Thoi thóp sân khấu kịch Sài Gòn

Từng là thánh đường của rất nhiều thế hệ diễn viên ở TP HCM và luôn chật kín khán giả, thời gian gần đây, nhiều sân khấu kịch Sài Gòn rơi vào tình trạng ngắc ngoải, những cái tên đầu đàn, lâu năm của sân khấu kịch một thời rơi vào cảnh thua lỗ kéo dài, đìu hiu và có có nguy cơ đóng cửa.

 

Thoi thóp sân khấu kịch Sài Gòn - 1

Ế ẩm như chợ chiều

Một thời lừng lẫy và hút khách nhưng mấy năm nay bà “bầu” Hồng Vân - Giám đốc sân khấu kịch Phú Nhuận như ngồi trên lửa. “Hiện tại sân khấu kịch Phú Nhuận đang trong tình trạng cầm cự,  tiến thoái lưỡng nan, đóng cửa thì dở mà mở cửa tiếp vẫn không xong”- bà Vân bộc bạch.  Kịch Phú Nhuận ăn nên làm ra khi là đơn vị đi đầu tạo ra trào lưu kịch ma với “Người vợ ma”, Quả tim máu, 2,4,6 và vở 3,5,7. Hình ảnh khán giả ken kín trong khán phòng giờ đã trở thành dĩ vãng.

Sân khấu kịch 5B, cánh chim đầu đàn của sân khấu kịch TP HCM gây tiếc nuối khi đóng cửa dài dài chờ sửa chữa, nhiều nhà quản lý tên tuổi ra đi… và chưa thấy có bất kỳ tín hiệu hồi sinh nào. Sân khấu Thuần Việt sau những nỗ lực xoay trở ngược xuôi cũng đặt dấu chấm hết, đóng cửa vô thời hạn.

Ngay cả đơn vị uy tín và ăn nên làm ra với những vở diễn cháy vé phải đặt trước cả tháng như là Idecaf cũng đang phải “thở oxy” khi doanh thu của từng đêm diễn giảm đến gần 50%. Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu giải trí Thái Dương, cho biết: “Những năm gần đây, công ty sống nhờ chương trình Ngày xửa ngày xưa, lấy lãi từ chương trình này bù vào phần lỗ cho các thể loại kịch khác. Công ty chỉ ký hợp đồng biểu diễn chứ không dám đầu tư để tập vì chi phí nhiều. Chúng tôi tận dụng lại cảnh trí cũ, tái sử dụng đạo cụ, phong màn, bục bệ, làm mọi cách giảm chi phí để tự cứu lấy “ngôi nhà” của mình”.

Đơn vị Hoàng Thái Thanh, kiên trì với thể loại chính kịch sau những biến động phải dời nhà nhiều lần cũng phải đối mặt với vấn đề sinh tồn. Sân khấu này cũng phải làm mới, đổi món, cập nhật thêm kịch thiếu nhi với mong muốn tăng thêm thu nhập cứu mình và trụ lại được.

Lay hoay cầm cự

Tuấn Tú, fan ruột của Idecaf, Phú Nhuận… gần như không bỏ sót vở nào của các sân khấu kịch yêu thích nhưng gần đây không mặn mà đi xem kịch. Anh cho biết  các loại hình giải trí bây giờ khá nhiều, rạp phim hiện đại, sạch sẽ máy lạnh chạy phà phà,truyền hình thì có cả trăm kênh hội tụ còn nhiều sao hơn ở sân khấu kịch, internet cũng luôn có đủ món ăn chơi… nên để đến những sân khấu tù mù với cơ sở vật chất cũ kỹ cũng thấy ngại. Còn với Linh Chi, một khán giả yêu kịch nhưng cũng không còn mặn mà với các vở diễn thì tiết lộ: “Phim thì mới liên tục nhưng kịch lại toàn món cũ ăn quanh năm nên ngán, chán và không còn gì lôi cuốn để đến xem”.

Nói về việc đầu tư cho vở mới, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng cho biết: “Câu chuyện doanh thu đang đè nặng chúng tôi, khống chế những thăng hoa, sáng tạo của người nghệ sĩ. Mỗi năm họp mặt để hoạch định chiến lược, tôi và đồng nghiệp không dám nghĩ đến việc dàn dựng các tác phẩm đỉnh cao vì chi phí tăng chóng mặt. Những năm trước, một vở lớn cần khoảng 500 triệu đồng, năm nay con số không dưới 1 tỉ đồng.”

“Sân khấu của TP HCM đang trong giai đoạn rất khó khăn. Khán giả ngày nay ít đi xem kịch hơn, một phần cũng vì sức tấn công của các chương trình truyền hình và rất nhiều loại hình giải trí khác. Tiền thuê rạp tăng lên đỉnh điểm, sân khấu thiếu hụt nghệ sĩ “đinh” vì nghệ sĩ giờ bận rất nhiều việc: đóng phim, diễn hài, tham gia chương trình truyền hình thực tế...”- Bà bầu Hồng Vân cũng buông tiếng thở dài.

Ở điểm diễn Hoàng Thái Thanh cũng không sáng sủa hơn, bà bầu Ái Như,  đại diện của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng đang đánh vật với tình trạng doanh thu khủng hoảng cũng tiết lộ, một vở kịch đầu tư vài trăm triệu nhưng có những đêm diễn chỉ thu hút khoảng 80 chỗ ngồi, có đêm ít đến mức đành phải báo hủy.Chia sẻ với phóng viên,T.N, diễn viên kịch nổi tiếng cho biết chị yêu sân khấu, đó là nơi giúp chị trưởng thành về nghề diễn, nhưng với mỗi suất diễn cật lực cát- sê chưa đến 500 nghìn đồng, con đường mưu sinh quá vất vả, mờ mịt, thành ra khi có cơ hội với phim và truyền hình chị phải nắm bắt ngay nên nhiều khi cũng thấy áy náy khi thấy ngôi nhà mình lớn lên đang lay hoay trong gian khó nhưng cũng không biết phải làm sao.

Theo Thu Vân
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm