Thủ tướng Phạm Văn Đồng với văn hóa dân tộc
(Dân trí) - Ngày 23/5, tại Quảng Ngãi, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo “Phạm Văn Đồng với văn hóa dân tộc”.
Bác Hồ (bên trái) trao đổi công việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam (Trung tâm NCBT&PTVHDNVN) khẳng định: “Hội thảo chọn 1 trong 3 điểm lớn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đó là văn hóa dân tộc. Vì ai cũng biết, Phạm Văn Đồng không chỉ là một Thủ tướng huyền thoại đã điều khiển Chính phủ Việt Nam suốt 32 năm, qua 2 cuộc kháng chiến kéo dài thập kỷ, đã giành chiến thắng những đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới. Cho nên cả thế giới suy tôn mà Phạm Văn Đồng còn là một Thủ tướng huyền thoại, một học giả, một nhà văn hóa kiệt xuất”.
Phạm Văn Đồng là một lãnh tụ cách mạng mang tâm hồn dân tộc, yêu quý và am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn luôn khuyên mọi người hãy sống theo truyền thống tốt đẹp. Giáo sư Hoàng Chương cho rằng, nhiều chính khách và bạn bè quốc tế nhận xét: “Phạm Văn Đồng là một trong những lãnh đạo lỗi lạc nhất, một trong những người nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Phạm Văn Đồng là con người thứ 2 của tôi”.
Tham gia tham luận, GS.TS Lê Hữu Nghĩa – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thể hiện nhan đề “Phạm Văn Đồng – một tư duy sáng tạo và nhân cách văn hóa lớn của Đảng và dân tộc”. GS.TS Lê Hữu Nghĩa cho rằng: “Đồng chí Phạm Văn Đồng không chỉ có những tư tưởng sâu sắc, sáng tạo về văn hóa nghệ thuật, tâm huyết về giáo dục, thể hiện là nhà giáo dục lớn. Chính Thủ tướng đã để lại câu nói bất hủ trong ngành giáo dục, đồng chí yêu cầu “Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, cả đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải làm và làm tốt giáo dục đạo đức cách mạng. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”, phải xác định rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu, là tương lai của dân tộc. Đồng chí Phạm Văn Đồng là một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.GS.TS Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày tham luận về Bác Đồng.
Điều đặc biệt, tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Năng – Nguyên Thư ký cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bày tỏ với tham luận “Đôi nét đời thường của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng”. Ông kể lại: “Sau khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được điều động sang Phủ Thủ tướng, ở đây tôi được gặp Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cuộc gặp đầu tiên nằm ngoài tưởng tượng của tôi đã khiến tôi hết sức xúc động. Tôi rất phần khởi và hồi hộp, tim đập mạnh, người run lên. Khi Thủ tướng hỏi, tôi còn lúng túng, sợ sệt, bởi vì ông vừa lớn tuổi vừa có chức vụ cao, còn tôi chỉ là anh lính, học hành chẳng là bao”.
Suy nghĩ về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Nguyễn Tiến Năng nói: “Đối với anh em trong cơ quan, ông luôn coi đây là một gia đình nhỏ mà ông là người anh, anh em là những người em. Ông rất coi trọng gia đình nhỏ này nên rất quan tâm đến công việc của anh em. Ông thường xuyên hỏi han công việc, đời sống gia đình, giúp đỡ anh chị em bất cứ những gì có thể. Ngay cả chuyện lương bổng ông cũng quan tâm, hỏi han xem thu thập bao nhiêu, có đủ sống không… Bởi thế, quan hệ giữa ông và mọi người trong cơ quan quá bình đẳng, thân tình, đúng như anh em một nhà”.Thành viên chủ trì Hội thảo.
Ấp ủ kế hoạch tạc tượng Bác Đồng, Họa sĩ – Nhà điêu khắc Vương Duy Biên (Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) nhớ lúc viếng tang lễ Bác Hồ kính yêu, được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng đứng bên các cháu thiếu nhi rồi cùng òa khóc đưa tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Tôi xúc động vô cùng khi nhìn Bác Đồng gầy gộc, khắc khổ trông rất giống bố tôi và tự nhiên tôi thấy bác rất gần gũi, yêu quý bác. Rồi tôi ngắm nhìn bác kỹ hơn, bỗng trỗi dậy trong tôi tìm cảm đặc biệt đối với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi lặng lẽ tìm kiếm vật liệu đất sét để làm bức phù điêu chân dung Bác Đồng, khi thực hiện xong tác phẩm rất giống Người, tôi nhớ có nhà thơ Cẩm Lai (hàng xóm) khen và định hướng tôi theo ngành mỹ thuật. Ngày đó tôi chỉ 10 tuổi thôi, mãi cho đến nay, tôi đã sống và theo lĩnh vực mỹ thuật này”. Ông Vương Duy Biên nhớ lại.
Họa sĩ – Nhà điêu khắc Vương Duy Biên tự nhủ: “Bên cạnh việc thể hiện hình tượng Bác Hồ, tôi phải thực hiện được tác phẩm về vị Thủ tướng tiền bối đáng kính thật tốt nhất, đẹp nhất với tìm cảm thực sự của mình. Tôi tin mình sẽ làm được trong thời gian tới”.
Tại Hội thảo, 64 tham luận đều thể hiện tình cảm đặc biệt đến cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, có các tham luận tiêu biểu như Phạm Văn Đồng – dòng sông chảy mãi (tác giả Hà Đăng – Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương); Nhớ lại một vài kỷ niệm sâu sắc với anh Tô (Nhà báo Hữu Thọ - Nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân); Trọn đời làm việc cho Đảng, cho dân (Ông Phạm Thanh Biền – Nguyên Khu ủy viên Khu V, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi); Phạm Văn Đồng: Danh nhân cứu nước – nhà hiền triết, nhà văn hóa lớn thời đại Hồ Chí Minh (nhà văn Đoàn Minh Tuấn); Thủ tướng Phạm Văn Đồng và vấn đề gia đình (Nhà văn Vũ Hạnh - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương);…
Kết luận Hội thảo, GS.TS Lê Hồng Lý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nêu: “Phạm Văn Đồng là hình ảnh lớn, mang tư cách quốc gia lẫn quốc tế. Chúng ta nên khẳng định, văn hóa chính là nhân cách sống đời thường hàng ngày mà Bác Đồng đã thể hiện. Điều đáng lưu tâm hơn, chúng ta chỉ nói thôi cũng chưa đủ, cần làm sao cho thế hệ trẻ hiện nay học, đọc sách, nghiên cứu về văn hóa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chứ tổ chức Hội thảo mà không lưu lại cho thế hệ mai sau thì vô nghĩa. Hội thảo lần này, là tiền đề tốt để tổ chức Hội thảo cấp quốc gia sắp tới nhân kỷ niệm 110 năm sinh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng”.
Hồng Long