Thu Phương nghẹn ngào kể về quãng thời gian sống “cù bất cù bơ”
(Dân trí) - Giọng ca “Khi chưa bắt đầu” đã không kìm được nước mắt khi kể về quãng thời gian chị mới rời đất Cảng lên Hà Nội theo đuổi việc học ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Chị gọi những ngày tháng ấy là quãng thời gian sống “cù bất cù bơ” của một cô bé mới 14 tuổi đã phải xa nhà.
Những tháng ngày lang bạt và nước mắt
Đã nhiều năm trở về, đã quen với sóng gió, đã là mẹ của 4 con, đã bôn ba khắp trời Âu, trời Á… nhưng cứ mỗi lần nhắc đến kỷ niệm xưa cũ là Thu Phương lại khóc. Chị nghẹn ngào trong những dòng nước mắt khó gọi thành tên. Những giọt nước mắt cho sự nổi nênh của một phận người và cả giọt nước mắt cho những điều tiếc nuối.
Và trong câu chuyện về những kỷ niệm của một thời gắn liền với Nhà hát Tuổi Trẻ, nơi tới đây chị sẽ tổ chức một đêm nhạc tri ân thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè… những ân nhân đã cưu mang chị trong những ngày mới chân ướt chân ráo rời quê nhà lên Hà Nội theo đuổi đam mê, nước mắt Thu Phương lại tiếp tục lăn dài không kìm lại được.
Chị kể, đã hơn 30 năm qua, chị vẫn không bao giờ quên được cái mốc thời gian “25/9/1986”, bởi đó là cái ngày cô bé Thu Phương tuổi vừa 14, ốm nheo ốm nhách theo bố lên Hà Nội để vào Nhà hát Tuổi Trẻ.
“Kỷ niệm của tôi với Nhà hát Tuổi trẻ như mới hôm qua, không thể nào quên được. Tôi nhớ, khi rời quê nhà lên Hà Nội tôi chỉ cao có 1m39, da đen nhẻm, người còi cọc… Lúc bố dẫn tôi lên Nhà hát theo giấy triệu tập, người tiếp nhận tôi hôm đó là cô Thuỷ - giáo viên dạy múa. Trước khi về Hải Phòng, bố tôi có gửi cho cô một gói mì chính rồi nghẹn ngào rằng: “Cháu bé quá, chúng tôi thương cháu lắm nhưng không biết làm thế nào, gia đình nghèo nên chỉ có thế này thôi, nhờ các thầy cô cưu mang cháu.
Thời đó, tôi được Nhà hát phân cho một phòng rộng 6m2, có một cái giường đơn, một cái xô, một cái chạn và một cái vali rất bé. Hành trình bước vào cuộc đời của tôi bắt đầu như thế.
Thời đó, ngoại trừ thời gian đi học ở Nhạc viện Hà Nội, còn lại tôi “làm bạn” với nước mắt. Có một góc không gian mà tôi không bao giờ quên được đó là ô cửa sổ trên tầng 5 của tập thể Nhà hát Tuổi Trẻ, chỉ cần đưa tay ra ngoài là đầy hoa sữa. Mùi hương ám ảnh tôi cả một thời tuổi trẻ và những cả ánh đèn của đường phố khi chập choạng tối. Thời đó, cứ khoảng 4 - 5h chiều, nhìn những nhà xung quanh cơm nước, sum vầy… tôi lại khóc không kìm lại được. Những hình ảnh đó ám ảnh tôi rất nhiều năm nên khi hát về những kỷ niệm, tôi không thể nào bình thường được.
Vào nhà hát Tuổi Trẻ tôi được hưởng chế độ mỗi tháng 19 nghìn đồng và 17 cân rưỡi gạo. Bố mẹ cũng đỡ được nỗi lo vì gia đình đã bớt đi một miệng ăn. Nhưng tôi nhớ mãi là khi nào cũng tự hỏi vì sao bố mẹ lại để mình ra đi như thế? Làm sao để có thể sống và vượt qua được những khó khăn ở một nơi đất khách quê người? Thực ra, việc quyết định cho đứa con mới 14 tuổi đầu rời khỏi nhà là quyết định khủng khiếp. Nhưng nếu bố mẹ không cho đi thì ước mơ không thực hiện được. Bởi hơn ai hết, ông bà biết con mình có đam mê, có năng khiếu và được Nhà hát Tuổi Trẻ nhận…
Nói thật, những ngày tháng đó tôi luôn sống trong hoang mang. Lúc đó mới 14 tuổi, cơm ăn không đủ no, áo không đủ mặc, cuộc sống thiếu thốn tình cảm. Nhìn đâu cũng thấy khó khăn, nhìn đâu cũng thấy thiếu thốn và không biết mình sẽ sống những ngày tháng tiếp theo như thế nào.
Thực ra, các thầy các cô cũng thương mình như con vì hồi đó tôi bé lắm. Thậm chí, nhiều khi các cô còn phải đi canh xem mình ngủ chưa, dậy chưa vì có khi ngủ quên trễ học hoặc bỏ học.
Thời đó, các anh chị em trong lớp như Khánh Huyền, Hoài Phương, Hải Yến… cũng giúp đỡ tôi nhiều lắm. Cứ khi nào tôi khó khăn thì về nhà các anh chị ăn cơm. Có những lúc chị Khánh Huyền đưa tôi đi xe bus từ Nhà hát Tuổi Trẻ vào nhà chị trong Mai Dịch để ăn một bữa cơm. Rồi có những hôm nhớ nhà, không có tiền mua vé tàu, đêm khuya tôi lại một mình đi bộ ra ga Hàng Cỏ hoặc cầu Chương Dương nhảy tàu chui về Hải Phòng để thăm bố mẹ. Về nhà, được mẹ rim cho mấy con tôm, nấu cho bữa cơm cơm ăn xong hôm sau lại nhảy tàu chui lên Hà Nội.
