chôn ở chân công trình. Phiến đá từng được tìm thấy hồi năm 1838.
Phiến đá được cho là thuộc về vị kiến trúc sư sinh sống ở thành phố Pisa hồi thế kỷ 12 - ông Bonanno Pisano. Phiến đá có khắc tên của vị kiến trúc sư viết bằng tiếng Latinh.
Các nhà khảo cổ học đến từ trường Đại học Scuola Normale Superiore, một ngôi trường danh tiếng ở Pisa đã tìm cách giải mã hai dòng chữ còn lại khắc trên phiến đá vốn đã không còn nguyên vẹn, giờ đây, họ tin rằng kiến trúc sư Bonanno Pisano đích thực là kiến trúc sư đứng sau công trình nổi tiếng thế giới này.
Các nhà nghiên cứu cho hay, bên cạnh tên đầy đủ của vị kiến trúc sư, 2 dòng chữ khắc trên phiến đá có nội dung như sau: “Tôi đã dựng nên công trình kỳ diệu này. Tôi là công dân của Pisa, tên là Bonanno”. Trước đây đã có nhiều tranh luận kéo dài hàng thế kỷ về việc ai là người đứng sau công trình độc đáo này.
Trong số những cái tên thường được đề cập đến có các kiến trúc sư Gherardo di Gherardo và Giovani di Simone. Bonanno Pisano cũng đã từng được nhắc tới.
Bà Giulia Ammannati, người tham gia vào nghiên cứu lần này cho hay: “Những từ ngữ bằng tiếng Latinh dùng trong bản khắc trên đá cho thấy tất cả niềm tự hào của kiến trúc sư Bonanno Pisano. Ông đã dựng nên tòa tháp với niềm tin chắc chắn về vẻ đẹp ấn tượng của nó và tự tin rằng đây sẽ là một công trình đáng kể”.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực cổ tự học, bà Giulia Ammannati chuyên nghiên cứu về các chữ viết cổ. Theo bà Giulia, bởi tòa tháp đã gặp phải những vấn đề kỹ thuật ngay từ giai đoạn đầu, nên những dòng chữ đầy tự hào tạc trên đá của kiến trúc sư Bonanno đã bị đem vứt bỏ dưới chân tòa tháp.
Ngoài việc là một kiến trúc sư, ông Bonanno cũng là một nghệ sĩ điêu khắc, ông đã từng thực hiện những cánh cửa bằng đồng cho một số thánh đường. Tháp Nghiêng Pisa bắt đầu được xây dựng vào năm 1173 nhưng trước khi tầng thứ 3 được hoàn thành, hiện tượng bị nghiêng đã lộ ra bởi nền đất yếu, mặc dù vậy, sau giai đoạn đình trệ, công việc lại được tiếp tục và hoàn thành ở thế kỷ 14.
Tận dụng độ nghiêng của tòa tháp, nhà khoa học Galileo Galilei đã từng đến đây để thực hiện nhiều thí nghiệm. Tòa tháp vẫn tiếp tục tăng độ nghiêng qua thời gian, nhiều biện pháp sửa chữa đã được tiến hành, bao gồm việc thay thế đất nền dưới chân tòa tháp, thêm những trụ chống và thanh giằng ở tầng 3, thêm cả dây cáp giúp tăng độ chống đỡ cho tòa tháp.
Công trình vốn là tháp chuông của nhà thờ lớn Pisa, tổng thể công trình nằm trên một diện tích đất vốn được biết đến với tên gọi “Campo dei Miracoli”, tức “Cánh đồng kỳ diệu”.
Theo phán đoán của các nhà nghiên cứu, hẳn lúc sinh thời, kiến trúc sư Bonanno Pisano đã rất khủng hoảng khi chứng kiến công trình mà mình thiết kế bị nghiêng. Sự việc đã khiến hoạt động xây dựng bị ngưng lại ở thời điểm 5 năm sau khi khởi công hồi năm 1173.
Kiến trúc sư Bonanno đã qua đời và nghĩ rằng công trình tháp chuông bị nghiêng này là một sự thất bại và nỗi xấu hổ trong sự nghiệp của mình. Ông chắc không thể nào hình dung nổi giờ đây nó lại là một công trình nổi tiếng thế giới, rất hấp dẫn du khách quốc tế.
Hẳn ông Bonanno đã quá thất vọng tới mức phiến đá khắc những dòng chữ đầy tự hào khẳng định ông là người thiết kế nên tòa tháp đã bị đem chôn dưới chân công trình “thất bại”.
Điều này giúp lý giải tại sao phiến đá bị đem chôn dưới chân công trình thay vì được dựng lên đầy vinh dự ở một vị trí khác. Hẳn Bonanno đã muốn vai trò của mình đằng sau công trình này bị lãng quên theo thời gian.
Bà Giulia Ammannati chia sẻ: “Tôi tin rằng kiến trúc sư Bonanno hẳn đã nghĩ đây là một thất bại trong sự nghiệp của ông và không còn muốn tên ông gắn liền với công trình này nữa. Từ niềm tự hào, ông chuyển sang xấu hổ và âm thầm cho đem chôn phiến đá xuống chân công trình”.
Bích Ngọc
Theo Telegraph/The Times