“Tiếng hú thế kỷ” xuất hiện trở đi trở lại trong các nhạc phẩm pop

(Dân trí) - Một khi bạn đã biết đến thanh âm này, kể từ đây, bất cứ khi nào bạn nghe một nhạc phẩm pop, bạn đều sẽ nhận thấy thanh âm này xuất hiện…

Cảnh trong MV “California Gurls” - Katy Perry
Cảnh trong MV “California Gurls” - Katy Perry

Không có gì mới lạ khi bạn cảm nhận rằng, dường như các nhạc phẩm pop hiện nay có gì đó pha trộn lẫn nhau, không có sự khác biệt rõ ràng và nhiều khi các bài hát cứ “na ná” nhau. Thực tế, khoa học đã chứng minh rằng sự kết hợp giữa các nốt nhạc trong các bài hát pop đã đánh mất dần đi sự đa dạng của thanh âm trong vòng 50 năm qua.

Các nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, các hãng đĩa, hãng thu âm… đều đã tìm ra những công thức nhất định dành cho một nhạc phẩm pop ăn khách, bắt tai, và kết quả là có nhiều bản hit nghe “na ná” nhau, hoặc sau khi nghe nhiều bài hát, một thời gian sau bạn bỗng “quên béng” mất giai điệu dù có thể đã từng khá thích và hay nghe một nhạc phẩm nào đó.

Cảnh trong MV “Really Don’t Care” - Demi Lovato
Cảnh trong MV “Really Don’t Care” - Demi Lovato

Lý do là bởi nhiều nhạc phẩm hiện nay được sản xuất theo công thức “mì ăn liền”. Mới đây, người ta còn phát hiện ra rằng nhạc pop Anh - Mỹ đương đại có chung một thanh âm đặc trưng đã xuất hiện trong khá nhiều nhạc phẩm đình đám từ vài năm trở lại đây.

Chi tiết này thoạt tiên được nhạc sĩ người Đức - Patrick Metzger - phát hiện ra và gọi thanh âm xuất hiện trở đi trở lại này là “The Millenial Whoop” (tạm gọi: “Tiếng hú thế kỷ”).

Cảnh trong MV “Good Time” - Carly Rae Jepsen
Cảnh trong MV “Good Time” - Carly Rae Jepsen

Ngay sau đó, các trang tin âm nhạc đều đăng tải lại “phát hiện” thú vị của nhạc sĩ Patrick Metzger. Theo Metzger, “tiếng hú thế kỷ” là một âm “Oh” chạy dài trên một nhóm nốt nhạc luân chuyển cao độ. Nghe miêu tả có thể khó hiểu, nhưng sau khi xem đoạn video clip lý giải dưới đây, những người thường nghe nhạc pop quốc tế sẽ ngay lập tức nhận ra âm giai đó.

Bạn sẽ lập tức nhận ra rằng mình đã nghe thấy thanh âm quen thuộc này lặp đi lặp lại qua rất nhiều nhạc phẩm.

Trong khi người nghe nhạc pop đương đại đã quá quen với “tiếng hú thế kỷ”, thì thực tế, “tiếng hú” mới chỉ được đưa vào các nhạc phẩm pop kể từ hồi thập niên 1980, chẳng hạn như trong “Jungle Love” của ban nhạc Mỹ The Time hay “Tarzan Boy” của ban nhạc Ý Baltimora.

Để minh chứng cho sự xuất hiện trở đi trở lại của “tiếng hú thế kỷ”, nhạc sĩ Patrick Metzger đã liệt kê ra một số bài hát có sự xuất hiện của âm giai này, như: “Good Time” - Carly Rae Jepsen thể hiện (ngay ở đầu bài), “Really Don’t Care” - Demi Lovato thể hiện (ở đoạn 1:00), “California Gurls” - Katy Perry (ở đoạn 1:05), Fall Out Boy - “She’s My Winona” (0:14), Fifth Harmony - “Anything is Possible” (0:20), Chris Brown - “Turn Up the Music” (1:30)…

“Tiếng hú thế kỷ” xuất hiện trở đi trở lại trong các nhạc phẩm pop

Bích Ngọc
Theo Quartz