Tiếc phố cổ Hà Nội, phục tỷ phú Việt ở Campuchia

..."Di sản văn hóa, suy cho cùng là nền tảng, yếu tố cần. Yếu tố đủ để khai thác mang lại nguồn lợi cho kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển theo xu hướng bền vững, phụ thuộc chính vào con người"

Một góc nhìn khác của kinh doanh văn hóa và văn hóa kinh doanh mà du lịch được xem là một trong những ngành kinh doanh văn hóa mũi nhọn...15 năm hoạt động trong ngành du lịch, nhà văn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn có nhiều suy nghĩ xung quanh câu chuyện kinh doanh văn hóa của du lịch Việt Nam.

Vừa rồi câu chuyện Hội An tổ chức thu phí khách tham quan gây nhiều ý kiến trái ngược. Người nói cần, để góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản phố cổ. Người phản đối, cho rằng điều này sẽ làm hạn chế khách tới Hội An, nhất là người dân, những người mặc nhiên phải được hưởng thụ các giá trị di sản của cha ông mình. Có gì đó chưa được hài hòa giữa chuyện kinh doanh và hưởng thụ các giá trị văn hóa, anh có nghĩ vậy không?

Sẽ thật lý tưởng nếu Hội An không bán vé mà mở cửa cho du khách tự do tham quan! Nhưng đó là chuyện hoàn toàn không khả thi, nhất là trong thời điểm hiện nay và đặc thù kinh doanh và bảo tồn Hội An.

Nhà văn Tiến Đạt

Nhà văn Tiến Đạt

Thực ra, chuyện thu phí hay miễn phí của các tuyến điểm tham quan tùy vào đặc thù sản phẩm, ngân sách của địa phương, của tuyến điểm, chứ không có chuyện đúng hay sai. Tôi đi Hội An nhiều lần, thấy việc thu phí là chính đáng, nhất là dành cho công tác tôn tạo bảo tồn di tích. Nếu Hội An chỉ chờ ngân sách từ Trung ương hay của tỉnh Quảng Nam, có khi Hội An đã biến thành một điểm đến nghèo nàn, kém chất lượng, chứ không phải là một tuyến điểm dễ thương, và được giới du lịch bình chọn là điểm hoạt động chuyên nghiệp nhất, giữ được hồn cốt nhất trong các tuyến điểm du lịch Việt Nam.

Các điểm tham quan nổi tiếng trên thế giới hầu hết bán vé. Họ kinh doanh cả các điểm thờ thánh thần, chính khách, chứ không riêng gì di sản văn hóa. Thậm chí, họ bán vé giá cao, và hạn chế số người vào tham quan (quy định một ngày chỉ bấy nhiêu người), vì sự quá tải có nguy cơ làm hư hại, xuống cấp di tích.

Theo anh, hiện nay chúng ta khai thác các di sản vật thể đã hợp lý hay chưa?

Một câu hỏi quá vĩ mô, quá tầm kiểm soát của tôi (cười)! Tôi sẽ trả lời với phương diện sự hiểu biết của một du khách/lữ khách hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Xu hướng phát triển du lịch nói chung và loại hình du lịch văn hóa nói riêng trên thế giới đã và đang đi vào quỹ đạo phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích khai thác trước mắt và việc bảo tồn mang tính lâu dài.

Hội An có cách kinh doanh, bảo tồn di sản văn hóa khá bài bản. Ảnh: Tiến Đạt

Hội An có cách kinh doanh, bảo tồn di sản văn hóa khá bài bản. Ảnh: Tiến Đạt

Việt Nam chúng ta hiện có nhiều di sản vật thể, trong đó có những di sản vật thể đã được UNESCO công nhận, gồm cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long và thành nhà Hồ. Ba di sản cố đô Huế, Hội An và Mỹ Sơn đã và đang được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, hoạt động khá hiệu quả nếu xét về mặt kinh doanh, đóng góp cho xã hội, đặc biệt góp phần đa dạng, phong phú hóa sản phẩm du lịch VN.

Cố đô Huế, phố cổ Hội An..., từng tuyến điểm đã có cách làm riêng trong xu hướng phát triển bền vững. Tôi nghĩ rằng, các nhà quản lý văn hóa, du lịch các tuyến điểm đều ý thức, nhận thức đầy đủ điều này. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thành công.

Cố đô Huế phạm vi khá rộng, khá thành công trong việc quảng bá thương hiệu thông qua các kỳ festival tổ chức khá quy mô, chuyên nghiệp trong thời gian vừa qua, nhưng có nhận xét trong những năm gần đây đã có xu hướng thương mại hóa, sân khấu hóa lễ hội, thiếu vắng sự tham gia sâu rộng của cộng đồng người dân bản địa - yếu tố tạo ra hồn và thành công của sản phẩm du lịch văn hóa.

