“Tiến về Hà Nội" - ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày Giải phóng Thủ đô

(Dân trí) - Trong số rất nhiều ca khúc viết về Hà Nội thì “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày Giải phóng Thủ đô. Nói “kỳ lạ” bởi ca khúc được sáng tác vào năm 1949, tức là ra đời trước 5 năm khi Hà Nội hoàn toàn được giải phóng.

Ra đời trước 5 năm mà trùng khớp kỳ lạ

Theo nhiều nhạc sĩ thì “Tiến về Hà Nội” được xem như một bài hát mang tính dự báo về ngày Giải phóng Thủ đô nhưng lại trùng khớp một cách kỳ lạ với những gì đã diễn ra sau đó. Vào tháng 10/1954, Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản và hình ảnh những đoàn quân “đi như sóng” tiến về Hà Nội đẹp không khác gì lời bài hát mà nhạc Văn Cao đã viết từ trước đó: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.

Hình ảnh các đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô năm 1954. Ảnh: TL.
Hình ảnh các đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô năm 1954. Ảnh: TL.

Đặc biệt, những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội và các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành càng “đúng như in” với những gì vị nhạc sĩ tài ba đã hình dung.

Trong những tư liệu hiếm hoi còn lại, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Tiến về Hà Nội” rằng, vào cuối năm 1948, ông được lệnh điều về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Cùng đi với ông thời đó còn có nhà văn Nguyễn Đình Thi và hoạ sĩ Tô Ngọc Vân. Vì hoàn cảnh chiến tranh lúc đó là "thời kỳ cầm cự" có thể chiến tranh kéo dài không biết đến bao giờ nên ông đã mang theo vợ con vượt đường số 6 đi bộ gần một tháng mới về đến chợ Đại thuộc huyện Ứng Hòa, Sơn Tây nay là Hà Nội. Đây từng được xem là “thủ phủ” của các văn nghệ sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

“Về tới chợ Đại chúng tôi phải đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Riêng về nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội.

Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: "Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm. Làm mình rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi. Riêng bài sông Lô có đoạn như "Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: Đây Vôn-ga đây Dương Tử đây sông Lô đây sóng căm hờn vút cao...". Không những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ. Vậy nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!".

Cố nhạc sĩ Văn Cao đã để lại nhiều tác phẩm âm nhạc bất hủ. Ảnh: TL.
Cố nhạc sĩ Văn Cao đã để lại nhiều tác phẩm âm nhạc bất hủ. Ảnh: TL.

Khi anh Đạo tiễn tôi ra về anh đã khoác tay tôi đi trên đường làng một quãng dài anh thủ thỉ nói với tôi "Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân thủ đô đấy".

Đêm hôm ấy tôi ra về đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài "Tiến về Hà Nội" đã đến với tôi "Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về..." Chỉ hai tuần lễ sau đó tôi đã viết xong ca khúc "Tiến về Hà Nội" khi ấy là mùa xuân 1949. Bài hát "Tiến về Hà Nội" của tôi đã được anh Khuất Duy Tiến cho in vào tờ báo Thủ đô hồi ấy”, cố nhạc sĩ “Tiến quân ca” đã kể lại.

Lời tiên đoán lịch sử chân xác

Theo hoạ sĩ Văn Thao – con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao thì vào thời điểm đó nhạc sĩ còn sáng tác bài “Tổng phản công” nhưng do ca khúc “Tiến về Hà Nội” tạo tiếng vang lớn nên bài hát “Tổng phản công” ít được nhắc tới.

Hoạ sĩ Văn Thao cho biết thêm, vào cuối năm 1949, thực dân Pháp bất ngờ mở trận càn lớn ở Hà Nam Ninh (nay là Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam), đánh lên khu vực Hòa Bình. Để bảo toàn lực lượng, toàn bộ lực lượng văn nghệ khu 3 ta phải rút lui, nhạc sĩ Văn Cao cùng với một số nghệ sĩ khác di chuyển sang Thái Bình. Tại đây, đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng bài “Tiến về Hà Nội” phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương vì thế bài hát lan nhanh khắp nơi. Nhưng cũng ngay sau đó, ca khúc bị cất đi do quan điểm được cho là chưa hợp với thời cuộc lúc bấy giờ. Mãi tới ngày Giải phóng Thủ đô, “Tiến về Hà Nội” mới được khơi dậy và vang lên khắp nơi.

Chỉ tiếc rằng, chính trong ngày các đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô và ca khúc của ông được vang lên “đường đường chính chính” thì tác giả lại không có mặt để chứng kiến giờ phút thiêng liêng này. Thời điểm đó, nhạc sĩ Văn Cao theo phái đoàn Văn hóa cứu quốc đầu tiên của Việt Nam sang thăm Liên Xô và Trung Quốc.

Những hình ảnh về ngày giải phóng Thủ đô đã đi vào lịch sử. Ảnh: TL.
Những hình ảnh về ngày giải phóng Thủ đô đã đi vào lịch sử. Ảnh: TL.

Nhiều người cho rằng, nếu ca khúc “Người Hà Nội” là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” là lời reo vui của ngày chiến thắng. Bài hát được viết theo thể loại hành khúc đem lại không khí sôi nổi đầy khí thế, nghe trong câu hát có nhịp chân hành quân gấp gáp đầy kiêu hãnh, xôn xao, hạnh phúc giữa cả rừng cờ hoa chào đón hân hoan.

Nhạc sĩ Huy Hoàng cho rằng: "Tiến về Hà Nội" là một lời tiên đoán lịch sử thật chính xác nhưng có lẽ có một điều quan trọng hơn: đây một tác phẩm âm nhạc xuất sắc. Một lời tiên đoán đúng đến mấy thì chỉ sau khi sự việc xảy ra nó mới được kiểm chứng, còn một tác phẩm âm nhạc thì được kiểm chứng từng giây từng phút sau khi ra đời.

Ca khúc đã được yêu mến, được hát vang trên những con đường Hà Nội trong ngày giải phóng 10/10, trong những năm tháng "mịt mù bão lửa" cho đến "một thời hòa bình". "Tiến về Hà Nội"vẫn tràn sức sống cho tới tận ngày nay, bởi nó mang lại cho người nghe một cảm giác lạc quan tin tưởng và hạnh phúc khó tả”.

Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn được nhiều người yêu mến. Âm thanh của ca khúc vẫn thường xuyên vang lên, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10. Ca khúc như đã trở thành một “khúc ca khải hoàn” của người Hà Nội trong ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

TIẾN VỀ HÀ NỘI

Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng

cờ ngày nào tung bay trên phố

Trùng trùng say trong câu hát lấp lánh lưỡi lê sáng ngời

Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về

Cả cuộc đời tươi vui về đây

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về

Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào

Chảy dòng sương sớm long lanh

Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa

Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu

Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay

Những xuân đời mỉm cười vui hát lên

Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần

Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về

Hà Nội bừng tiến quân ca

Hà Tùng Long