Thót tim vì... tiếng vỗ tay

Đêm biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker, khi những tiếng flute và tiếng kèn tuba chỉ còn ngân rất khẽ, nhiều người đã bắt đầu đặt tay lên ngực, thót tim chờ đợi... tiếng vỗ tay. Quả nhiên, tiếng vỗ tay tiếp tục dậy lên như sấm, kèm theo cả tiếng huýt sáo...

Khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội thật sự được hâm nóng trong suốt ba buổi diễn của dàn nhạc giao hưởng tầm cỡ thế giới Berliner Symphoniker: đêm 14, chiều và tối 15-7.

Những ai sở hữu một tấm vé vào cửa Nhà hát lớn ở một trong ba buổi diễn đều có thể mỉm cười với may mắn nho nhỏ của mình vì chương trình không có vé để bán, chỉ dành cho các khách hàng VIP của một hãng viễn thông lớn.

Nửa đầu của buổi hòa nhạc trôi qua êm ả, với những bản concerto của Chopin và Rachmaninov.

Nhưng đến phần thứ hai của chương trình buổi tối: bản giao hưởng Từ thế giới mới của nhạc sĩ vĩ đại người CH Czech Antonín Dvorák, người yêu nhạc giao hưởng được một phen thót tim cùng các nghệ sĩ bởi... những tiếng vỗ tay của các vị khách mời. Nhạc trưởng người Israel Lior Shambadal của Dàn nhạc giao hưởng Berlin đã giơ tay lên đầy ngạc nhiên khi những tiếng vỗ tay hào hứng vang lên ngay sau khi ông và 66 nhạc công vừa dứt chương đầu tiên của bản giao hưởng, ông xua khẽ hai tay về phía khán giả rồi quay lại dàn nhạc vẻ hơi bối rối.

Nhưng kết thúc chương thứ hai, khi tiếng violin réo rắt vừa mảnh đi như một nốt cứa, như nỗi lòng nhớ quê da diết của một người tha hương, thì tiếng vỗ tay lại vang lên dồn dập, phấn khích. Dàn nhạc lẫn ông nhạc trưởng lừng danh đều khó xử, rất nhiều sinh viên, giáo viên nhạc viện ngồi trên những hàng ghế tận tầng 3 cũng “suỵt” rất khẽ, cùng với những cái lắc đầu.

Kết thúc chương ba, khi những tiếng flute và tiếng kèn tuba chỉ còn ngân rất khẽ, nhiều người đã bắt đầu đặt tay lên ngực, lại thót tim chờ đợi... tiếng vỗ tay. Quả nhiên, tiếng vỗ tay tiếp tục dậy lên như sấm, kèm theo cả tiếng huýt sáo đầy hàm ý khen ngợi (!?). Nhìn nhạc trưởng và dàn nhạc khổ sở vì thứ âm thanh ồn ào phá vỡ khoảng lặng cần thiết của một đêm nhạc giao hưởng, Quyên - một giảng viên trẻ của ĐH Văn hóa nghệ thuật Hà Nội - và người bạn đi cùng thì thầm với nhau: “Ôi, có cần nhiệt tình đến thế này không”.
 
Dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội - Ảnh: VOV
Dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội - Ảnh: VOV
 

Chương trình chính kết thúc, trong tiếng vỗ tay cuồng nhiệt, nhạc trưởng ra hiệu cho dàn nhạc tặng khán giả thêm một overture (khúc nhạc mở đầu) quen thuộc, và các khách VIP bắt đầu... vỗ tay theo nhạc, như trong một buổi sinh hoạt văn nghệ tập thể hay một chương trình nhạc trẻ. Nhạc trưởng Shambadal tuyệt vọng đề nghị khán giả ngừng vỗ tay bằng cách điều khiển dàn nhạc chơi chậm và nhỏ lại, tiếng vỗ tay ngừng. Nhưng khi dàn nhạc quay về chơi rộn rã tưng bừng như một overture cần phải thế, tiếng vỗ tay lại rầm rập.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc - giảng viên Nhạc viện Hà Nội, người từng làm nhạc cho những bộ phim được giải quốc tế như Mùa ổi và Thời xa vắng - phát biểu khi được hỏi về những tiếng vỗ tay... lạc nhịp giữa các chương trình giao hưởng: “Nghệ thuật nào cũng cần công chúng, nghệ thuật biểu diễn càng cần công chúng và cần tiếng vỗ tay. Nhạc giao hưởng từ gần 20 năm nay không còn là món ăn quá xa xỉ trên bàn tiệc tinh thần của một bộ phận công chúng VN, nhưng đúng là để có được những công chúng nghe nhạc giao hưởng thật sự, vẫn còn cần rất nhiều thời gian và công sức đào tạo”.

Nhưng ông nói thêm: “Dù sao những đêm diễn như thế này cũng là vô cùng quan trọng, đi nghe lần thứ nhất rồi sẽ có lần thứ hai, và rồi cũng đến lúc họ hiểu ra là khi nào cần vỗ tay. Đến lúc đó, đi nghe nhạc sẽ không bị... thót tim nữa”.

 
Theo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm