Thu tác quyền âm nhạc: Mặc cả như mua rau ngoài chợ
170 triệu đồng là số tiền mà đơn vị tổ chức chương trình ca nhạc Khánh Ly phải trả cho (VCPMC) sau khi đã được "mặc cả".
Thu tác quyền như đi... xiết nợ
Trước show diễn của Khánh Ly vào ngày 2/8, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo hộ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) “đe dọa” sẽ "nhảy" lên sân khấu nếu BTC không trả đầy đủ phí tác quyền.
Đây không phải là lần đầu tiên, nhạc sĩ Phó Đức Phương có hành động quyết liệt như thế. 2 năm trước, trong chương trình của ca sĩ Tuấn Vũ, đích thân ông cũng đến tận Nhà hát Lớn (Hà Nội) để thu tiền. Chưa tính đến việc đúng sai thì hành động này được nhiều người đánh giá rằng chẳng khác gì đi... xiết nợ.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương (Ảnh: SKĐS)
Ngoài hành động không mấy tao nhã thì việc mặc cả tác quyền ca khúc như mua rau ngoài chợ của VCPMC cũng khiến nhiều nghệ sĩ đặt dấu chấm hỏi về câu chuyện lợi ích. Những bất ổn đang diễn ra ở cơ chế thỏa thuận dân sự về tác quyền vốn có đã lâu, nhưng vì chưa đủ hành lang pháp lý nên vẫn mặc nhiên diễn ra, người thiệt đương nhiên không phải VCPMC cũng chẳng phải đơn vị biểu diễn mà chính là những nghệ sĩ chân chính.
Cụ thể, nhạc sĩ Phó Đức Phương và BTC show Khánh Ly đã cò kè mặc cả để hạ giá thu phí tác quyền từ 200 triệu xuống 170 triệu. Con số này là kết quả của công thức: 5% nhân với 40% số vé nhân với giá vé trung bình là 2,4 triệu đồng. Sở dĩ tính như thế vì hôm đó trời mưa, đơn vị tổ chức không bán được vé. Trong khi đó, công thức tính thù lao theo doanh thu buổi diễn dành cho chương trình được tổ chức trong rạp, nhà hát được VCPMC công bố trên website chính thức là 5% của 75% số ghế nhân với bình quân giá vé.
Hai năm trước, trong chương trình biểu diễn của ca sĩ Chế Linh, VCPMC cũng đòi đơn vị tổ chức phải trả 4 triệu đồng/ca khúc, nhưng đơn vị tổ chức chỉ đồng ý trả 150.000 đồng/bài. Lời qua tiếng lại, cuối cùng chốt giá là 300.000/bài. Như vậy có thể thấy ngay sự chênh lệch khá lớn giữa công thức mà trung tâm cam kết với các tác giả ủy quyền và công thức thu thực tế.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu trung tâm có quyền tùy tiện thay đổi mức giá mà họ đã cam kết với các nhạc sĩ hay không? Và làm thế nào để đảm bảo tính minh bạch về số tiền mà VCPMC đã thu được với cách thu “tùy mặt” như hiện nay?
Tiền về tay ai?
Nhạc sĩ Trần Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN, đơn vị tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, cho biết: “VCPMC chỉ có quyền giữ lại 20% phí tác quyền thu được nhưng thực tế không như vậy. Phú Quang mới tổ chức show diễn ở TP. HCM, bị thu phí tác quyền bài hát của mình lên tới 80 triệu đồng, nhưng phải 3 hay 6 tháng, VCPMC mới chuyển cho Phú Quang 170.000 đồng tiền phí tác quyền. VCPMC thu 4 triệu đồng/bài, vậy số tiền còn lại đã đi đâu? Tiền bản quyền thực tế không đến tay nhạc sĩ”.
Nhiều nghệ sĩ ủy quyền cho VCPMC cho rằng: Các nhạc sĩ luôn là người thua thiệt trong câu chuyện đi tìm tác quyền cho ca khúc của mình. Bởi lẽ, theo thống kê có đến 90% các chương trình ca nhạc hiện nay không thực hiện nghĩa vụ này. Còn VCPMC, đơn vị cho tới thời điểm hiện nay là duy nhất đứng ra bảo vệ tác giả tác phẩm thì chỉ chăm chăm đi thu tiền, chứ không quan tâm tới việc bảo vệ tác giả.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho biết, cứ 3 tháng, anh nhận được một số tiền từ trung tâm, nhiều thì hai chục triệu, ít thì hơn chục triệu, cũng chẳng có bản kê khai từ phía trung tâm: “Tôi là người ủy quyền cho VCPMC nhưng không biết thu như thế nào, không chỉ từ các chương trình biểu diễn mà còn thu âm cho các đĩa nhạc, nhạc chuông, nhạc chờ… Tất nhiên, tôi cũng chia sẻ với khó khăn của VCPMC vì phải mất chi phí thuê địa điểm, nhân viên… nhưng không thể hiểu được cách thức lập lờ của VCPMC”.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng bày tỏ quan điểm nghi ngờ vấn đề thu chi của VCPMC. Bởi vì nếu đúng như công thức đưa ra hiện nay là 5% của 75% số ghế nhân với số tiền bán vé trung bình, ngoài ra còn tiền thu từ các trang tải nhạc trực tuyến, truyền hình... thì không thể trong suốt nửa năm, ông chỉ nhận được vỏn vẹn hơn chục triệu đồng.
Ca sĩ Trọng Tấn cũng bày tỏ ý kiến cho rằng, việc các đơn vị tổ chức phải chi trả tiền tác quyền cho các nghệ sĩ hiện nay là điều đương nhiên phải thực hiện, vì VN đã tham gia công ước Bern về quyền tác giả. Tuy nhiên, sự độc quyền của Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc cũng như chưa có đủ khung pháp lý cho công việc này, khiến nhiều người nghi ngờ sự minh bạch của trung tâm: “VCPMC phải được giám sát bởi một cơ quan nào đó thì mới đảm bảo được sự minh bạch và đưa quyền lợi thực sự về với tác giả”.
Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc, nhà văn Trần Thị Trường làm Phó giám đốc ra đời cách đây 12 năm, trực thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam. Đến thời điểm này đã có gần 3.000 nghệ sĩ ủy quyền vấn đề tác quyền cho trung tâm. Tuy nhiên, với cách hành xử không mấy đẹp mắt cũng như những lo ngại về việc minh bạch trong thu chi của VCPMC cho thấy sự không chuyên nghiệp trong công tác bảo hộ quyền tác giả hiện nay.
Theo Mai Lan
VOV.vn