Thực hư thông tin bảo tàng tượng sáp nghệ sĩ ở TPHCM lỗ nặng

(Dân trí) - Trước thông tin nhà tượng sáp nghệ sĩ ở TPHCM lỗ hàng trăm triệu sau khi đưa vào hoạt động, chị Nguyễn Thị Diện, giám đốc bảo tàng tượng sáp cho biết, bảo tàng vừa đưa vào hoạt động gần 1 tháng nên chưa thể tính được chuyện doanh thu như thế nào và hiện tại chị còn đang tiến hành nhiều kế hoạch để nhà tượng sáp được nhiều người biết đến.

Vào ngày 11/4/2017 tại TPHCM, Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt được được khánh thành và đưa vào hoạt động với hơn 100 chân dung các văn nghệ sĩ thuộc lĩnh vực: Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc, Múa. Trong đó bao gồm cả những nghệ sĩ còn sống, còn hoạt động như: Thành Lộc, Đại Nghĩa, Hải Phượng, NSND Lê Thiện, Thế Anh, Mỹ Chi, Hồng Tơ, Thúy Hoan... Các nghệ sĩ trẻ: Isaac, Trấn Thành... cùng các nghệ sĩ đã mất, như: cố GS-TS Trần Văn Khê, NSƯT Út Bạch Lan, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Bắc Sơn...

Cố GS-TS Trần Văn Khê được tạc tượng sáp
Cố GS-TS Trần Văn Khê được tạc tượng sáp

Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng hoạt động đã có thông tin công trình với kinh phí lớn này hoạt động không hiệu quả, chưa thu hút và còn có dấu hiện lỗ nặng. PV Dân trí đã nhận được những chia sẻ từ chị Nguyễn Thị Diện, giám đốc bảo tàng về hiệu quả sau thời gian đầu và những kế hoạch tiếp theo để phát triển Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt.

Chị có thể chia sẻ việc kinh doanh của bảo tàng tượng sáp như thế nào sau thời gian khai trương?

Khi quyết tâm đầu tư với số tiền ban đầu trên 30 tỷ, tôi không đặt nặng vấn đề kinh doanh lỗ hay lãi. Mục tiêu ban đầu của tôi muốn quảng bá loại hình nghệ thuật mới nhất đến với công chúng Việt Nam, nếu tính lời lỗ thì tôi đã không dám làm vì vừa bỏ công bỏ sức, bỏ tiền bạc vào đó. Tuy nhiên, bảo tàng vừa đưa vào hoạt động gần 1 tháng nên chưa thể tính được chuyện doanh thu như thế nào.

Nhưng nếu hoạt động không khả thi, liệu chị có tính chuyện phải bù lỗ để duy trì?

Những tháng đầu tôi chấp nhận chưa có nhiều khách vì chưa được nhiều người biết đến. Hiện tại tôi cũng đã liên hệ bên ngành du lịch, mọi việc tiến triển rất tốt và nhiều người thích. Nhưng để đưa được vào du lịch phải hoàn thành mọi thứ để các tour du lịch đến xem thực tế và kết hợp tour, chưa hoàn thành thì không thể thực hiện được.


Chị Nguyễn Thị Diện (thứ 3 từ trái sang) - giám đốc bảo tàng tượng sáp tại TPHCM, cùng các nghệ sĩ, du khách chụp ảnh bên bức tượng sáp cố nhạc sĩ Văn Cao.

Chị Nguyễn Thị Diện (thứ 3 từ trái sang) - giám đốc bảo tàng tượng sáp tại TPHCM, cùng các nghệ sĩ, du khách chụp ảnh bên bức tượng sáp cố nhạc sĩ Văn Cao.

Đến thời điểm hiện tại, bảo tàng đã thực sự hoàn thiện 100% sau khi mở cửa trung bày trước?

Gần nhất chúng tôi có đưa thêm các loại nhạc cụ dân tộc vào trong bảo tàng để tạo thêm sự phong phú, sinh động cho bảo tàng. Tất cả vẫn đang trên đường hoàn thiện để tạo thêm điểm nhấn. Khi xong việc bổ sung sẽ bắt đầu quảng bá mạnh mẽ hơn. Sau thời gian mở hơn một tháng nay, tôi thấy đa số khách đều dành lời khen ngợi nên không quá lo lắng việc kinh doanh lâu dài.

Chị có thể chia sẻ thêm về chi phí hàng ngày để duy trì và hoạt động của bảo tàng?

Chi phí hiện tại cũng không quá cao khi nhân viên chỉ khoảng hơn 10 người. So với số tiền lớn tôi đã bỏ ra thực hiện tượng sáp thì con số này cũng không là gì. Trước mắt tôi muốn giới thiệu đây là loại hình nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam nên không nghĩ số tiền mình bỏ ra nhiều hay ít, chủ yếu cho khán giả biết đến bảo tàng đầu tiên của Việt Nam thực hiện cho các nghệ sĩ Việt nên tôi rất vui và tự hào trong niềm đam mê của mình, tiền bạc tôi chưa tính đến.

Vài tháng đầu tôi chấp nhận việc chi trả chi phí hoạt động, tôi không đặt nặng việc kinh doanh nên chi phí bán vé chủ duy trì bảo tàng tôi đã cảm thấy rất tốt.

Với những lo ngại về việc hoạt động không hiệu quả nên khó duy trì lâu dài chị cảm thấy như thế nào?

Tôi hoàn toàn tự tin với hiệu quả việc kinh doanh này. Tất cả nhà cửa tiền bạc tôi đã tập trung vào đây nên tôi nắm chắc và không lo lắng. Khi kinh doanh tôi ấp ủ sau này giới thiệu đến khán giả Việt Nam còn nhiều hơn. Tôi còn dự kiến thực hiện bảo tàng với 54 dân tộc chứ không chỉ riêng bảo tàng về nghệ nhân, nghệ sĩ Việt.

Một số ý kiến cho rằng việc thực hiện tượng sáp nghệ sĩ đại trà cũng góp phần giảm giá trị của tượng sáp, chị nghĩ như thế nào?

Tôi nghĩ không rằng tôi thực hiện đại trà. Tất cả nghệ sĩ thực hiện chúng tôi đều được tư vấn là những người có đóng góp cho hoạt động nghệ thuật và xứng đáng được làm tượng. Trước mắt loại hình này mới quá, chỉ với tôi và ông xã tập trung cao độ nhưng vẫn còn nhiều nghệ sĩ chưa được làm tượng.

Với một số tượng sáp đưa ra trưng bày sau khai trương nhưng chưa được sự đồng tình và cho rằng không giống, như tượng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trấn Thành. Chị sẽ tiến hành chỉnh sửa và thay đổi như thế nào?

Tất cả các tượng nghệ sĩ trước khi đưa ra trưng bày đều được chính nghệ sĩ hoặc gia đình đến kiểm tra, đối chiếu, nếu họ đồng ý thì tôi mới đem ra trưng bày. Nghệ sĩ nào chưa đến chưa kiểm tra thì tôi vẫn không mang ra. Như tượng của nghệ sĩ Hoài Linh, vì anh Hoài Linh quá bận nên chưa đến dù mọi người dành lời khen nhưng chưa có sự đồng ý của anh tôi cũng chưa mang đến đây. Anh là nghệ sĩ đầu tiên mà chúng tôi thực hiện tượng sáp khi bắt đầu dự án này.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ mà chúng tôi mến mộ nên quyết định thực hiện được. Nhưng do chưa liên lạc được với gia đình khi thực hiện nên chỉ xem qua những bức hình. Khi gia đình chưa đồng ý chúng tôi không mang qua bảo tàng cho khán giả tham quan mà chỉ trưng bày tại công ty.

Sắp tới bảo tàng có tiếp tục thực hiện tượng sáp nào khác?

Hiện chúng tôi đã thực hiên xong phần đo đạc, sắp tới sẽ thực hiện thêm khoảng 50 tượng sáp của nghệ sĩ, như: Lê Cung Bắc, Đào Bá Sơn, Thái Hòa, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Hương Thủy... Bảo tàng lúc nào cũng có tưởng nghệ sĩ mới.

Một số nghệ sĩ bên tượng sáp của chính mình

Lý Hải
Lý Hải
Thành Lộc
Thành Lộc
Nghệ sĩ cải lương Minh Vương
Nghệ sĩ cải lương Minh Vương

Kinh ngạc với tượng sáp Minh Vương, Thành Lộc... giống y như người thật

Băng Châu (Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm