Thị hiếu âm nhạc chạm đáy, vì đâu?
Thị trường âm nhạc gần đây được xem là thay đổi thị hiếu như thay áo. Càng thay, thị hiếu càng đi xuống. Tuy nhiên, cũng có người lạc quan cho rằng, hễ xuống đáy thì sẽ có lên, hễ xuống cấp thì cũng sẽ có cơ hội vực dậy.
Càng nhiều cú sốc văn hóa, càng vô cảm
Hiện tượng Lệ Rơi làm đau đầu nhiều nghệ sĩ, khi họ không hiểu vì sao cộng đồng mạng và giới truyền thông lại cùng nhau “tung hô” và “ném đá” chợ búa như thế. Không dưng Lệ Rơi nổi tiếng như một nhân vật giải trí, làm trò hề, và chao đảo giữa hai phe khẩu chiến. Người bảo vệ Lệ Rơi, xem như một hiện tượng chân thật, hát cái mình thích, và có người thích xem; người xem việc Lệ Rơi lên sân khấu hay vào phòng thu là cú tát vào giới ca sĩ chuyên nghiệp. Nghĩ cho cùng, chẳng cần quan tâm nhiều đến những chuyện như vậy, rồi tất cả sẽ đi vào quên lãng nếu không vì mục đích nghệ thuật.
Nhạc rác bùng phát dữ dội và cho dù vài trang mạng bị phạt, bị buộc gỡ bỏ, thì âm hưởng đáng sợ của những ca từ tục tĩu, bậy bạ dường như vẫn còn đó, vẫn được một bộ phận ca sĩ trẻ xuất xưởng và một bộ phận công chúng hưởng ứng nhiệt tình. Hễ cái gì có đất sống thì khó chết ngay được. Nhạc rác chỉ có thể làm đỏ mặt các bậc phụ huynh, làm xấu mặt nhà quản lý vì bất lực, nhưng không làm người sản xuất xấu hổ. Bằng chứng là bị cấm chỗ này, thì chỗ kia lại bùng lên.
Bảo Thy từng bị tố nhái nhạc Hàn, phong cách Hàn.
Có một thời lạ như bây giờ, là càng có nhiều cú sốc về văn hóa, người ta lại càng phủi tay, và miễn nhiễm trước mọi lời chỉ trích. Sốc vì ca từ quá tệ, sốc vì thói quen tạo scandal của một bộ phận trong giới ca sĩ, sốc vì cởi, khoe thân, thay vì khoe giọng. Và những đoàn fan cuồng vẫn phát điên vì thần tượng Kpop, sau đó là những gì na ná như Kpop do ca sĩ Việt bắt chước. Thời của nhiều ca sĩ nổi lên sau một đêm, nhờ một cuộc thi, nhờ truyền hình thực tế, nhờ những tài lẻ chứ không phải là vì nghệ thuật, sau đó được tung hô thành hiện tượng, tài năng. Thời của bắt chước, của nhạc nhái, mà tiếng gọi của đồng tiền réo rắt đôi khi mạnh hơn tiếng nói của lương tâm bên trong.
Cần người làm âm nhạc tử tế
Cứ thế, những người làm nghệ thuật đích thực đâm nản, vì không hiểu khán giả thời nay là ra sao, không hiểu thị hiếu của họ có vấn đề gì. Không có động lực để sáng tạo. Nói ra sự thật, lại bị cộng đồng mạng ném đá tơi tả, như trường hợp nhạc sĩ Quốc Trung, hay Trần Minh Phi...
Có những nhạc sĩ náu mình chờ đợi, hoặc có những người can đảm hơn, tách khỏi những tăm tối của showbiz, chỉ để tìm một mảnh đất khác để khai phá, để tìm một khoảng sân sạch để chơi. Những sân chơi mới như "Bài hát Việt", "Bài hát yêu thích"… giới thiệu nhiều tác giả trẻ, có bút lực, dường như có thể giúp thay máu cho dòng âm nhạc đang bị ô nhiễm. Thế nhưng, "Bài hát yêu thích" lại sớm dính phải nạn đạo, nhái, thực chất là sáng tác trên nền hòa thanh của người khác mà vẫn cho là sáng tác của mình. Các chương trình âm nhạc tử tế lần lượt ra đời, như "In the spotlight", "Vietnam Concert", "Câu chuyện âm nhạc", "Cầm tay mùa hè" thổi thêm sinh khí mới, nhưng tiếc là có những chương trình chết yểu vì thiếu tài trợ.
Cùng với những sân chơi này, là những ca sĩ bước ra từ các cuộc thi, nhưng không nóng vội tìm mọi cách để khai thác vòng hào quang đã lụi dần sau chiến thắng, mà đi theo con đường làm âm nhạc tử tế, văn minh, mang lại làn gió mới cho giới trẻ, “đè bẹp” thứ nhạc teen kẹo ngọt, với những "hoàng tử, công chúa bong bóng" nhạt nhẽo, không cá tính. Họ là những Văn Mai Hương, Uyên Linh, Đinh Hương, Hương Tràm, Võ Hạ Trâm, Trúc Nhân, Đinh Mạnh Ninh, Phạm Toàn Thắng, Phạm Đình Thanh Tâm… Và không ít ca sĩ đàn anh, đàn chị như Mỹ Linh, Anh Quân, Huy Tuấn đang cùng chung tay vào làm những dự án hay, dẫn dắt sau mình một thế hệ ca sĩ trẻ hiểu biết, có gu thẩm mỹ tốt và đặc biệt, chuyên tâm làm nghệ thuật.
