Thu hồi truyện cổ tích “cha muốn cưới con gái”

(Dân trí) - Đơn vị liên kết với NXB Văn học xuất bản cuốn sách bị phản ứng vì “cổ súy loạn luân” truyện cổ tích “Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm” đang tiến hành thu hồi những ấn phẩm còn bày bán trên thị trường để xem xét, sửa chữa nội dung.

Bà Trần Hải Ngọc, Phó Giám đốc công ty Đinh Tị, đơn vị liên kết với NXB Văn học phát hành cuốn truyện cổ tích Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm xác nhận với báo chí cuốn sách này do đơn vị này trực tiếp mua bản quyền, dịch và liên kết phát hành tại Việt Nam.

Sau khi nhận ý kiến phản hồi từ độc giả cho rằng cuốn sách có chi tiết không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi và nhận văn bản ý kiến từ phía NXB Văn học, phía Đinh Tị đã tạm dừng phát hành và tiến hành thu hồi toàn bộ cuốn sách Truyện cổ tích hay nhất- Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm còn tồn đọng trên thị trường để xem xét lại nội dung.

Thu hồi truyện cổ tích “cha muốn cưới con gái”

Phụ huynh tá hỏa với chi tiết bị cho là loạn luân trong truyện cổ tích "Công chúa Tóc Vàng" nằm trong cuốn "Các nàng công chúa chăm chỉ, dũng cảm"

Về ý kiến cho rằng truyện cổ tích Công chúa Tóc Vàng nằm trong cuốn sách này mang yếu tố loạn luân khi có đoạn “cha muốn cưới con gái”, phía Định Tị cho rằng đây chỉ là tình tiết bị tách khỏi nội dung và định hướng người đọc đến một cái nhìn phiến diện.

“Trong phần đầu câu chuyện, chi tiết “quốc vương muốn lấy công chúa” được đưa ra, chính là tình tiết mang yếu tố "nút thắt" đẩy công chúa – người con vào hoàn cảnh khó khăn, phải tranh đấu, phải bỏ trốn để làm mọi cách thay đổi quyết định của quốc vương - người cha; kết thúc câu chuyện, quốc vương đã nhận ra sai lầm của mình và mong công chúa tha thứ. Như vậy, ngay trong bản thân câu chuyện, chi tiết “quốc vương muốn lấy công chúa” -  cha muốn lấy con cũng đã bị phủ định, cha muốn lấy con là một điều sai trái vì thế nên người cha hối hận và mong con gái mình tha thứ. Qua đó, chính người đọc là phụ huynh và các em nhỏ đều có thể nhận ra một thông điệp rất rõ ràng về mối quan hệ  đúng đắn trong gia đình: cha lấy con, điều đó là sai. Vậy, nhìn vào tổng thể nội dung của câu chuyện thì rõ ràng thông điệp cuối cùng câu chuyện hướng đến là một vấn đề hoàn toàn khác. Nhưng nếu chỉ tách nhỏ một chi tiết này ra và đặt vấn đề một cách cực đoan thì câu chuyện sẽ tạo nên một làn sóng dư luận phẫn nộ”, đại diện Đinh Tị lên tiếng.

 Phần kết,

 Phần kết, quốc vương đã nhận ra sai lầm của bản thân và công chúa thì hạnh phúc bên vị hoàng tử mình tìm thấy

Trong văn bản gửi báo chí, đơn vị này cũng nhấn mạnh: “Mỗi cuốn sách nói chung và trong mỗi câu chuyện cổ tích nói riêng đều tồn tại những nhân vật chính diện và phản diện, nhất là trong những câu chuyện dành cho trẻ em thì các nhân vật này lại càng hiện ra rạch ròi. Các nhân vật xấu xuất hiện làm hại nhân vật chính rồi sẽ bị trừng phạt và những người tốt sẽ được đền đáp. Mô típ các câu chuyện luôn là vậy nhưng nếu soi xét từng tình tiết nhỏ nhặt trong từng câu chuyện, sẽ có bao nhiêu phen khiến người đọc là phụ huynh giật mình: truyện cổ tích Tấm Cám có tình tiết em gái cùng cha khác mẹ ám hại chị, truyện cổ tích có tình tiết kinh dị khi mẹ kế muốn giết con chồng rồi moi tim gan trong Bạch tuyết và bảy chú lùn hay như chi tiết “cha muốn cưới con gái” trong Công chúa Tóc Vàng cũng vậy.”

 Phần kết,

NXB Văn Học đánh giá chi tiết "cha muốn lấy con gái mình làm vợ" dễ gây hiểu lầm và yêu cầu đơn vị liên kết xuất bản tạm dừng phát hành và thu hồi những cuốn sách còn trên thị trường

Theo bà Ngọc,  từng chi tiết nhỏ khi chúng ta nhìn ở góc nhìn phiến diện sẽ bóp méo đi cả câu chuyện thực sự, có thể khi đứng đơn lẻ, chi tiết mang tính nguy hiểm, nhưng đặt trong ngữ cảnh và bối cảnh của từng câu chuyện thì lại góp phần chuyển tải đầy đủ nhất ý nghĩa của câu chuyện đó. Do vậy, bản thân một người đọc, trẻ nhỏ và đặc biệt là phụ huynh phải có cái nhìn tổng quát nhất để đánh giá khách quan, đúng đắn với từng câu chuyện, tác phẩm…

Nguyễn Hằng