Thêm nhiều ý kiến xoay quanh việc nới lỏng các quy định về cuộc thi sắc đẹp

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Việc nới lỏng các quy định đối với các cuộc thi sắc đẹp được đề cập đến trong dự thảo Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Xử phạt mạnh hơn chứ không nhắc nhở nhẹ nhàng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia cho rằng, việc nới lỏng một số quy định trong dự thảo Nghị định mới không đến mức làm náo loạn danh hiệu. Mà xét ở một góc độ nào đó, chúng ta sẽ trả lại danh hiệu hoa hậu đúng vị trí mà nó vốn đóng vai trò trong xã hội.

“Việc cấp phép trước đây của chúng ta vô tình tạo nên thương hiệu cho một cuộc thi. Chính sự vô tình đó dẫn đến việc người ta lấy thương hiệu để xin tài trợ, quảng bá rầm rộ cuộc thi, dẫn đến hệ lụy. Vì muốn tránh như thế, chúng ta sẽ không có cấp phép từ Cục Nghệ thuật biểu diễn nữa mà trả lại quyền này cho các địa phương”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Thêm nhiều ý kiến xoay quanh việc nới lỏng các quy định về cuộc thi sắc đẹp - 1

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phân quyền cho địa phương cấp phép các cuộc thi hoa hậu phù hợp với xu thế mới.

Bà Trần Thị Hoàng Mai – PGĐ Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng, vùng đất được mệnh danh là “xứ sở của người đẹp” cũng cho rằng, việc phân cấp cho địa phương cấp phép các cuộc thi sắc đẹp phù hợp với xu hướng cải cách hành chính. Các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và năng lực lẫn uy tín của đơn vị xin cấp phép tổ chức mà xem xét cấp phép. Việc mở rộng quy định như vậy sẽ tăng thêm tính chủ động cho địa phương nhiều hơn.

Về vấn đề này, NSND Nguyễn Quang Vinh – quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, hiện nay Việt Nam phát triển khá mạnh về các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Chính sách của nhà nước là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hoạt động biểu diễn theo quy định pháp luật. Hầu hết các cuộc thi này không sử dụng ngân sách nhà nước mà được xã hội hóa. Vì vậy, không nên cấm nếu họ không vi phạm pháp luật.

NSND Nguyễn Quang Vinh phân tích, thực tế cho thấy chỉ một số thành phố lớn đủ tiềm lực và điều kiện thi người đẹp, người mẫu và cũng không nhiều doanh nghiệp, đơn vị đủ uy tín tổ chức thi nhan sắc.

“Nghị định mới đúng là chủ trương phân cấp cho địa phương, đi liền với đó là tăng cường hậu kiểm, xử phạt mạnh hơn chứ không nhắc nhở nhẹ nhàng. Đi kèm với Nghị định này bao giờ cũng có Nghị định xử phạt để phối hợp thanh tra nhằm điều chỉnh, xử phạt các hành vi vi phạm”, NSND Quang Vinh nói.

Nên để người đăng quang thể hiện vai trò trong xã hội

Liên quan đến chuyện, dự thảo Nghị định mới quy định, các người đẹp đi thi quốc tế không nhất thiết phải lọt Top 3 các cuộc thi sắc đẹp trong nước mà chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của BTC cuộc thi quốc tế đó thì sẽ được cấp phép, “cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam là nhà báo Dương Kỳ Anh cho rằng, bất kỳ người đẹp nào đại diện cho Việt Nam đi thi quốc tế đều phải là Hoa hậu, Á hậu. Nếu đi thi với tư cách cá nhân thì không cần bất kỳ danh hiệu nào, không cần xin phép... nhưng danh hiệu đó nên cân nhắc khi thừa nhận.

Đồng quan điểm, chuyên gia Phúc Nguyễn cũng cho rằng, một trong những cách để dẹp loạn nạn “thi chui” đó là phải Top 3 hoặc Top 5 một cuộc thi sắc đẹp uy tín trong nước mới được cấp phép đại diện cho Việt Nam dự thi “đấu trường” nhan sắc quốc tế. Nếu ai lấy danh nghĩa cá nhân đi thi có thể không cần xin phép nhưng danh hiệu đó sẽ không được thừa nhận trên truyền thông. Và cần phải có quy định chặt chẽ, chế tài cụ thể trong việc xử lý câu chuyện này.

Ngược lại, PGS.TS Bùi Hoài Sơn lại cho rằng, việc điều chỉnh quy định đi thi quốc tế là hợp lý vì các cuộc thi quốc tế đều có tiêu chí, quy định riêng để tìm những người phù hợp. Trong khi đó, chúng ta lại đưa ra những tiêu chí của mình để phù hợp với thế giới thì điều này không đúng.

“Chúng ta cần tôn trọng quyền về văn hoá của người dân. Người dân có quyền tham gia vào những cuộc thi này, nhà nước không nên cấm đoán khi họ đã phù hợp với những tiêu chí của các cuộc thi thế giới đề ra. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi quy định và việc thay đổi này là hoàn toàn phù hợp. Tôi đánh giá cao thay đổi này”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, khái niệm “người đẹp đến từ Việt Nam” thường nghe thấy trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế hoàn toàn khác với khái niệm “người đẹp của Việt Nam”. Những người đẹp ấy không thể nào là biểu tượng hay tượng trưng cho nhan sắc của một quốc gia mà chỉ là những người phù hợp với tiêu chí của các cuộc thi quốc tế. Nếu chúng ta hiểu rõ được câu chuyện này, chúng ta sẽ không còn thắc mắc.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, các cuộc thi sắc đẹp dù vẫn tôn vinh vẻ đẹp, những tấm gương nhưng nên để người đăng quang thể hiện vai trò của họ trong xã hội một cách bình thường nhất có thể. Nếu đặt quá nhiều kỳ vọng, chiếc vương miện không chỉ trở thành gánh nặng cho người mang nó mà còn có thể tạo ra ảo tưởng cho cả cộng đồng về những giá trị không có thật.