Hội An nằm trong không gian nhỏ hơn, có cách kinh doanh, bảo tồn khá bài bản. Tôi thích cách làm của Hội An, có lẽ phụ thuộc nhiều vào cảm tính, cảm tình. Vì đến với Hội An, nhiều du khách Việt như tôi có cảm giác như được trở về mái nhà xưa, thời ấu thơ, với phố nhỏ, mái ngói rêu phong, con người hiền hòa thân thiện. Hình ảnh Hội An có ảnh hưởng ít nhiều trong việc thu phí vừa qua, nhưng yếu tố này chỉ là sai sót của những người thực thi công vụ. Hội An đã rất cầu thị và xử lý tốt việc này.

Hội An có cách kinh doanh, bảo tồn di sản văn hóa khá bài bản. Ảnh: Tiến Đạt

So với nhiều khu phố cổ trên thế giới, phố cổ Hà Nội có nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả

Để phát huy các giá trị văn hóa của di sản, đồng thời khai thác các nguồn lợi kinh tế, du lịch mà di sản để lại, với cá nhân người có nhiều năm làm du lịch, theo anh cần những điều kiện gì?

Di sản văn hóa, suy cho cùng là nền tảng, yếu tố cần. Yếu tố đủ để khai thác mang lại nguồn lợi cho kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển theo xu hướng bền vững, phụ thuộc chính vào con người. Con người tạo ra văn hóa, gìn giữ, phát huy, nhưng cũng chính con người hủy hoại, làm mai một văn hóa nếu không có chiến lược mang tính dài hạn và có tâm với cộng đồng, xã hội.

Để làm tốt điều này, theo kinh nghiệm của các quốc gia có thế mạnh kinh doanh và bảo tồn văn hóa bài bản, thì phải có sự kết hợp đồng bộ từ nhận thức của cấp lãnh đạo, ý thức của cộng đồng người dân sở tại, và sự cùng tham gia hưởng ứng của doanh nghiệp du lịch, du khách, những người thưởng thức, thưởng lãm. Để người dân ý thức và các doanh nghiệp du lịch, du khách cùng tham gia hưởng ứng, đòi hỏi các nhà quản lý phải đưa ra các định chuẩn, quy định, chế tài và khen thưởng phù hợp.

Hội An có cách kinh doanh, bảo tồn di sản văn hóa khá bài bản. Ảnh: Tiến Đạt

Cụm đền Angkor chỉ bán vé khách nước ngoài, miễn phí khách trong nước. Đây là chính sách kinh doanh khôn ngoan, hợp lòng dân của một tỷ phú Việt Nam mang tầm quốc tế

Với những địa danh, di sản mà anh từng đến, nơi nào khiến anh cảm thấy tiếc khi chưa phát huy đúng tầm mà địa danh đó lẽ ra phải nhận được?

Phố cổ Hà Nội là điểm du lịch làm cho những người yêu du lịch Việt Nam chúng ta đều cảm thấy tiếc nuối, khi chưa được đưa vào khai thác hiệu quả và mang lại giá trị lớn hơn cho du khách và cộng đồng. Trong khi, so với những khu phố cổ nhiều nước trên thế giới chúng tôi có dịp đi qua, có thể nói phố cổ Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh.

Còn đối với những tuyến điểm du lịch văn hóa nổi tiếng khác như Huế, Hội An, có lẽ sẽ hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn nếu chúng ta tổ chức thêm các chương trình lễ hội, sự kiện mang bản sắc văn hóa là thế mạnh đặc trưng của địa phương, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng và cao cấp của du khách, cũng như phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân địa phương.

Hiện có nhiều thắc mắc rằng: Tại sao ở nhiều nước, ví như Campuchia, họ chỉ thu phí khách nước ngoài, còn người dân bản địa vào tham quan di tích, di sản, bảo tàng hoàn toàn miễn phí. Trong khi chúng ta lại thu phí không trừ một ai. Theo anh, thu phí ngay chính người dân vào tham quan di sản của cha ông để lại có phải là một cách “tận thu” chưa hợp lý?

Cụm đền Angkor chỉ bán vé khách nước ngoài, miễn phí khách trong nước. Tôi cho rằng chính sách này bắt nguồn từ sự khôn ngoan của ông Sokong, chủ quản lý Angkor, quê gốc Đồng Tháp, chủ Tập đoàn Sokimex Invesment Co. nổi tiếng trong giới kinh doanh xăng dầu, du lịch tại Campuchia. Theo giới thạo tin, giá đấu thầu quản lý cụm đền Angkor của ông Sokung khá rẻ nếu so lượng du khách tham quan hàng năm. Với giá vé 1 ngày 20 USD, hàng năm chỉ khách quốc tế đã mang về cho ông chủ quản lý không dưới vài chục triệu USD. Dân Campuchia còn nghèo nên rất khó bỏ ra 20 USD mua vé vào xem, do vậy chính sách rất hợp lòng dân Campuchia của ông Sokong, là kinh nghiệm kinh doanh xương máu của một tỷ phú Việt Nam mang tầm quốc tế.

Theo Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần