Thị trường mỹ thuật “vàng thau lẫn lộn”
(Dân trí) - Mỹ thuật đã trở thành một kênh đầu tư được quan tâm trong những năm gần đây khi những người có nguồn tiền dư giả muốn đầu tư và sinh lợi theo cấp số nhân. Nắm bắt được tâm lý này, ngày càng có nhiều tranh giả xuất hiện trên thị trường.
Chính xu hướng gia tăng đầu tư vào mỹ thuật đã khiến thị trường tranh giả ngày càng phát triển tinh vi tới mức có thể khiến những chuyên gia về tranh cũng bị đánh lừa.
Đức, một trong những đất nước có nền nghệ thuật phát triển hàng đầu Châu Âu, giờ đây được coi là một trong những “lò sản xuất” tranh giả lớn. Mới tháng 6 vừa qua, cảnh sát liên bang Đức đã triệt phá được hàng loạt băng nhóm những kẻ chuyên làm tranh giả.
“Supremus”, một tác phẩm nổi tiếng của của họa sĩ người Nga Kazimir Malevich bị làm giả rất nhiều ở Đức.
Trong vụ triệt phá lớn mà cảnh sát Đức thực hiện hồi tháng 6 vừa qua, họ đã tìm thấy hơn 1.000 tác phẩm mỹ thuật bị làm giả tại các cơ sở sản xuất tranh chép tinh vi. Theo điều tra của cảnh sát, ít nhất 400 bức tranh giả đã được các xưởng gia công ở Đức tuồn ra nước ngoài cho những nhà sưu tầm tư nhân.
Theo con số tính toán bán đầu, chỉ hai xưởng làm tranh giả ở đây đã kiếm được khoảng hai triệu euro (tương đương hơn 56 tỉ VND) trong khoảng thời gian từ 2011-2013.
Càng nhiều người mua tranh sẽ càng nhiều tranh giả
Những cơ sở sản xuất tranh giả thường xuyên bị phát hiện ở đây đó trên khắp thế giới. Hồi tháng 6 vừa qua, cảnh sát Đức đã phát hiện ra một trong những cơ sở sản xuất tranh giả lớn nhất nước này. Bị cáo có tên Wolfgang Beltracchi cùng với các đồng phạm của mình đã kiếm được ít nhất 16 triệu euro (tương đương hơn 448 tỉ VND) từ việc làm giả các tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng.
Bị cáo đứng đầu băng nhóm chuyên làm tranh giả - Wolfgang Beltracchi bị tòa án Đức kết án 6 năm tù giam.
Một trong những tác phẩm làm giả gây kinh ngạc của Beltracchi là “Bức tranh đỏ và những chú ngựa” của họa sĩ người Hà Lan Heinrich Campendonk (1889-1957). Bức tranh giả này đã từng được bán tại một cuộc đấu giá với giá lên tới 2,9 triệu euro (tương đương hơn 81 tỉ VND). Những tác phẩm tranh giả của Beltracchi đã qua mặt được cả những chuyên gia mỹ thuật.
Một nhà nghiên cứu mỹ thuật người Đức có tên Susanna Partsch, tác giả của cuốn “Viễn cảnh tội phạm hội họa”, cho rằng thị trường tranh giả đang phát triển song hành cùng với sự gia tăng đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật:
“Nghề làm tranh giả đã có từ lâu. Từ thế kỷ 19, khi thị trường mỹ thuật bắt đầu phát triển, khi các viện bảo tàng mỹ thuật được thành lập và không ngừng mua về những tác phẩm nổi tiếng để trưng bày, việc mua bán tranh bắt đầu trở nên sôi động, tạo cơ hội cho những kẻ làm tranh giả tung hoành”. Hiện tại, nước Ý là thị trường sản xuất tranh giả lớn nhất ở Châu Âu.
Kinh tế khủng hoảng, tranh giả càng nhiều
Dù kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng nhưng những cái giá triệu đô trả cho những bức tranh nổi tiếng vẫn đều đặn được xướng lên tại các buổi bán đấu giá. Lợi nhuận đến từ hội họa giờ đây đem lại những con số bất ngờ, tưởng như chỉ có ở… trên trời.
Hiện nay, khi đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nào cũng xuất hiện nhiều rủi ro thì dường như đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật lại sinh lời an toàn và hiệu quả nhất.
Những kẻ làm tranh giả sẵn sàng đáp ứng cho thị trường bất cứ bức tranh nào được đặt hàng. Tranh của những họa sĩ nổi tiếng trong các thời kỳ diễn ra chiến tranh thường hay bị làm giả nhất bởi các tác phẩm sáng tác trong thời kỳ này thường không được lưu giữ thông tin một cách cẩn thận, bị phân tán đi nhiều nơi, thất lạc, bị trộm cắp hoặc phá hỏng.
Đôi khi, những bức tranh tưởng đã bị mất tích bỗng bất ngờ xuất hiện trở lại trên thị trường tranh và tạo thành cơn sốt. Nắm được tâm lý này, tranh giả cũng tranh thủ cơ hội để tham gia vào cuộc chơi “vàng thau lẫn lộn”.
Một xưởng làm tranh chép ở Trung Quốc, chính từ những xưởng tranh này, tranh giả ra đời và trà trộn cùng tranh thật.
Dù nhiều vụ làm tranh giả đã bị phát hiện tại Châu Âu nhưng điều đó không giúp số lượng tranh giả giảm đi bởi trên thế giới, rất nhiều nước vẫn có những cơ sở chuyên làm tranh giả.
“Chẳng hạn như ở Trung Quốc, có hẳn một làng chuyên sản xuất tranh theo đơn đặt hàng, tất cả tranh được làm ở đây đều là những bản sao của các tác phẩm nổi tiếng. Họ chuyên nhận làm tranh chép, từ một bức tranh chỉ có giá 30 euro cho tới những bức tranh cầu kỳ, làm theo đơn đặt hàng riêng.
Một bức nàng Mona Lisa chỉ có giá 30 euro (tương đương gần 850.000 VND)
Đây là một chợ tranh lớn mà các nhà buôn tranh thường tìm tới, đặt hàng và trà trộn hàng thật hàng giả để bán lại tại Châu Âu hay Mỹ”, cô Katia Baudin đến từ viện bảo tàng Ludwig ở thành phố Cologne chia sẻ.
Ngày nay, trình độ của những người làm tranh giả đã trở nên rất tinh vi, nếu không kiểm tra bằng phương pháp khoa học, rất khó để có thể phân biệt thật giả. Tuy số lượng tranh giả xuất hiện ngày càng nhiều nhưng những cơ sở có đủ khả năng để thẩm định tranh thật tranh giả lại rất ít.
Cả nước Đức chỉ có một cơ sở nổi tiếng trong lĩnh vực này, đó là Viện Doerner ở Munich. Vì vậy, số lượng các tác phẩm cần làm kiểm tra luôn quá tải so với khả năng của viện, các bức tranh sẽ phải chờ khá lâu mới tới lượt được kiểm tra.
Như ở trường hợp bị cáo Beltracchi, anh ta đã làm giả tranh tinh vi đến mức trước khi tranh được đem ra bán tại cuộc đấu giá, nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đã được mời đến thẩm định cũng tin rằng đó là tranh thật.
Giờ đây, chỉ có kiểm tra bằng các tia la-de mới có thể khẳng định một bức tranh là thật hay giả. Những bài kiểm tra như vậy khá tốn kém và mất thời gian, nhưng đó là biện pháp duy nhất có thể phân biệt “vàng thau” trong thời đại nhiều người “đầu cơ mỹ thuật” như hiện nay.