Thời của những gameshow kỳ quái xâm lấn truyền hình?
(Dân trí) - Thời gian gần đây, truyền hình xuất hiện rất nhiều game show mới mang tính chất “độc”, “dị”, “lạ”… Những game show này liệu có thực sự mang đến cho khán giả những giá trị tinh thần bổ ích?
Game show quá nhạy cảm
Sự xuất hiện của một loạt game show mới liên quan đến các lĩnh vực gia đình, tình yêu (hẹn hò), ẩm thực, võ thuật, ảo thuật… đã khiến cho hình thức giải trí này trở nên đa dạng. Khán giả vì thế mà không phải “kêu trời, kêu đất” vì cứ hễ mở tivi lên lại phải xem hài nhảm - hài tục, cuộc thi âm nhạc, vũ đạo, thời trang… Điểm dễ nhận thấy là các nhà sản xuất đang dịch chuyển game show theo hướng có nhiều yếu tố mới lạ - độc dị, thậm chí gây sốc để tránh sự nhàm chán cho người xem. Tuy nhiên, không phải game show nào lên sóng cũng thực sự mang đến những giá trị tinh thần đúng nghĩa.
Bên cạnh một số game show mới mang đến nhiều hiệu ứng tích cực gần đây như: Đấu trường võ nhạc, Ảo thuật siêu phàm, Vợ chồng son, Quý ông đại chiến… thì cũng có những game show gây tranh cãi ngay từ khi mới ra mắt chương trình.
Ngay từ khi giới thiệu game show “Người chồng trong mơ” sẽ phát sóng lúc 22h thứ 7 hàng tuần (bắt đầu từ 2/6) trên HTV7 với nội dung buộc các ông chồng phải nhìn vợ sống với người đàn ông khác (người chồng trong mơ) để nhận ra những thiếu sót của bản thân trong quá trình sống chung, từ đó, người chồng sẽ đưa ra quyết định có (hay không) làm “người chồng trong mơ” của người vợ mà không cần bất kỳ ai phải đóng thế nữa đã khiến khán giả đặt ra nhiều câu hỏi. “Không biết tăng thêm hạnh phúc hay là đổ vỡ đây?”, là câu hỏi mà nhiều độc giả đưa ra khi xem qua phần giới thiệu.
“Dare Pong” (phát trên Youtube) mới đây cũng bị chê “không khác gì phim cấp 3” khi người chơi thể hiện sự bạo dạn quá đà trước ống kính. Đặc biệt, ở tập 6, diễn viên Yến Hana và Kin chấp nhận thử thách “để đối phương lột đồ của bạn bằng răng, chỉ trừ lại đồ lót”. Toàn bộ quá trình lột đồ diễn ra ngay trước ống kính và Yến Hana phải mặc đồ lót đến cuối chương trình.
Tập 7, hot girl Sơn Ca cũng chịu để bạn chơi cởi áo, sau đó dùng bông tắm lau khắp cơ thể, không trừ chỗ nhạy cảm. Cặp này còn mô tả những tư thế “yêu” thích nhất với bạn diễn. Những cuộc đối thoại, câu hỏi giữa người dẫn chương trình và những người chơi gần như chỉ xoay quanh chuyện “quan hệ”. Rồi những yêu cầu liếm tai, hôn, ôm ấp nhau… (kể cả khi chỉ mặc đồ lót) đã khiến cho game show này trở nên nhạy cảm. Nhiều người xem đã thể hiện sự “nóng mặt” của mình bằng những bình luận hết sức gay gắt.
Một số các game show hẹn hò đang phát sóng gần đây cũng có ý kiến được cho quá sa đà vào việc mang đến những yếu tố mới lạ nên trở thành “kỳ dị”. Việc mua vui cho khán giả chưa thấy đâu đã khiến cho người chơi nhận về nhiều “gạch đá” vì hành vi của không bình thường và thậm chí hơi thô thiển. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, nhà sản xuất đang cố tình gây sốc hoặc người chơi đang tự gây sự chú ý nên mới có những chi tiết kỳ quái xuất hiện trong game show.
Cái gì mà “quá” cũng sẽ không hay!
Đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cho rằng, sự nở rộ của các thể loại game show trên truyền hình là xu hướng tất yếu của nhiều nước trên thế giới. Càng nhiều game show ra đời, sự cạnh tranh lại càng khốc liệt. Để kéo khán giả đến với game show của mình, nhiều nhà sản xuất buộc phải tìm những lối đi riêng và yếu tố “độc”, “lạ”, “dị”… sẽ luôn được đặt lên hàng đầu. Những game show kỳ quái có thể gây ra những phản ứng trái chiều nhưng ít ra còn có cơ hội để nổi bật lên giữa muôn vàn game show khác.
“Tâm lý của người xem truyền hình là cái gì càng lạ người ta càng tò mò. Nhưng với người sản xuất truyền hình thì “lạ” thôi chưa đủ mà còn phải có cả yếu tố “độc” nữa. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất vì sa đà vào việc tạo ra sự “độc” - “dị” mà làm cho game show vượt ra khỏi tầm chấp nhận của người xem. Với người Việt Nam, kể cả là game show giải trí thì cũng phải mang đến những giá trị về mặt thẩm mỹ và giáo dục”, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn phân tích.
Nhà sản xuất V. S - TP.HCM cho rằng, việc có nhiều game show khiến cho “miếng bánh” thị trường bị chia nhỏ. Nếu không có sự khác biệt để hút khán giả, game show sẽ nhanh chóng bị đào thải. Thời gian qua, việc nhiều game show bị trùng lắp về ý tưởng và nội dung đã khiến khán giả không còn mấy mặn mà với loại hình giải trí này. Vì thế, để có được cách thể hiện mới lạ, sáng tạo và hấp dẫn quả là thách thức không nhỏ đối với các nhà sản xuất hiện nay.
“Nói đi cũng phải nói lại, cái gì mà “quá” cũng sẽ không hay. Chẳng hạn, một game show mà quá nhiều những tình huống thử thách thô thiển như “Dare Pong” sẽ tạo nên sự phản cảm. Truyền hình hay mạng internet đều là các phương tiện không ai có thể kiểm soát được đối tượng người xem. Chính vì thế, nếu vì lợi nhuận mà “cố đấm ăn xôi” sẽ gặp hiểm họa khôn lường. Ngay cả ở nhiều nước phương tây có suy nghĩ thông thoáng, khán giả vẫn tẩy chay như thường những game show phản giáo dục, phản thẩm mỹ và hư cấu quá đà”, nhà sản xuất V.S nhấn mạnh.
Bản thân nghệ sĩ Trà My cũng tâm sự, trước thực trạng của các game show hiện nay chị thường phải nhắc nhở con trai (đang học cấp 3) có sự chọn lọc để xem. Nếu những game show nào quá kỳ quái và dị hợm chị sẽ tuyệt đối không cho con xem. Theo nghệ sĩ Trà My, ngay cả người lớn khi xem những game show đó cũng cảm thấy bực mình vì lố lăng huống hồ con trẻ. Việc tiêm nhiễm những điều không hay thông qua các loại hình giải trí như game show cũng sẽ tác động không nhỏ đến nhận thức và hành vi của người trẻ, nhất là người trẻ đang trong độ tuổi trưởng thành.
Hà Tùng Long