Khoảng thời gian đấy, từ 14 tuổi đến 18 tuổi tôi sống như thế. Sống như một đứa “cù bất cù bơ”. Ngoại trừ giờ lên lớp, còn đâu cứ lang thang khắp nơi, chỗ nào ăn được, chỗ nào quen được, chơi được là sà vào đó... Một đứa trẻ 14 tuổi, đêm hôm vẫn phải lang thang ngoài đường, không biết sợ là gì cả vì không có sự lựa chọn nào khác.
Mãi rồi cũng được đi hát. Lúc đầu hát không tiền, rồi đến lúc 1 nghìn, 4 nghìn, 10 nghìn, 17 nghìn, 200 nghìn… chặng đường đi bao nhiêu năm như vậy. Chặng đường đó có quá nhiều cái khó khăn”, Thu Phương nghẹn ngào nhớ lại.
"Bây giờ cất tiếng hát lên là nặng trĩu nỗi buồn"
Thu Phương bảo rằng, khi cuộc sống phải trải qua nhiều khó khăn, người ta lại càng có nhiều tâm sự và có nhu cầu được giãi bày. Chị may mắn khi là ca sĩ nên có thể mượn âm nhạc để trút bỏ niềm riêng. Và khi bước vào âm nhạc, chị thấy mình có lí do chính đáng để kể với khán giả về cuộc đời, để rơi nước mắt khi kể về thân phận mình.
“Mỗi một lần trở về, tôi có thêm một chút kỷ niệm và cứ nghĩ đến ngày phải rời xa lại cảm thấy hối tiếc. Và cũng mỗi lần trở về, tôi lại có thêm những câu hỏi, có thêm những hoài nghi… lại có cảm thấy xót xa. Nhiều lúc tôi tự hỏi mình, mình có thể không nghĩ nhiều đến những điều xót xa đấy không và câu trả lời là không. Tôi đã thử nhiều rồi. Tôi đã không nghĩ điều gì khác ngoài những điều bình thường để bình thường nhưng không thể bình thường được. Vì mình buồn, đau thật mà sao mình phải bình thường. Nên thôi, tôi cứ làm gì đúng nhất”, Thu Phương tâm sự.
Kể về những đứa con, giọng ca “Dòng sông lơ đãng” chia sẻ rằng, con trai lớn của chị nay đã 22 tuổi, con gái 17 tuổi. Các con cũng đã nhiều lần hỏi chị về “sự ra đi” và chị khá buồn khi phải trả lời các con về chuyện đó.
“Con tôi hỏi: “Mẹ ơi, tại sao lúc đó mẹ lại quyết định như thế?”, tôi bảo “Giải thích cho con hiểu tại sao khó lắm, năm nay con 22 tuổi thì câu trả lời bằng 22 năm cơ. Nhưng mẹ chỉ có thể nói một điều rằng, hôm nay nhìn thấy các con của mình bình yên ở một môi trường tốt và thấu hiểu những hy sinh của mẹ, đó là cái mẹ cần. Mẹ mong rằng các con ủng hộ và tin rằng mẹ quyết định đúng”, Thu Phương nói.
Riêng về chuyện tình với Dũng Taylor - người chồng hiện tại, giọng ca gốc Hải Phòng tiết lộ rằng, trước khi đến với chị, Dũng Taylor đã “thề nguyền” sẽ không bao giờ lấy vợ, không bao giờ yêu ca sĩ và không bao giờ đẻ con nhưng mọi sự đã khác. Không những anh lấy vợ mà còn lấy phải chị là người đã có một đời chồng, đã có những hai con, rồi lại còn là ca sĩ và đặc biệt là ca sĩ miền Bắc. Anh chấp nhận làm người đến sau và để chứng tỏ tình yêu của mình với chị anh đã thay đổi rất nhiều.
“Dũng là người đến và anh đã làm mọi thứ để mọi người yên tâm rằng tôi đã có một người đàn ông đến đúng lúc trong cuộc đời. Anh ấy không ngừng chứng tỏ cho mọi người thấy anh ấy là bờ vai mà tôi có thể dựa và anh có thể làm mọi thứ cho cha mẹ, con cái, bản thân tôi.
Một con người đã có hơn 40 năm sống ở xã hội nước ngoài, rất văn minh, rất nhiều kiến thức, rất nhạy bén nhưng khi “vớ” phải một gia đình có văn hoá “rặt Bắc” như gia đình tôi là cái gì phải “ôn luyện” từ đầu”, Thu Phương chia sẻ.
Thu Phương bảo, có nhiều người nói với chị rằng, biết đâu ngày ấy ở lại, bây giờ chị đã là diva thứ 5 nhưng chị chưa bao giờ nghĩ đến điều đó.
“Làm sao biết được nếu ở lại mình sẽ như thế nào. Tôi chỉ biết mình đã đi và đã như thế. Tôi đã gặp rất nhiều biến cố và nỗi đau, bây giờ cất tiếng hát lên là nặng trĩu nỗi buồn. Còn tôi không biết ngày xưa tôi ở lại thì sẽ ra sao, biết đâu được ở lại tôi khỏi hát thì sao”, Thu Phương hỏi ngược.
Hà Tùng Long