Nguyên nhân sâu xa, theo nhiều người trong cuộc, có phần dễ dãi của truyền thông, của quản lý văn hóa. Truyền thông lăng xê quá đà những gì chưa phải thực chất, những hiện tượng câu khách, mà không chịu trách nhiệm về hậu quả. Còn phía quản lý thì bỏ ngỏ một thời gian dài, cũng có phạt, cũng có nhắc nhở, nhưng chẳng đâu vào đâu.
Tuy nhiên, nhiều người bỏ qua yếu tố thị hiếu xuống thấp, cũng một phần vì văn hóa xuống đáy, vì dân trí thấp. Tất cả cũng có phần của một nền giáo dục không dạy cho người ta lòng tự trọng khi lấy cắp tác phẩm hay hình ảnh của người khác, không dạy cho người ta biết thụ hưởng nghệ thuật đúng nghĩa, không dạy về thẩm mỹ một cách thấu đáo. Một nền giáo dục ngơ ngác, hoảng loạn, trống trơ như hiện nay, không tự cứu được mình, thì càng không làm được điều này. Một nền tảng giáo dục gia đình lỏng lẻo, khiến giới trẻ đổ lấp vào mình những khoảng trống văn hóa bằng những trào lưu phi nghệ thuật.
Chưa bao giờ, cái đẹp trong tâm hồn cùng những giá trị đạo đức, tinh thần bị đẩy xuống thấp ngang hàng cái dung tục, tầm thường, sự ham muốn vật chất tột độ. Một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, những điều trên cảnh báo xã hội VN đang ở giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Văn hóa đã xuống cấp đến mức chạm đáy, trong khi đó, cái chuẩn chưa xuất hiện. Nếu không thay đổi tận gốc, những tệ hại khác sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Ca sĩ Phương Thanh: “Cái gì quá đà cũng sẽ bị đào thải” Thẩm mỹ văn hóa xuống cấp, trước hết là do truyền thông. Cái gì câu khách cũng đều đưa lên mặt báo, dù đó không phải là câu chuyện về nghệ sĩ, những người làm nghề. Điều đó làm những ca sĩ lâu năm và tâm huyết như chúng tôi rất buồn. Ai cũng có uy tín và giá trị của mình, cũng lo gìn giữ, chứ đâu phải là những người chuyên sống và nổi tiếng bằng scandal, bằng những gì không phải là nghệ thuật. Chính vì thế, tôi rất ủng hộ những việc làm của Mỹ Linh và một số đồng nghiệp khác. Đó cũng là một cách đi tìm tài năng, mà tài năng thì đáng quý quá trong thời buổi này. Nếu có thể, chúng tôi vẫn muốn làm một gì đó cho nhạc Việt. Chỉ tiếc là những người có tâm thì không đủ thủ đoạn, không đọ nổi những kẻ thích tung chiêu trò. Tuy nhiên cũng không sao. Tôi nghĩ đây là một chu kỳ. Riết rồi giới showbiz cũng chán những chiêu trò kiểu này. Cái gì cũng phải có điểm dừng. Từng dòng nhạc cũng phải thay đổi, giai đoạn lũng đoạn cũng sẽ hết. Nói thật, nghe chính quy hát hoài cũng chán, người ta chuyển sang giải trí, với những gì hài vui, nhưng nếu đi quá đà thì thành nhảm, rồi cũng bị đào thải… Ca sĩ Ánh Tuyết: “Nói mãi cũng không ai nghe” Theo tôi, văn hóa xuống cấp thành thảm họa, mà nguyên nhân chính là do truyền thông và nhà quản lý. Đổ thừa cho cộng đồng mạng cũng không xong, vì khi báo đưa tin, thì cộng đồng mạng mới biết. Tại sao không nghĩ đến trách nhiệm làm sao để cộng đồng mạng thay đổi thị hiếu hay thẩm mỹ nghệ thuật? Có tờ báo còn mời Lệ Rơi đi giao lưu, rồi bầu sô cũng mời đi diễn, nghe xong mà chúng tôi cũng rơi lệ luôn. Tại sao truyền thông không lờ đi những scandal, để những chiêu trò không còn đất sống? Về phía nhà quản lý, dường như chỉ nói suông thôi chứ không quản lý xuể. Nếu có làm, thì là làm khó cho những người đang làm nghệ thuật chân chính. Người ta chỉ chú ý đến những gì có liên quan đến chính trị hay không thôi, còn lại bỏ lơ; nếu có phạt thì nhẹ hều, thành ra người ta sẵn sàng chịu phạt để nhanh nổi tiếng hơn. Âm nhạc ngày càng trở thành thảm họa. Những người có trách nhiệm chỉ biết xót xa. Tôi chỉ là “thợ đụng”, ai kêu làm được chuyện gì thì mình làm, từ làm từ thiện, đến bất kỳ việc gì có lợi cho cuộc đời, cho nghệ thuật. M.T (ghi) |
Theo Minh Thi