Thực hư nghệ sĩ bị cướp

Những vụ cướp nhắm vào nghệ sĩ đang xảy ra dồn dập trên địa bàn TP HCM. Tuy nhiên, có những vụ cướp thật nhưng cũng không ít vụ “báo động giả” nhằm PR (quảng bá) tên tuổi

Thông tin ca sĩ, diễn viên, người mẫu Diệp Lâm Anh bị cướp tối 7-9 ở ngã tư Lương Hữu Khánh - Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) lại một lần nữa khiến dư luận xôn xao, hoang mang. Nhờ có học võ để tự vệ nên Diệp Lâm Anh đã giành giật lại được túi xách của mình dù chân tay bị trầy xước nhẹ.

Nghệ sĩ bị cướp liên tục?

Thông tin bị cướp được Diệp Lâm Anh chia sẻ trên trang mạng cá nhân lập tức được truyền đi rất nhanh sau đó. Theo những gì Diệp Lâm Anh kể lại thì cô bị cướp giỏ xách ngay khi vừa xuống xe máy đi bộ chừng 10 bước tới tiệm nước ép trái cây trên đường Bùi Thị Xuân. Hai thanh niên đi xe tay ga, chạy ngược chiều, áp sát giật chiếc túi xách cô đang mang bên người. “Tôi đang đi guốc cao gót nên loạng choạng hoảng hốt. Tôi dùng hết sức tay trái gồng lên để giật lại và cảm giác như đang nâng tạ cỡ 40 kg” - Diệp Lâm Anh kể lại.

Thực hư nghệ sĩ bị cướp

Ca sĩ Thảo Trang và nhà thiết kế Võ Việt Chung - nạn nhân của những vụ bị cho là cướp (Ảnh từ Facebook nhân vật)

Trước đó, nhà thiết kế thời trang Võ Việt Chung cũng bị cướp giật giỏ xách dẫn đến té ngã, chấn thương đầu phải cấp cứu tại bệnh viện ngay khi anh vừa bước xuống xe hơi tại ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Tản Đà (quận 5). “Sau khi lái xe đến ngân hàng rút 300 triệu đồng, khoảng 10 giờ 30 phút, khi vừa đến tiệm vải (nằm ngay ngã tư Trần Hưng Đạo - Tản Đà), tôi mở cửa xe, xách túi tiền bước xuống thì lập tức bị 2 thanh niên chạy xe máy tới áp sát. Bị người thứ hai giật mạnh túi xách, tôi bị đập đầu vào cửa xe và ngã xuống đất” - Võ Việt Chung kể lại.

Người mẫu Mâu Thanh Thủy cũng là nạn nhân của một vụ cướp táo tợn hồi tháng 3. Theo lời kể của cô, khoảng hơn 16 giờ, khi đi ngang qua khu vực cầu Khánh Hội (hướng từ quận 4 về quận 1, TP HCM), cô bất ngờ bị một tên cướp chạy xe máy cùng chiều vượt lên, áp sát, giật túi xách đeo chéo vai. Trong lúc giằng co, cô bị ngã và bị kéo lê trên đường chừng 5 m, chấn thương sọ não.

Nghiêm trọng nhất là vụ nghệ sĩ cải lương Tâm Tâm bị cướp vào tháng 9 năm ngoái. Cũng theo lời kể của cô và người dân chứng kiến thì vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 9-9-2013, khi lưu thông trên đường Tô Hiến Thành (phường 15, quận 10), cô bất ngờ bị 2 thanh niên đi cùng chiều ép xe giật giỏ xách. Sau khi giằng co, Tâm Tâm bị té xuống đường, bất tỉnh, chấn thương sọ não, phải giải phẫu hộp sọ.

Trước đó, rất nhiều nghệ sĩ lên tiếng mình đã bị cướp và kể lại tường tận sự việc như diễn viên MiDu, Khả Ngân, Trang Trần, Kelbin Lei; ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Hải Yến, Thảo Trang, Thái Thùy Linh, Hồ Ngọc Hà, Minh Quân, Vy Oanh; người mẫu Phan Như Thảo; hoa hậu Mai Phương Thúy... Có những vụ nhẹ nạn nhân chỉ xây xát, trầy xước chân tay, mẻ răng... nhưng có những vụ nặng như gãy chân tay, chấn thương sọ não. Thông tin nghệ sĩ bị cướp rộ lên liên tục khiến nhiều người lo lắng, hoang mang...

Thực hư lẫn lộn

Thực tế, không phải vụ cướp nào nghệ sĩ thông báo cũng được kiểm chứng rõ ràng, ngoại trừ những vụ nghiêm trọng, nghệ sĩ trình báo công an như vụ cướp của NSƯT Hồng Vân, người mẫu Mâu Thanh Thủy, nhà thiết kế Võ Việt Chung, ca sĩ Tâm Tâm... Những vụ cướp còn lại công chúng chỉ nghe qua lời kể, chia sẻ của nạn nhân thông qua trang mạng cá nhân. Có người chụp vài tấm hình tay chân trầy xước làm bằng chứng, có những vụ hầu như chỉ thông báo “chay”.

Điển hình là vụ người mẫu Phan Như Thảo được lan truyền từ những dòng chia sẻ của người quản lý của cô trên trang mạng cá nhân kèm theo hình ảnh tài sản bị mất như ví, túi xách mà không thấy hình chụp cô bị trầy xước. Công chúng lập tức nghi ngờ Phan Như Thảo đang dựng chuyện bị cướp để PR.

Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường cũng từng khiến công chúng nghi ngờ về độ chính xác của thông tin anh bị cướp điện thoại. Sau khi chia sẻ thông tin bị cướp điện thoại Galaxy Note 3 trên trang cá nhân, anh còn đăng kèm tấm hình đang cầm điện thoại Galaxy Note 3 với lời chia sẻ: “Suýt nữa bị mất. Note 3 chụp ảnh thật tuyệt”. Rất nhiều cư dân mạng đã đặt vấn đề: Phải chăng anh đang dựng chuyện bị cướp để PR cho bản thân và điện thoại Galaxy Note 3?

Hầu hết các vụ cướp của nghệ sĩ đều không thấy khai báo với cơ quan công an nên không ai có thể kiểm chứng được sự việc có xảy ra thật hay không, số tài sản bị mất có chính xác hay không hay họ chỉ khai man, mất ít mà hô hoán nhiều để khoe khoang sự giàu có, PR tên tuổi. Bởi vậy, mỗi khi có thông tin nghệ sĩ bị cướp được chia sẻ trên trang mạng cá nhân, nhiều người không còn tin tính xác thực của nó. Thậm chí có những vụ bị cướp thật khi thông tin lên Facebook cũng bị cho là chiêu PR, như trường hợp của Võ Việt Chung.

Đa số không trình báo công an

Thượng tá Trịnh Văn Sâm - Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 9, TP HCM - cho biết rất khó xác minh, điều tra khi nạn nhân không khai báo. “Mặc dù báo chí đưa tin người mẫu Phan Như Thảo bị cướp trên địa bàn quận 9 nhưng đến nay, chưa có ai đến trình báo sự việc” - ông Sâm khẳng định.

“Nếu nạn nhân khai báo, công an sẽ vào cuộc điều tra theo quy định của ngành. Chúng tôi sẽ ghi lời khai của nạn nhân, nhân chứng (nếu có) về đặc điểm nhận dạng đối tượng, thời gian bị cướp, tài sản bị mất. Sau đó sẽ xuống hiện trường để quan sát và điều tra” - thượng tá Trịnh Văn Sâm nói thêm.

Đã có những vụ được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, dựng lại hiện trường như vụ của người mẫu Mâu Thanh Thủy, thậm chí còn tìm ra thủ phạm như vụ của NSƯT Hồng Vân. Cũng theo thượng tá Sâm: “Nghệ sĩ thường bị cướp ở những đoạn đường vắng, vào ban đêm và không bình tĩnh khai báo đầy đủ, gây khó khăn cho việc thu thập thông tin, điều tra và bắt giữ đối tượng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm hết trách nhiệm. Vì vậy, khi bị cướp, nghệ sĩ phải trình báo với công an, phối hợp điều tra làm rõ sự việc và bắt giữ đối tượng. Nếu vẫn giữ tâm lý “có báo cũng vô ích”, không những không có cơ hội tìm lại tài sản của mình mà còn khiến bọn cướp có cơ hội lộng hành hơn”.























Theo Minh Nga
Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm