Thú vị những bức ảnh photovoice của đồng bào Ê Đê

(Dân trí) - “Khi mới sử dụng máy ảnh, tôi chụp toàn bị mất đầu, mất tay, phải chụp mãi mới được và khi vào triển lãm thấy những bức ảnh của mình được chụp, tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện”, ông Y Bhiâo kể về quá trình tự chụp ảnh của mình.

Để giúp bà con dân tộc Ê Đê ở Đăk Lăk tự nói lên và giữ gìn nét văn hóa truyền thống lâu đời của mình, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk triển khai chương trình Photovoice (kể chuyện bằng hình ảnh) đối với người Ê Đê ở thị trấn Buôn Hồ (Buôn Hồ, Đăk Lắk). Và điều đặc biệt, những “phó nháy” không phải là nhiếp ảnh gia mà chính là những người đồng bào Ê Đê chân lấm, tay bùn đang sống trong các buôn làng; và họ chưa từng biết đến chụp ảnh là gì. Và Buôn Trinh và Buôn Ea Sar là 2 buôn được chương trình chọn lựa. Nếu như Buôn Trinh là một buôn được thành lập từ lâu đời với bề dày truyền thống, những đặc trưng văn hóa, những luật tục còn tồn tại. Thì Buôn Ea Sar lại là một buôn làng mới lập (năm 2004) còn rất nhiều vấn đề về việc giữ gìn văn hóa.

15 người dân đồng bào Ê Đê ở mọi độ tuổi thuộc 2 Buôn Trinh và Buôn Ea Sar đã được chọn làm “phó nháy”, họ tự chụp những bức ảnh để kể về đời sống văn hóa và kinh tế của đồng bào mình. Những bức ảnh được thể hiện qua lăng kính do tự tay những “nhiếp ảnh gia” là nông dân sống trong làng chụp về cuộc sống xung quanh của mình, đã mang lại những cảm xúc chân thật nhất, giản dị và gần gũi nhất của đồng bào dân tộc Ê Đê.

Khi mới tiếp xúc với máy ảnh, phần lớn mọi người đều e dè và chưa biết cách chụp cho đẹp nên rất ngại chụp ảnh, cộng với đa số người dân không muốn bị chụp ảnh, nhưng sau khi được tận tình hướng dẫn và nêu rõ về mục đích chụp ảnh hầu hết mọi người dân Ê đê ở cả 2 buôn đều đồng ý cho chụp ảnh. “Khi cầm máy ảnh trong tay tôi run lắm, cũng không biết chụp như thế nào cả, sau này khi biết cách chụp thì tôi chụp thường xuyên và thấy rất thích. Chụp xong tôi đưa cho cả nhà xem ai cũng rất vui, còn những người chụp ảnh tôi phải xin phép trước khi chụp vì như vậy mình sẽ được thoải mái chụp và họ cũng nhiệt tình cho mình chụp”, ông Y Bhiâo Mlô (46 tuổi) ngụ tại buôn Trinh chia sẻ.

Ông Y Bhiâo kể về lúc mới bắt đầu tập chụp ảnh
Ông Y Bhiâo kể về lúc mới bắt đầu tập chụp ảnh

Ông Y Bhiâo còn cho biết khi mới sử dụng máy ảnh, ông chụp toàn bị mất đầu, mất tay, phải chụp mãi mới được và khi vào triển lãm thấy những bức ảnh của mình được chụp cảm thấy rất vui và hãnh diện.

Khác với ông Y Bhiâo, chị H’ Phương Mlô (25 tuổi) ở Buôn Trinh lại chụp những bức ảnh để nói lên mong ước của mình: “Tôi chụp ảnh khi tôi đi làm hay đi chơi ở trong buôn làng, tôi chụp về bức ảnh để mong sao mọi người biết và cải thiện nó tốt hơn”. Chia sẻ về bức ảnh mình tâm đắc nhất, chị H’ Phương cho biết đó là bức ảnh chụp bà H’ Nok Niê và bà H’ Djhuê Niê đang mò ốc ở hồ Ea Hrah của buôn Trinh. Đây là hồ chứa nước tưới cà phê, nhưng do còn nghèo nên người dân hay mò ốc và giặt dũ ở đó, nhưng nay nước thải ở đầu nguồn thải xuống khiến nước cũng đang bị ô nhiễm nặng rồi. Chị mong chính quyền giúp đỡ để trả lại dòng nước trong xanh như trước kia.

Chị H'Phương Mlô chụp về cái hồ bị ô nhiễm của làng mình
Chị H'Phương Mlô chụp về cái hồ bị ô nhiễm của làng mình

Còn đối với chị H Del Niê (20 tuổi) bản thân chị rất thích chụp ảnh và hay chụp bằng điện thoại di động. Kể từ khi được giao máy ảnh kỹ thuật số chị thường xuyên chụp ảnh và cảm thấy vui vì mỗi bức ảnh do mình chụp ra. Nói về bức ảnh hai người đàn ông chặt cây lồ ô được chị cho biết: “Tôi chụp bức hình này kể về cuộc sống của ông A ê Ngel (người đẩy xe), vợ ông mất năm trước không có con cái nên ông sống một mình. Ông rất thích nghề đan lát, mọi người trong buôn khi cần vật dụng gì thì đến đặt ông làm, thanh niên giờ trong buôn chẳng ai làm nghề này nữa”. Ngoài ra chị H Del còn chia sẻ với việc chụp ảnh đã khiến chị hiểu thêm rất nhiều về truyền thống của đồng bào mình, nhưng điều mà trước đây chị không để ý và tìm hiểu kỹ như bây giờ.

H'Del Nêl là người rất thích chụp ảnh
H'Del Nêl là người rất thích chụp ảnh

Mỗi bức ảnh là mỗi một câu chuyện, dù bình dị nhưng nói lên những tâm tư và nguyện vọng của mỗi người dân đồng bào Ê đê, họ biết lo lắng và quan tâm đến cuộc sống của mọi người xung quanh, biết quan tâm đến vấn đề chung của cả cộng đồng, đến những nỗi lo toan vất vả trong cuộc sống và hơn hết mỗi bức ảnh là mỗi tình cảm sâu sắc mà họ muốn gửi tới mọi người thông điệp từ những buôn làng Ê đê.

Nói về ý nghĩa của chương trình trên, ông Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện Ngiên cứ Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho biết: “Với chương trình photovoice các đồng bào Ê đê đã chụp rất nhiều ảnh và họ tự kể các câu chuyện của chính mình, điều thú vị nhất trong quá trình chúng tôi làm đó là không chỉ có nguời dân của 2 buôn mà cả cộng đồng tham gia vào tiến trình này. Những người trẻ tích cực nói chuyện với những người lớn để hiểu về văn hóa của dân tộc mình và những người lớn kể và chia sẻ lại, đây là quá trình học hỏi và làm giàu hơn văn hóa của người Ê đê. Và nhất là giúp cho những người ngoài hiểu rõ hơn về văn hóa, về ý nghĩa đời sống và những nét đẹp riêng của đồng bào Ê đê qua đó hướng tới sự đoàn kết, phát triển chung.”

                                                                                                                                                                                                                                Trương Nguyễn- Tuệ Mẫn