“Thơ tục” xuất hiện ở ngay chính điện thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông

Một bài thơ ca ngợi vị thần tình dục nổi tiếng của Trung Hoa - Vu Sơn Vu Giáp lại được viết lên một đôi lộc bình đặt ở chính điện chùa Vân Tiêu, Yên Tử...

Trong hội thảo Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề biểu tượng trang trí trong quá trình hội nhập ở Việt Nam ngày 23/11 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Hà Nội, TS Trần Trọng Dương “Viện nghiên cứu Hán Nôm” đã phải dùng hai từ “kinh khủng” khi nói về lỗi văn phong trong việc dùng chữ Hán một cách bừa bãi thiếu hiểu biết tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh).

TS Trần Trọng Dương cho biết, khi đến chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh) ông vô tình đọc được một bài thơ sex của Trung Quốc ngay trên đôi lộc bình đặt tại đây. Đó là một điều “kinh khủng” về văn phong khi người Việt sử dụng chữ Hán một cách bừa bãi tại nơi thờ cúng mà không hiểu biết.

Bài thơ trên đôi lục bình viết rằng: “Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường” (dịch nghĩa là: “Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường”.

Bài thơ tục được viết trên lọ lộc bình tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh)

Bài "thơ tục" được viết trên lọ lộc bình tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh)

“Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục nổi tiếng của thơ văn Trung Hoa. Bây giờ chúng được đưa lên non thiêng Yên Tử thế này hoàn toàn không phù hợp. Nếu những ai biết chữ Hán chắc chắn họ sẽ cười khi một bài thơ tục lại được đặt ở chính điện của chùa Vân Tiêu - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông từng tu luyện. Ngài ngồi ở đỉnh Vân Tiêu chơi cánh diều. Cụ chơi diều chứ chơi gì những cái này…” - TS Trần Trọng Dương lý giải.

TS Trần Trọng Dương cũng nhấn mạnh, đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về một tình trạng nhức nhối đang tồn tại ở tại các di tích hàng đầu Việt Nam. Mọi người cứ tự làm, tự xây và tự cung tiến mà không có một sự kiểm soát nào. “Chính vì vậy tôi mong rằng, ban lãnh đạo có thẩm quyền và cấp quản lý cần phải xây dựng hệ thống một bảng các linh vật được phép sử dụng, cung tiến. Cùng với đó là các tiêu chí, thông số kỹ thuật xem có đúng hay sai, thuần Việt không hay mang yếu tố ngoại lai? Từ đó chúng ta cũng có những phương án xử lý cụ thể với những trường hợp thực hiện sai”.

Khi hỏi ý kiến về điều này, nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm cho biết, đây là một tình trạng đã tồn tại từ khá lâu tại các di tích ở Việt Nam. Nó là một trong số rất nhiều ví dụ về “rác” và "lỗi" trong văn hóa thờ cúng của người Việt. Điều này có lỗi của cả nhà quản lý và sự thiếu hiểu biết của người dân khi không nhận được sự hướng dẫn cụ thể hay quy chuẩn chung cho những linh vật, hiện vật mà họ muốn cung tiến vào chùa, đền, đình…

Bài thơ tục được viết trên lọ lộc bình tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh)

Chính điện chùa Vân Tiêu với đôi lộc bình có bài "thơ tục" hai bên. Nhưng, hiện tại đã được Ban quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh) dời đi.

Còn theo Nhà Sử học Dương Trung Quốc, với vấn đề này thì trước hết chúng ta cần phải vận dụng Luật (Luật Di sản). Vì chính trong Luật cũng đã quy định, không được đưa những vật lạ vào di tích. Dù chúng ta hết sức cởi mở trong việc tiếp nhận văn hóa nhưng phải tôn trọng bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, việc đầu tiên ta cần làm là phải quản lý các di tích thật chặt theo Luật. Di tích càng quan trọng thì càng phải chặt.

Cùng ý kiến với Nhà Sử học Dương Trung Quốc, bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch nêu rõ: “Trong công tác quản lý, cấp lãnh đạo luôn yêu cầu các di tích, trong hồ sơ có những hiện vật gì thì chúng ta phải quản lý, bảo tồn và phát huy hiện vật đó theo đúng hồ sơ quy định. Còn những hiện vật không nằm trong hồ sơ đó thì ai nhận và cung tiến vào thì người đó phải chịu trách nhiệm đưa ra khỏi di tích nếu không thì sẽ vi phạm luật và buộc phải xử lý”.


Theo Huy Phương
VOV