Tìm hiểu về củ sâm đất có vẻ ngoài như khoai lang, mùi vị giống nhân sâm
(Dân trí) - Củ sâm đất có về ngoài giống khoai lang nhưng bên trong có màu vàng nhạt, bạn ngửi thì sẽ thấy mùi hơi giống nhân sâm.
Sâm đất (khoai sâm) có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Ăn sống thì sẽ thấy vị ngọt mát, nước nhiều. Khi nấu canh thì dẻo thơm, ngọt cực kỳ. Cả thân, rễ của cây sâm đất đều có thể sử dụng như một vị thuốc trong Đông y. Củ sâm đất có vị ngọt thanh, bồi bổ và bù nước cho cơ thể hiệu quả, giúp giảm bớt cảm giác khát nước, mệt mỏi cho người ốm.
Sâm đất được trồng nhiều ở Lào Cai. Vài năm gần đây, giới nội trợ Hà thành đều mê tít, săn lùng thứ đặc sản này. Ngoài có giá thành rẻ như khoai lang, sâm đất còn được quảng cáo là có nhiều công dụng như giải nhiệt, làm đẹp da, giảm béo, hỗ trợ tiểu đường, hạ đường huyết. Hiện giá bán ra cho mỗi cân sâm đất dao động từ 15.000 - 30.000 đồng.
Trong dân gian người ta sử dụng lá sâm đất để nấu canh ăn hoặc đun nước để thanh nhiệt, bớt nóng trong và bồi bổ cơ thể. Sâm đất vốn là một loài cây ưa ẩm như vẫn cần nhiều ánh nắng. Đặc biệt cây sâm đất rất dễ trồng và chăm sóc, có thể cho thu hoạch quanh năm và đem lại nguồn thu lớn.
Sâm đất là loại cây thân thảo mọc đứng, chiều cao trung bình khoảng 60-70 cm. Lá cây có hình trái xoan thuôn, cuống rất ngắn, phiến lá sâm đất hơi dày, mép lá có hình lượn sóng và xanh bóng cả hai mặt, mọc so le nhau. Cây sâm đất có hoa màu hồng nhỏ, xếp thành từng chùm thưa mọc ở ngọn thân và các nhánh Hoa sâm đất nở độ tháng 6-7. Quả sâm đất nhỏ khi chín có màu xám tro. Hạt sâm đất rất nhỏ, dẹt thường cho thu hoạch hạt khoảng tháng 9-10.
Cây sâm đất có thể trồng từ hạt hoặc trồng từ thân hoặc củ giống (hay còn được gọi là trồng từ hom). Mỗi cách trồng đều có sự khác nhau và cách chăm sóc sao cho phù hợp.
Gieo bằng hạt
Hạt giống mua về trước khi ngâm nước trong khoảng 6 - 8 giờ. Sau đó vớt ra để làm ráo rồi dùng que đo lỗ sâu 1cm rồi cho hạt vào (2 - 3 hạt / lỗ). Khi gieo hạt xong thì kín đất, dùng lưới che nắng cho hạt và vòi nước phun nhẹ.
Trồng bằng hom
Hom giống nên chọn từ thân hoặc củ cây mẹ. Lấy từ đoạn gốc đến hết phần bánh tẻ của thân (hạn chế lấy phần ngọn quá non, dễ bị thối gốc khi giâm). Chiều dài mỗi hom khoảng 10 - 20cm. Mỗi hom có từ 3 - 4 mắt lá, tỉa bớt lá trên hom chừa khoảng 1/3 lá, đem giâm vào luống. Thường xuyên tưới ẩm. Sau khi giâm 10 - 15 ngày hom bắt đầu có rễ thì đem trồng. Khoảng cách trồng giữa các cây là 20cm. Sau khi trồng xong tưới nước giữ ẩm cho cây
Cách chăm sóc cây sâm đất
Sau khi tiến hành trồng xong cây sâm đất yếu tố đầu tiên cần nghĩ tới đó chính là nước tưới. Mặc dù đây là cây dễ phát triển nhưng nếu thiếu nước nó cũng nhanh chóng héo úa và chết, do đó phải tưới nước thường xuyên trong những ngày đầu tiên trồng cây sâm đất.
Yếu tố thứ 2 cũng không thể thiếu đó là bón phân. Bởi phân chính là nguồn dinh dưỡng nuôi cây phát triển nếu không bón cây sẽ nhanh còi cọc và đổ bệnh không thể phát triển được. Phân bón cho cây sâm đất rất đơn giản, người trồng có thể tận dụng được nếu có vườn nuôi vịt, gà, bò...
Thu hoạch cây sâm đất
Trồng cây sâm đất rất nhanh được thu hoạch nhưng cũng tùy vào mức độ chăm sóc sẽ khiến cây phát triển nhanh. Tuy nhiên khi quan sát cây cao khoảng 20 đến 30cm là đã có thể thu hoạch được.