Huế:

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế: “Xứng đáng là Di sản ký ức thế giới”

(Dân trí) - Ngày 9/5 tại TP Huế đã diễn ra Hội thảo khoa học quan trọng “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”. Đa số ý kiến cho rằng, loại hình thơ văn độc đáo trên xứng đáng được đưa vào Di sản ký ức thế giới.

Có “1 bảo tàng văn chương” đặc biệt chỉ riêng tại Huế

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngoài 2 di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận là Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới vào 1993 và Nhã nhạc Cung đình Huế là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2003 (từ năm 2008 gọi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), hiện có 1 loại hình rất đặc sắc, khu biệt nằm trong lòng Quần thể Di tích Cố đô Huế: đó là hệ thống thơ văn trang trí trên kiến trúc cung đình thời Nguyễn.

Hệ thống thơ văn với toàn bộ chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vốn được tuyển chọn từ trước tác của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men hay đắp nổi trên các công trình kiến trúc cung đình tại Kinh đô Huế trong giai đoạn 1802-1945.

Hệ thống này bao gồm hàng ngàn bài thơ, bài văn, câu đối được thể hiện trực tiếp bằng nhiều loại hình chất liệu khác nhau (gỗ, xà cừ, pháp lam, sành sứ...) trên công trình kiến trúc như một cách thức trang trí đặc biệt, riêng chỉ có tại Huế.

Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”

Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”

“Trải qua thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, các thảm họa thiên nhiên và con người, Cố đô Huế vẫn còn bảo tồn được một số lượng rất lớn hệ thống thơ văn độc đáo này. Theo thống kê, hiện nay trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 78 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Đó thật sự là một bảo tàng sống động về văn chương thời Nguyễn” - TS. Phan Thanh Hải nhận định.

TS. Nguyễn Tuấn Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhận xét, “Đây là một di sản vô giá mà triều Nguyễn đã di tặng cho thế hệ sau, di sản này hoàn toàn xứng đáng được UNESCO vinh danh như các di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới”.

Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”

Các bài thơ chữ Hán đi cạnh những bức họa (theo kiểu nhất thi nhất họa) trên mái ngói điện Thái Hòa, Kinh thành Huế

Ông Cường đánh giá cao tính nguyên bản và của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế: “Qua nghiên cứu, đây là tài liệu nguyên gốc, chưa hề bị chỉnh sửa, thay đổi (trừ sự tàn phá của chiến tranh, thời gian, thiên nhiên…). Chỉ riêng đặc điểm này đã thể hiện giá trị nổi bật và độc đáo của hệ thống thơ văn. Cổ nhân cũng đã lựa chọn chính xác và hợp lý khi lựa chọn, sử dụng văn tự cung đình duy nhất là chữ Hán, thể hiện tính uy nghiêm, trang trọng, bác nhã”.

Độc đáo, đa dạng và đầy tính nghệ thuật

Theo TS. Nguyễn Tuấn Cường, với tư cách là những sáng tác thơ văn của hoàng đế, quan lại, văn nhân triều Nguyễn, hệ thống di văn trên kiến trúc cung đình Huế là tư liệu phục vụ nghiên cứu nhiều bình diện liên quan đến lịch sử, văn chương, văn hóa của triều Nguyễn.

Về lịch sử, đó là những áng thơ văn khẳng định tính độc lập của dân tộc, như bài thơ ở nổi tiếng điện Thái Hòa (ngôi điện quan trọng nhất của triều Nguyễn tại Kinh thành Huế): Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lí đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu (Dịch nghĩa: Nước ngàn năm văn hiến, Thống nhất cơ đồ muôn dặm, Từ sau khi họ Hồng Bàng mở cõi, Nước Nam là một quốc gia thái bình).

Bài thơ nổi tiếng ở chính giữa điện Thái Hòa khẳng định tính độc lập của dân tộc

Bài thơ nổi tiếng ở chính giữa điện Thái Hòa khẳng định tính độc lập của dân tộc

Về văn chương, đó là những tác phẩm với nội dung ca ngợi thiên nhiên, phong cảnh, quan hệ nhân luân, mĩ đức, tụng ca tổ quốc, đế vương. Và không thể thiếu những tác phẩm xưng tụng công trạng và đức độ của các hoàng đế của vương triều. Ví dụ về một tác phẩm trong điện Thái Hòa ca tụng đức độ của hoàng đế lan tỏa khắp nơi, ban ân điển cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc: Thánh đức lâm trung thổ/ Hoàng phong phiến vạn phương (Dịch nghĩa: Đức của bậc thánh tỏa khắp vùng trung thổ, Phong thái của đế vương lan tỏa khắp muôn phương).

Xét về thể loại, trong hệ thống di văn trên kiến trúc cung đình Huế có nhiều thể loại văn học truyền thống mang tính, trong đó thiên về vận văn (văn vần) hơn là tản văn và biền văn. Đó là những bài ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, câu đối nhiều loại dài ngắn khắc nhau, những bức đại tự một chữ hoặc nhiều chữ được trình bày trong khung cảnh gắn kết với những di văn chung quanh. Ngoài vận văn, cũng có những bài tản văn ngắn gọn, với ngôn từ trang trọng, bác nhã. Tất cả những thể loại này đều có đặc điểm chung là ngôn ngữ cô đọng, đúc rút, súc tích, lời ít ý nhiều, chính là cảnh giới biểu đạt cao nhất trong ngôn ngữ cổ Hán văn.

Tính nghệ thuật ở trong hệ thống thơ văn trên cũng thể hiện đầy đủ với 4 đặc điểm: nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chơi chữ, nghệ thuật sử dụng điển cố, và nghệ thuật kết hợp thi - họa.

Ở nghệ thuật thư pháp: có các thể chữ đa dạng, gồm có đủ các thể chữ Hán căn bản là Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo được bài trí đẹp mắt, vừa trí tuệ, lại vừa cao nhã, vừa cân xứng trong nội bộ bức thư pháp, lại vừa hài hòa với phối cảnh chung quanh. Đây là nhóm tư liệu quan trọng để nghiên cứu về lịch sử thư pháp Việt Nam, cũng là một khía cạnh đóng góp của Việt Nam cho chỉnh thể thư pháp chữ vuông của khu vực Đông Á.

Nhiều thể loại thư pháp ở hệ thống thơ văn trong kiến trúc cung đình Huế

Nhiều thể loại thư pháp ở hệ thống thơ văn trong kiến trúc cung đình Huế

Đặc biệt ở nghệ thuật chơi chữ, khi nhắc đến những bài thơ trình bày bằng kĩ xảo hồi văn liên hoàn của vua Thiệu Trị trên bức khảm xà cừ ở kiến trúc điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế). Được nhắc đến nhiều hơn cả là bài thơ Vũ trung sơn thủy 雨中山水 (Non nước trong mưa), gồm 64 chữ Hán, đã được một học giả nổi tiếng trong ngành ngôn ngữ học của Việt Nam là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn phân tích và tìm ra tổng cộng 128 cách đọc 64 chữ này thành các bài thơ thất ngôn hoặc ngũ ngôn khác nhau, và bài nào cũng có nghĩa.

Nhiều thể loại thư pháp ở hệ thống thơ văn trong kiến trúc cung đình Huế
Bức vách gỗ ở điện Long An được trang trí bởi các bài thơ xen lẫn giữa những bức họa cỏ cây khảm xà cừ. Bài Vũ trung sơn thủy của vua Thiệu Trị nằm chính giữa có 128 cách đọc đối với 64 chữ

“Đây là một hiện tượng không tiền khoáng hậu trong lịch sử sử dụng thể hồi văn liên hoàn ở các nước Đông Á, thể hiện khả năng kết hợp ngữ nghĩa một cách đa dạng của chữ Hán với tư cách là văn tự để ghi chép một thứ ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính, lại cũng thể hiện trí tuệ tài hoa tuyệt đỉnh của một đấng quân vương Việt Nam thời trung đại. Ngoài ra vua Thiệu Trị còn một bài nhan đề Phước viên văn hội lương dạ mạn ngâm 福園文會良夜漫吟 cũng sử dụng thể hồi văn liên hoàn tương tự” – TS. Cường phân tích.

Ngoài ra, với lối ngôn ngữ điển nhã rất đặc trưng của mình, hệ thống di văn trên kiến trúc cung đình Huế áp dụng nhiều nghệ thuật điển cố đã thành đặc trưng chung của ngôn ngữ Hán văn ở khu vực Đông Á.

Cuối cùng là nghệ thuật kết hợp thi – họa: rất nhiều đơn vị thơ văn này được bài trí bằng cách kết hợp một ô thơ với một bức họa, hoặc một bức đại tự với một bức họa, tạo thành kiểu kết hợp "nhất thi nhất họa", "nhất tự nhất họa" rất độc đáo và đặc trưng cho lối bài trí hoa mĩ ở cung đình. Điều này là sự thể hiện của trường phái "thi trung hữu họa, họa trung hữu thi" đã trở thành cổ điển trong truyền thống nghệ thuật Đông Á. Thi và họa tô điểm cho nhau, bổ sung cho nhau, làm nền cho nhau để cùng tôn nhau lên, nhằm đạt tới một cảnh giới biểu đạt cao hơn hẳn so với khả năng biểu đạt của từng cá thể đơn lẻ.

Bài trí nhất tự nhất họa (trên) và nhất thi nhất họa
(dưới) ở điện Long An

Bài trí nhất tự nhất họa (trên) và nhất thi nhất họa (dưới) ở điện Long An

Xứng đáng trở thành di sản ký ức thế giới

GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhìn nhận, hệ thống thơ văn trên di tích kiến trúc cung đình Huế là 1 loại hình di sản tư liệu có tầm quốc gia và quốc tế. Đối với các tiêu chí được UNESCO hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký đưa vào Danh mục Ký ức Thế giới, cá nhân GS. Tiêu nhận thấy Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đáp ứng đầy đủ các Tiêu chí để được vinh danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới.

Đó là các tính xác thực (giá trị bản gốc độc bản của các sản phẩm này, chưa bị sửa chữa, thay đổi hay làm mới; do chính các vị vua và các văn nhân nổi tiếng triều Nguyễn sáng tạo nên với con người cụ thể, niên hiệu cụ thể); tính toàn vẹn (do chiến tranh và điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên có một ít công trình kiến trúc cung đình Huế bị hủy hoại, tuy nhiên loại hình di sản này vẫn giữ được như là hiện vật gốc độc bản, chưa bị sửa đổi và hư hỏng);

Tính độc đáo và duy nhất (hàng ngàn bài thơ văn, câu đối được chọn lọc kỹ càng được lưu giữ trên các liên ba, đố bản, vách ván… ở thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, phủ đệ, vườn ngự uyển, chùa chiền, cầu. Không có một di tích lịch sử - văn hóa nào ở Việt Nam lại có hình thức trang trí trên công trình kiến trúc độc đáo như ở Cố đô Huế. Đến tham quan di tích Cố đô Huế, nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước dễ dàng có thể nhìn thấy và khai thác được nguồn tư liệu rất độc đáo này. Những áng thơ văn này lại được "nghệ thuật hóa", "kỹ thuật hóa" bằng cách chạm khắc, khảm cẩn, tráng men, đắp nổi,… thể hiện một cách tinh tế, điêu luyện, sáng tạo trong cách sử dụng nhiều chất liệu khác nhau);

Thơ văn trên tranh gương độc đáo thời vua Nguyễn tại Huế

Thơ văn trên tranh gương độc đáo thời vua Nguyễn tại Huế

Về ý nghĩa quốc tế, di sản trên không chỉ đáp ứng một mà gần như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về ý nghĩa quốc tế nêu trong Hướng dẫn chung về bảo vệ di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới. Như tiêu chí về thời gian, tiêu chí về địa điểm, tiêu chí về con người, tiêu chí về hình thức và phong cách.

Tuy nhiên, GS. Lưu Trần Tiêu cũng lưu ý về mức độ nguy hiểm đối với loại hình di sản này. Do Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt ẩm, mưa nhiều, nắng gắt, bão lụt thường xuyên xảy ra, số lượng tư liệu vô cùng lớn, lại lưu giữ trực tiếp trên di tích kiến trúc, nên hoạt động bảo tồn không hề đơn giản, rất khác so với việc bảo tồn di sản tư liệu trong bảo tàng, thư viện. Điều đặc biệt đối với việc bảo tồn loại hình di sản đặc thù này là: bên cạnh việc thường xuyên tiến hành các hoạt động bảo quản bằng phương pháp truyền thống và hiện đại, phải xây dựng và triển khai các dự án bảo tồn tổng thể cả công trình kiến trúc, bởi vì nó gắn liền với công trình kiến trúc.

Thơ văn trên tranh gương độc đáo thời vua Nguyễn tại Huế

Mảng đố bảng trang trí linh tự chữ Phạn, các bì kệ chữ Hán, các biểu tượng Bát bửu, cổ đồ trong Đại Hùng bảo điện ở quốc tự Thánh Duyên (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)

TS.Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa sau khi đề cập đến tình trạng của di sản Huế và hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình, đối chiếu với hệ thống tiêu chí của Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO, đã thống nhất cho rằng di sản này phù hợp để xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO tôn vinh. Ông cũng đề nghị phải đánh giá kiểm kê một cách tổng thể hiện trạng bảo quản của di sản này. Từ đó, đưa ra các kế hoạch, giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị. Ngoài ra phải để ý tới vấn đề đào tạo con người để quảng bá về các giá trị của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang lập Hồ sơ đề cử “Hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế” là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm này, nếu được UNESCO vinh danh, đây sẽ là trường hợp hết sức thú vị khi có một loại hình di sản (Hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế) nằm ngay trong di sản (là Quần thể Di tích Cố đô Huế). Nói về vấn đề này, TS. Vũ Thị Minh Hương, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức Thế giới Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho ý kiến:

“Với toàn bộ những giá trị vốn có của di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, chúng tôi mong muốn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hãy bám sát các tiêu chí và Sách hướng dẫn của UNESCO để hoàn thiện hồ sơ, sớm trình Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam để trình lên Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam theo quy định. Chúng tôi tin tưởng di sản trên sẽ sớm được vinh danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO như một di sản nằm trong Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận”.

*"Ký ức của Thế giới" là ký ức của toàn thể những di sản tư liệu của toàn nhân loại về các lĩnh vực: chính trị, lịch sử, văn hóa... thể hiện sự phát triển của tư tưởng cũng như thành tựu của xã hội loài người. Đây là di sản của quá khứ đối với cộng đồng thế giới hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, năm 1992, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã khởi xướng Chương trình Ký ức thế giới (tiếng Anh là: Memory of the World - viết tắt là MOW).

Mục đích của Chương trình MOW là thông qua danh mục Di sản tư liệu thế giới nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong việc gìn giữ các sưu tập tài liệu quý, hiếm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và tiếp cận chúng, cụ thể là: Ghi nhận những di sản tài liệu có giá trị quốc tế, khu vực và quốc gia; Bảo quản các bộ sưu tập tài liệu có nguy cơ bị hủy hoại do thời gian, do chiến tranh và những biến động xã hội khác; Tổ chức lại các bộ sưu tập đang bị phân tán và tổ chức phục vụ nghiên cứu các tư liệu này; Nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của công tác bảo tồn những di sản tư liệu quý, hiếm…

*Tính đến nay, Việt Nam đã sở hữu 4 Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, trong đó có hai Di sản tư liệu thế giới và hai Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Gồm: “Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn” năm 2009; “Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám” năm 2010; “Mộc bản Kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm” năm 2012 và “Châu bản Triều Nguyễn” năm 2014.

*”Dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841), việc sử dụng thơ văn để trang trí trên công trình kiến trúc trở thành điển chế, tiếp nối là thời vua Thiệu Trị (1841-1847) và vua Tự Đức (1848-1883). Từ thời vua Đồng Khánh (1885-1888) trở về sau, triều Nguyễn chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây, bên cạnh kiến trúc gỗ, xuất hiện loại hình kiến trúc mới, sử dụng vật liệu bê tông, sắt thép và nghệ thuật trang trí chủ yếu được thể hiện bằng kỹ thuật đắp nổi sành sứ. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, cách trang trí một ô thơ hoặc một đại tự (một chữ triện) đi liền với một bức họa được gọi là "nhất thi nhất họa" hay "nhất tự nhất họa" (còn gọi là "nhất triện nhất họa") gần như trở thành một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, kể cả một số quốc tự thời Nguyễn” – TS.Phan Thanh Hải cùng nhóm cộng sự.

















Đại Dương