Thú vị lớp học truyền khẩu dân ca hằng đêm ở phố cổ Hội An

(Dân trí) - Những làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng, chất chứa bao niềm đam mê, hoài vọng níu chân du khách thưởng ngoạn. Đó là lớp học truyền khẩu dân ca tại số 106 (đường Bạch Đằng, TP Hội An, Quảng Nam) dành cho các em học sinh và những ai đam mê làn điệu mượt mà, gần gũi này.

Đây là chương trình nằm trong các hoạt động phố đêm để phục vụ khách du lịch do thành phố giao cho Trung tâm VH-TT Hội An chủ trì tổ chức.

Say sưa truyền thụ những làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng
Say sưa truyền thụ những làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng

Với mục đích tạo nên một địa điểm để khách du lịch đến thưởng thức, vui chơi bên cạnh nhiều hoạt động khác của phố đêm. Nhưng trọng tâm là truyền đạt lại cho thế hệ trẻ hiểu biết và giữ gìn loại hình văn hóa dân gian của dân tộc mà cụ thể là dân ca bài chòi đặc trưng của phố Hội. Lớp học hoạt động và duy trì hằng đêm từ năm 2009 đến nay.

Tham gia lớp học hầu hết là các em theo học tại các trường THCS và tiểu học trên địa bàn thành phố Hội An. Bên cạnh đó, điều đặc biệt của lớp học là phạm vi đối tượng không hạn chế. Bất kỳ ai yêu thích và muốn thử sức với loại hình âm nhạc ngọt ngào và sâu lắng này đều có thể ghé thăm.

Ghi chép cẩn thận từng lời
Ghi chép cẩn thận từng lời

Em Phan Thị Thiên Lộc (7 tuổi) và Phan Thị Xuân Phúc (9 tuổi, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) là hai chị em ruột, học sinh nhà xa nhất của lớp - cho biết: “Em được bạn của bố giới thiệu về lớp học này, từ khi tham gia lớp em rất thích và đam mê. Dù nắng hay mưa đều xin bố mẹ chở đến lớp để theo học. Ở đây em được thầy cô chỉ dạy rất nhiều về các làn điệu: xuân nữ, xàng xê, hò Quảng, hò khoan và cả dân ca bài chòi”.

Với 4 giáo viên dạy hát và 2 người chơi nhạc, mỗi đêm tại góc nhỏ bên cạnh chùa Cầu lại vang lên những nốt nhạc, âm điệu đầy tâm huyết. Hãy một lần ghé đến và cùng ngồi học hát, cùng các em nhỏ tại đây cảm nhận những làn điệu dân ca mượt mà, trữ tình mới thấy được nhiều điều ẩn chứa sâu sắc trong từng câu hát, điệu lý. Mới thấy yêu hơn cái hồn dân tộc và quý mến những con người vẫn ngày đêm miệt mài truyền dạy suốt nhiều năm trời nơi đây.

Du khách người Nhật vui vẻ với cô và trò ở lớp học
Du khách người Nhật vui vẻ với cô và trò ở lớp học

Chị Trần Thị Thu Ly - giáo viên dạy hát - cho biết: “Kể từ khi được mở lớp đã thu hút rất nhiều người tham gia, có nhiều em ở xa nhưng vẫn xin bố mẹ chở đến học vì quá đam mê. Bắt đầu từ 7h-9h tối, chia làm hai nhóm để học hát và chép lời. Mỗi lần được truyền dạy các em những làn điệu, âm hưởng dân ca mượt mà hay những câu hát bài chòi càng làm cho tôi yêu hơn công việc ý nghĩa mình đang làm. Vì đây là lớp dạy miễn phí nên luôn hoan nghênh nhiều người đam mê, yêu thích với loại hình nghệ thuật dân tộc cùng tham gia”.

​Clip lớp học dân ca

Anh Nguyễn Văn Quý (phụ trách lớp học) cho biết: “Không dừng lại ở lớp học hằng đêm trong trung tâm phố cổ, trong năm học nào Trung tâm VH-TT Hội An cũng phối hợp với Phòng GD thành phố Hội An dạy hát dân ca cho các em học sinh cấp 2 với thời lượng 2 tiết/tuần. Cứ thế, mỗi năm lại có hai trường được lựa chọn làm địa điểm để cho các em được tiếp cận với loại hình này”.

Có lẽ nhịp sống hối hả đã khiến con người dần lãng quên các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, lãng quên những làn điệu một thời ăn sâu vào tiềm thức tuổi thơ. Nhưng với những lớp học “truyền khẩu” dân ca này chính là nơi đưa chúng ta tìm về với những gì đã lãng quên, cảm thụ một cách chân thật, sâu sắc nhất những giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.

N.Linh-C.Bính