Tiếp tục khai quật khảo cổ ở đền Trần - chùa Phổ Minh

(Dân trí) - Bộ VHTTDL vừa cho phép Sở VHTTDL tỉnh Nam Định phối hợp với Viện Khảo cổ học mở rộng khai quật tại khu vực cánh đồng Nội cung thuộc Khu di tích đền Trần - Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định trong thời gian từ ngày 1/12 đến ngày 31/12.

Ngày 28/11, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã ký ban hành quyết định về việc mở rộng khai quật khảo cổ.

Theo đó, Bộ VHTTDL cho phép Sở VHTTDL tỉnh Nam Định phối hợp với Viện Khảo cổ học mở rộng khai quật tại khu vực cánh đồng Nội cung thuộc Khu di tích đền Trần - Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định trong thời gian từ ngày 1/12 đến ngày 31/12. Diện tích khai quật là 200m2 (gồm 02 hố). Chủ trì khai quật là ông Trần Anh Dũng, Viện Khảo cổ học.

Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Khu di tích đền Trần - Nam Định. Ảnh: TL.
Khu di tích đền Trần - Nam Định. Ảnh: TL.

Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Nam Định để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng tỉnh Nam Định, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 3 tháng, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và sau 01 (một) năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.

Khi công bố kết quả của đợt khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi với Cục Di sản văn hóa. Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra đợt khai quật nói trên đúng với nội dung quyết định.

Trước đó, từ ngày 30/3 đến ngày 30/6, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đã phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tại Khu vườn Ươm và cánh đồng Nội Cung trên diện tích 405m2. Đợt khai quật này đã tiến hành mở 5 hố với diện tích 405 m2, trong đó có 4 hố khai quật chính và 1 hố thám sát. Các hố khai quật được hoạch định ở góc phía Đông Nam của cánh đồng Nội Cung, nơi có mặt bằng cao hơn.

Khai quật khảo cổ trên cánh đồng Nội Cung thuộc di tích đền Trần hồi tháng 6/2016. Ảnh: VKC.
Khai quật khảo cổ trên cánh đồng Nội Cung thuộc di tích đền Trần hồi tháng 6/2016. Ảnh: VKC.

Hiện vật thu được trong cuộc khai quật khảo cổ này khá nhiều trong đó chiếm số lượng lớn nhất là những mảnh sành vỡ nhỏ, nhiều khả năng là từ các trụ móng kiến trúc.

Với việc phát hiện ra 2 dấu vết lầu bát giác đã phần nào phản ánh tính chất của nơi này, đó là nơi nghỉ dưỡng, thư giãn của các vua Trần, mà trước đây chúng ta mới chỉ biết đến khu vực phía Tây của cung Trùng Hoa.

Lần đầu tiên, dấu vết của lầu bát giác thời Trần đã được phát hiện, đặc biệt lại nằm trên đất Nam Định. Bố cục kiến trúc của dấu vết này là tư liệu tốt để so sánh với lầu bát giác thời Lý đã phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Các lầu thời Lý thường là lầu đơn. Lầu thời Trần ở khu vực Nội Cung lại là lầu đôi, đó cũng là đặc trưng của văn hóa Trần ở Nam Định.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm